Báu vật Tây Nguyên

13/11/2009 23:08 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO chọn không gian văn hóa cồng chiêng để công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Ở đâu có sự sống, ở đó có chiêng cồng

Chiêng trước hết là vật thiêng. Con người thông qua chiêng để tiếp xúc và giao cảm với thần linh. Sau đó nó là uy tín và quyền lực, có những bộ chiêng trị giá ngang voi trắng, nhiều trâu, nhiều bò. Có chiêng được gọi là “chiêng vượn trắng” đủ thấy nó giá trị như thế nào. Và như thế, chiêng còn đồng nghĩa với của cải. Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ. Nó được chế tác từ hàng hóa thành nhạc cụ, thông qua các nghệ nhân chỉnh sửa âm thanh. Nó là toàn bộ không gian sống, là yếu tố đời sống cả tinh thần và vật chất của người Tây Nguyên. Người Tây Nguyên bây giờ vẫn còn nhiều gia đình cất giữ chiêng như cất giữ vật báu. Những bộ chiêng cổ hàng trăm năm không phải là ít. Bộ chiêng mà dân làng O Ngol (Gia Lai) đang lưu giữ có gần 200 năm tuổi. Và theo chúng tôi biết còn nhiều bộ chiêng như thế đang được lưu giữ trong dân làng.

Có lần tôi tự hỏi: Sẽ ra sao nếu một ngày nào đó, các buôn làng Tây Nguyên không còn chiêng? Rồi lại tự trả lời: Không bao giờ. Bởi một lẽ đơn giản: Cồng chiêng tự bản thân nó có một đời sống riêng gắn với đời sống cư dân Tây Nguyên. Nó tồn tại theo quy luật khách quan của đời sống, cả vật chất và tinh thần, của con người trong mối quan hệ với cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng chứ không chỉ là cồng chiêng. Cái không gian ấy chính là toàn bộ đời sống của cộng đồng trong mối quan hệ với thiên nhiên, con người, thần linh. Cái không gian ấy nó làm nền cho cồng chiêng phát sinh và phát triển. Không gian ấy gắn kết con người với cộng đồng, con người với tự nhiên, thần thánh, và con người với... chiêng. Người Tây Nguyên hay lấy chiêng ra làm thước đo như "tiếng hú dài như tiếng chiêng", "nhà dài như tiếng chiêng"..., và chiêng chứng kiến toàn bộ đời sống con người. Khi sinh ra thì tiếng chiêng đón em bé vào đời. Khi chết đi thì tiếng chiêng lại tiễn con người về cõi Yang, vì thế có thể nói rằng, với người Tây Nguyên, ở đâu có sự sống, ở đó có chiêng cồng.

Đánh chiêng, vì sao đi ngược chiều kim đồng hồ?

Đến giờ, vẫn còn những vấn đề về chiêng Tây Nguyên đang được tranh cãi, hay đúng hơn là chưa có sự thống nhất. Ví dụ tại sao khi đánh chiêng người ta lại cứ hay cúi lom khom và đi vòng tròn về bên trái, ngược chiều kim đồng hồ. Nhạc sĩ Tô Vũ, giáo sư âm nhạc, một người rất nặng nợ và cũng rất hiểu biết về cồng chiêng Tây Nguyên giải thích rằng: Tại vì người ta đeo cồng chiêng bên vai trái và dùng tay phải gõ. Sở dĩ phải cúi là để cho cái chiêng nó cách ra, đừng chạm vào người. Còn sở dĩ phải đi theo chiều tay trái (ngược chiều kim đồng hồ) là bởi vì cái chiêng nó nặng bên vai trái nên phải đi theo cùng hướng ấy chứ chả có gì ghê gớm cả. Cũng vấn đề này, giáo sư tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, lại cho rằng, họ đi theo chiều mặt trời lên, chiều của sự sống. Nếu đi ngược lại thì là về cõi âm, cõi chết...

Trong đời sống vật chất còn có phần đơn giản của mình, người Tây Nguyên đo thời gian theo chu kỳ vòng cây trồng và vòng đời người. Thì trong cả 2 vòng đời người đời cây ấy, các nghi lễ đều có sự tham gia thiết yếu của cồng chiêng như một thành tố không thể thiếu. Không một nghi lễ nào không có sự tham gia của chiêng cồng. Tiếng chiêng vừa vô cùng gần gũi thân thương, nhưng lại cũng rất vời xa, bí ẩn, hiện hữu đấy hư vô đấy, trần thế đấy linh thiêng đấy...

Trong những đêm thanh vắng ở làng, tiếng chiêng càng hút hồn, nhất là khi ta nghe đồng bào dùng chiêng để "nói chuyện", "tâm sự" với nhau. Tiếng chiêng tự lòng người, tự tâm hồn người, bay vào không trung, đập vào núi, vọng trở lại, thắc thỏm như đêm, như linh hồn của núi, một thứ linh hồn vững chãi, trường tồn, dung dị nhưng cũng vô cùng bí ẩn, để mãi mãi thiêng liêng trong ký ức con người...

Khác nhau giữa những tiếng chiêng

Gọi chung là chiêng Tây Nguyên, nhưng thực ra thì từng dân tộc có cách đánh, cách chơi riêng, có sự khác nhau rất rõ giữa các làn điệu cũng như cách diễn tấu. Chiêng Bana trầm hùng mà trữ tình như làn gió thổi qua rừng già, nghe thảnh thơi như đang đi dạo trên những con đường đầy nắng và lá rụng. Chiêng Gia Rai náo nức hội hè, nghe lâng lâng như vừa uống xong một thứ mật được pha được chắt từ ánh mắt, từ hương rượu của các cô gái ngày vào hội, nghe men tình yêu bốc lên từ mỗi tiết tấu dập dồn kia, khiến chúng ta không thể đứng yên mà tự ta phải nhập vào vòng xoang lúc nào không biết. Chiêng Xơ Đăng uy dũng, thượng võ nghe ngun ngút như núi cao dốc thẳm. Chiêng Mạ, Lạch, Mơ Nông buồn thổn thức, như đêm là đà trên đỉnh Lang Bian, rủ rỉ tâm tình những câu chuyện dài không dứt, những câu chuyện buồn đến tê lòng về một chàng trai và một cô gái. Họ không lấy được nhau, khóc mãi, nước mắt chảy thành mây, quấn mãi trên đỉnh Lang Bian. Cũng như mái tóc nàng Ly xõa trắng biến thành thác la Ly huyền thoại. Chiêng Ê Đê thì lại mạnh mẽ sôi sục dứt khoát, như tính cách của chàng Đăm Săn đi bắt nữ thần mặt trời ngày nào...

Tối 12.11, tỉnh Gia Lai đã chính thức khai mạc Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 với sự tham dự của hàng nghìn nghệ nhân đến từ các tỉnh thành có chiêng ở Việt Nam và 5 nước trong khu vực. Như thế, sau Festival Cà phê Buôn Ma Thuột, Festival Hoa Đà Lạt, đã có một Festival Cồng chiêng tại Pleiku. Chiêng cồng lại trở thành máu thịt của đồng bào như nó đã từng...

Văn Công Hùng

* Tác giả là nhà thơ, Phó chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Gia Lai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.