Việt Nam là một địa chỉ thú vị về công nghệ thông tin

18/12/2009 17:28 GMT+7

(TNO) Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Jorgen Staunstrup cho biết ĐH Công nghệ thông tin Copenhagen đánh giá rất cao tiềm năng hợp tác tại Việt Nam (VN).

Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Vương quốc Đan Mạch vào tháng 9.2009, VN và Đan Mạch đã đặt mục tiêu sớm đạt 1 tỉ USD tổng kim ngạch thương mại hai chiều (năm 2008 là 318 triệu USD) và lượng đầu tư trực tiếp của Đan Mạch vào VN là 1 tỉ USD (hiện khoảng 500 triệu USD). Chuyến thăm cấp nhà nước của Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II tới VN vào đầu tháng 11 là một sự kiện trọng đại nữa đánh dấu sự tăng cường hợp tác giữa hai nước trên nhiều phương diện và lĩnh vực.

Trong xu hướng thúc đẩy hợp tác đó, khoa học - giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng. Đan Mạch, là một nước công nghệ cao, có thể mang tới cho VN những cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực này. VN, một nền kinh tế đang lên, cũng là một điểm đến nhiều triển vọng cho các tổ chức khoa học - giáo dục của Đan Mạch.

Với sự hỗ trợ của thạc sĩ Lê Quyên Nhi, Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Jorgen Staunstrup, Hiệu phó trường ĐH Công nghệ Thông tin Copenhagen (ITU - IT University of Copenhagen), về vấn đề hợp tác với các đối tác VN.

* Thưa tiến sĩ Jorgen Staunstrup, xin ông cho biết đôi nét về trường ITU?

 

Làm việc theo nhóm tại ITU Copenhagen - Ảnh do nhân vật cung cấp

- ITU là một đại học còn khá trẻ (mới 10 năm tuổi) tập trung vào thế giới kỹ thuật số. Ngày nay, công nghệ thông tin đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và đổi mới công nghệ trong mọi lĩnh vực trí tuệ: mỹ thuật, thiết kế, âm nhạc, kinh doanh, tạo mẫu…

Vì thế, chúng tôi đón nhận sinh viên, các nhà nghiên cứu và đội ngũ nhân viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như các lĩnh vực kinh doanh, xã hội học, toán học, ngôn ngữ, giao thông và tất nhiên là cả ngành khoa học máy tính. ITU đã có những dòng nghiên cứu về trò chơi máy tính, phần mềm, kinh doanh và nghệ thuật số cũng như thiết kế.

Chỉ mới 10 năm tuổi, nhưng ITU giờ đây đã trở thành một nguồn cung cấp đội ngũ tốt nghiệp ĐH công nghệ thông tin chính của Đan Mạch.

* Trong quá trình phát triển, ITU đã xây dựng những mối quan hệ hợp tác như thế nào với các trường đại học cũng như các tổ chức trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Á?

- Tất cả các nhà nghiên cứu của chúng tôi đều có một mạng lưới quốc tế vững chắc nối với nhiều nước tại châu Á. Chiến lược của chúng tôi là xây dựng quan hệ cộng tác toàn cầu dựa trên những mối quan hệ cộng tác quốc tế đã tồn tại lâu dài giữa các nhà nghiên cứu xuất sắc.

Lưu ý là chúng tôi có sự phân biệt giữa khái niệm toàn cầu và quốc tế. Chúng tôi sử dụng khái niệm toàn cầu cho những mối quan hệ cộng tác, trong đó các đối tác sẽ bổ sung cho nhau, có nghĩa là những đối tác khác nhau cung cấp những giá trị khác nhau khi cộng tác. Đây là điều mà nhiều công ty sản xuất và dịch vụ hiện nay đang thực hiện; các đối tác trên toàn thế giới cùng đóng góp để tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ bằng cách mỗi người làm phần việc mà họ giỏi nhất. Dù một số tổ chức khá thành công với hình thức sản xuất này, nhưng hiện có khá ít trường đại học thực hiện điều này trong giáo dục và nghiên cứu.

* Khi hợp tác với các đối tác ở châu Á thì các ông đối mặt với những thách thức nào?

- Chúng tôi đã rất may mắn khi tìm được một trường đại học ở Trung Quốc (ĐH Bắc Kinh) có thể chia sẻ tầm nhìn về cộng tác toàn cầu trong nghiên cứu và giảng dạy của chúng tôi. Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn này với nhau và đều biết rằng sự kiên nhẫn và làm việc tích cực là cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn đó. Tất nhiên là khoảng cách xa cả về địa lý, ngôn ngữ và văn hóa là thách thức lớn. Nhưng mặt khác, điểm mấu chốt của cộng tác toàn cầu là phải học cách làm việc hiệu quả với các đối tác khác biệt so với mình.

