Lớp học đổi đời

08/12/2009 01:31 GMT+7

Chỉ trong vòng 4 năm, một dự án hỗ trợ dành cho những phụ nữ đơn thân làm chủ hộ ở huyện nghèo Sóc Sơn đã tạo ra những thay đổi đến kinh ngạc.

Chị Nguyễn Thị Nhung (xã Hồng Kỳ) năm nay 47 tuổi nhưng đã sống cảnh đơn thân hơn 25 năm nay. Bị chồng bỏ rơi khi mới mang thai đứa con đầu lòng 3 tháng, chị Nhung đã phải rất vất vả bươn chải để nuôi con. Lý do khiến chị Nhung không dám đi bước nữa ngoài chuyện kinh tế khó khăn còn vì định kiến xã hội ở nông thôn quá nặng nề. “Ở quê, khi phụ nữ ly hôn người ta nghĩ ngay là mình phải thế nào chồng mới bỏ, nhiều lúc tủi lắm. Thậm chí, nhà cửa hư hỏng chỗ này chỗ kia muốn nhờ đàn ông trong xóm sửa giúp cũng không dám vì cả mình và cả họ đều sợ điều tiếng”, chị Nhung tâm sự.

Tôi vô cùng kinh ngạc trước những khả năng tiềm ẩn bên trong những người phụ nữ ở đây. Họ chỉ cần một cú hích nhẹ là có thể vươn lên hoàn cảnh của mình rất nhiều.
Bà Ute Bartels - đại diện khu vực Đông Dương của BfdW

Còn chị Phạm Thị Lưu ở xã Bắc Sơn cũng bị chồng bỏ nhưng phải một mình nuôi con và mẹ già mù cả hai mắt. Luôn mang trong mình mặc cảm bị chồng bỏ, có thời gian chị luôn cửa đóng then cài không dám gặp gỡ ai. Chị Nguyễn Thị Thắm (xã Bắc Sơn) từng bị lừa bán sang Trung Quốc. Sau nhiều năm, chị Thắm đã trốn được về VN cùng 1 đứa con. Khi về, chị Thắm luôn phải chịu sự dè bỉu vì chuyện “không có chồng mà có con”. Con trai của chị phải nghỉ học vì không có tiền...

Đó chỉ là vài hoàn cảnh điển hình trong số 200 chị em đơn thân ở huyện Sóc Sơn trước khi tham gia dự án “Tạo cơ hội phát triển công bằng cho phụ nữ nghèo chủ hộ” do tổ chức “Bánh mì cho thế giới” (BfdW) của Đức kết hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em (DWC) tổ chức.

Năm 2005, khi dự án này được bắt đầu, những người phụ nữ không chồng nuôi con tại 3 xã nghèo (Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ) huyện Sóc Sơn đã tìm thấy những cơ hội mới. Tham gia dự án, các phụ nữ đơn thân học được nhiều kiến thức từ chăn nuôi, trồng trọt sao cho hiệu quả đến việc quản lý kinh tế gia đình...

Sau 4 năm, từ một người làm gì cũng không dám, giờ chị Nhung đã tự tin hơn nhiều. Nhờ sự bảo lãnh của Hội phụ nữ xã, chị đã đứng ra vay vốn ngân hàng để thực hiện những “dự án đầu tư” của mình. Chị Nhung kể trước đây làm kinh tế chỉ biết lấy công làm lãi, chăn nuôi lợn mất công sức mà không thấy lãi đâu. Bây giờ, khi biết cách hạch toán kinh tế, chị đã chuyển sang nuôi ngan, nuôi bò vì tốn ít công sức hơn mà lại có lãi. Năm đầu tiên tham gia dự án chị xây được tường bao, năm sau đã mua được xe máy. "Giờ mỗi năm cũng để ra được chục triệu đồng", chị Nhung khoe.

Còn với chị Lưu, từ 2 triệu đồng vốn vay, với kiến thức học được từ dự án, đến nay chị đã gây dựng được một hệ thống vườn ao chuồng đem lại hàng chục triệu đồng mỗi năm. Căn nhà chị Lưu đang ở giờ khá gọn gàng sạch sẽ với khu vệ sinh không kém gì các căn hộ của thành phố. Với chị Thắm, sau khi tham gia vào dự án, được hỗ trợ vốn, chị đã chủ động vay thêm ngân hàng để kinh doanh hoa quả và chăn nuôi. Giờ mẹ con chị đã có cuộc sống ổn định hơn.

Bên cạnh những thay đổi về thu nhập, những lớp học của dự án, những buổi sinh hoạt của câu lạc bộ "Phụ nữ nghèo làm chủ hộ" còn tạo ra những thay đổi trong cách sống, hành vi ứng xử, và giúp những phụ nữ này vượt qua định kiến xã hội. Nhiều chị đã học được cách cư xử với con cái như một người bạn, có gì đều tâm sự và chia sẻ với con. “Bản thân tôi giờ khi có việc muốn nhờ đàn ông cũng mạnh dạn sang tận nhà nói với vợ người ta để cho chồng sang giúp mình”, chị Nhung tâm sự.

Hương Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.