* ITU có mong muốn hợp tác với các đối tác VN? ITU muốn hợp tác trong lĩnh vực nào và với loại đối tác nào?

- VN là một điểm đến hấp dẫn vì chúng tôi biết các bạn có một quyết tâm lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thêm nữa, đã có một số điển hình thành công trong hình thức cộng tác toàn cầu giữa VN và Đan Mạch.

Về các đối tác, chúng tôi đang tìm kiếm những đơn vị có thể chia sẻ tầm nhìn với chúng tôi và họ thực sự quan tâm tới việc xây dựng hình thức cộng tác toàn cầu. Đấy có thể là một tổ chức công như bệnh viện, một công ty tư nhân cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin hoặc một trường đại học.

Đối với chúng tôi, quan trọng nhất là tìm ra được các đối tác có thể hỗ trợ cho chúng tôi và họ đã sẵn sàng cho các thách thức trong vấn đề cộng tác toàn cầu.

* Ngân sách cho các dự án cộng tác đến từ đâu?

- Lý tưởng nhất là tất cả các đối tác đóng góp vào chương trình cộng tác, ít nhất là trong dài hạn. Trong ngắn hạn, mỗi đối tác có thể gây quỹ, nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Cũng có thể tìm kiếm nguồn tài chính cho các chương trình hợp tác từ EU và từ các hội đồng nghiên cứu của Đan Mạch.

* Điều gì khiến ông tin rằng các đối tác VN muốn hợp tác với ITU?

- Tôi tin ITU có rất nhiều thứ: đầu tiên và trên hết đó là phương pháp tiếp cận liên ngành của chúng tôi trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thành tích về đổi mới công nghệ của chúng tôi và cuối cùng nhưng không phải kém quan trọng nhất đó là kết quả mà chúng tôi đã đạt được chỉ sau 10 năm hoạt động (200 đến 300 thạc sĩ khoa học tốt nghiệp mỗi năm, chương trình tiến sĩ rất phát triển, quan hệ hợp tác nghiên cứu với hơn 50 công ty và có một mạng lưới nghiên cứu vươn tới hầu hết các khu vực trên thế giới).

* Để hợp tác với ITU, đối tác VN cần có những điều kiện gì?

- Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là họ có thể chia sẻ quan điểm của chúng tôi rằng công nghệ thông tin đóng vai trò chủ lực trong sự đổi mới và phát triển về mặt kinh tế trong hầu hết các lĩnh vực của xã hội cũng như họ chia sẻ tầm nhìn của chúng tôi về cộng tác toàn cầu trong giáo dục và nghiên cứu.

* Cũng liên quan đến hợp tác, liệu người VN có thể nhận được học bổng từ ITU? Và bằng cách nào?

- Trong năm 2009 và 2010, ITU sẽ tuyển 22 nghiên cứu sinh tiến sĩ mỗi năm, phần lớn đến từ ngoài Đan Mạch. Chúng tôi chào đón các nghiên cứu sinh VN và họ sẽ được đối xử như đối với các nghiên cứu sinh quốc tịch khác.

Một khi được tuyển vào chương trình tiến sĩ, nghiên cứu sinh sẽ nhận được học bổng toàn phần, bao gồm học phí, tiền nhà ở và các chi phí khác.

Sinh viên VN cũng có thể tham gia các chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ của ITU. Tuy nhiên, chúng tôi có rất ít học bổng cho các cấp học này, vì thế sinh viên nên tự tìm kiếm nguồn tài chính.

* Thưa ông, ITU có cung cấp cho các sinh viên và nghiên cứu sinh cũng như các đối tác nghiên cứu quốc tế những hỗ trợ cơ bản để có thể học tập và làm việc tại Đan Mạch?

- Bạn biết đấy, chúng tôi là một trường khá trẻ và khá nhỏ, vì thế chúng tôi không có một văn phòng quốc tế đầy đủ. Tuy nhiên, chúng tôi đang nỗ lực để hỗ trợ mọi người. Một thành viên giảng dạy đến từ châu Á sẽ được trợ giúp chỗ ở, các vấn đề liên quan tới gia đình, thuế… Trên thực tế, chúng tôi đã tuyển một cán bộ chuyên lo công tác hậu cần để hỗ trợ những người đến với chúng tôi.

* Vâng, xin cám ơn ông.

Đỗ Hùng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.