Yersin - trái tim sống mãi nơi này - Kỳ 2: Vào “thành phố chết”

01/03/2012 10:57 GMT+7

Một buổi chiều ôn lại kỷ niệm về bậc thầy, bậc đàn anh của mình, ông Đặng Anh Trai, 98 tuổi, từng làm việc cho Yersin, xúc động: “Ông ấy có tư chất một nhà bác học. Là bác sĩ nhưng cái gì cũng đam mê nghiên cứu và muốn thật sự thấu đáo từ thiên văn học đến cơ khí, nông nghiệp... Không làm thì thôi, nhưng đã làm cái gì thì ông làm đến cùng”.

Một buổi chiều ôn lại kỷ niệm về bậc thầy, bậc đàn anh của mình, ông Đặng Anh Trai, 98 tuổi, từng làm việc cho Yersin, xúc động: “Ông ấy có tư chất một nhà bác học. Là bác sĩ nhưng cái gì cũng đam mê nghiên cứu và muốn thật sự thấu đáo từ thiên văn học đến cơ khí, nông nghiệp... Không làm thì thôi, nhưng đã làm cái gì thì ông làm đến cùng”.

 
Dịch hạch hoành hành tại Hong Kong năm 1894, đến mức người ta phải tẩy uế nhà cửa, phố xá như thế này - Ảnh tư liệu

Đến ổ dịch nguy hiểm

Ở Nha Trang bây giờ, những người lớn tuổi từng làm việc cho Yersin như ông Trai không còn mấy nữa, nhưng những câu chuyện, kỷ niệm lưu truyền về ông vẫn được nâng niu, gìn giữ rất nhiều. Một buổi sáng mưa phùn, tôi đã theo bác sĩ Kiều Xuân Cư và đạo diễn Việt Tùng ghé thăm Suối Dầu, tìm lại trang trại chăn nuôi động vật phục vụ nghiên cứu thí nghiệm y học của Yersin. Đồng cỏ bao la đã bao mùa khô cháy rồi lại nảy mầm xanh tươi, nền chuồng trại xưa còn đó, những cây cao su cổ thụ do chính tay ông trồng vẫn vòi vọi tỏa bóng mát... Tận mắt nhìn lại những gì người xưa đã tâm huyết sắp đặt, làm việc, tôi mới thật sự cảm nhận được hành trình lớn nhất của cuộc đời Yersin, một hành trình làm việc không mệt mỏi để cứu người mà không cần được ai đền đáp ...

Trong cuốn sách Alexandre Yersin - người chiến thắng bệnh dịch hạch, tác giả Henri H.Mollaret và Jacqueline Brossollet đã kể lại rất tỉ mỉ sự dấn thân của bác sĩ Yersin trong việc nghiên cứu vi trùng bệnh dịch hạch và thành tựu đạt được. Ngay từ khi mới đặt chân lên Đông Dương, Yersin đã phát hiện có bệnh dịch hạch ở các tỉnh Nam Trung Quốc. Mấy lần ông đã đề nghị viên toàn quyền Đông Dương Lanessan cho đi nghiên cứu đại dịch chết người này nhưng đều bị từ chối.

Tuy nhiên, năm 1894, người ta đã không thể che giấu đại dịch này được nữa. Nó hoành hành dữ dội ở Quảng Châu, Phúc Kiến, Hong Kong, cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng. Thay vì từ chối như lần trước, lần này đại diện chính quyền Pháp phải cử Yersin đi để theo dõi diễn biến dịch, tìm cách ngăn chặn bệnh lan từ Nam Trung Quốc xuống Đông Dương. Trong lá thư gửi mẹ đề ngày 19-5-1894, Yersin đã kể lại: “Thế là con lại có mặt ở Sài Gòn song chẳng bao lâu, bởi 12 hôm nữa con lại phải lên đường ra Bắc kỳ để từ đó qua Giang Nam nghiên cứu bệnh dịch hạch... Căn bệnh dễ sợ ấy vẫn xảy ra lẻ tẻ ở Giang Nam và hằng năm lại có một trận dịch lớn. Bắc kỳ bị đe dọa, chính vì lẽ ấy con mới được cử đi ...”. Thư Yersin gửi mẹ cũng ghi rõ nhiệm vụ của ông: “Công việc đầu tiên con cần phải nghiên cứu bệnh dịch hạch là tìm ra vi trùng gây bệnh...”.

Sau đó, vào ngày 15-6-1894 Yersin được cử đến Hong Kong đúng như nguyện vọng, bởi ông có thông tin Hong Kong mới là ổ dịch trầm trọng nhất. Điều này cũng thể hiện sự dũng cảm của Yersin khi ông tình nguyện đến ổ dịch nguy hiểm nhất khu vực lúc bấy giờ. Yersin đi đơn độc với hành lý chỉ là chiếc rương có vài bộ đồ, còn chỗ trống để dành hết cho chiếc kính hiển vi, đồ nghề, thuốc thử y tế...

Đối mặt khó khăn

Vừa đặt chân lên Hong Kong, khung cảnh tiêu điều của bệnh dịch chết người và nỗi sợ hãi đã đập vào mắt Yersin. Cuốn Alexandre Yersin - người chiến thắng bệnh dịch hạch kể lại: “Hơn 100.000 dân Trung Hoa, tức hơn một nửa dân thành phố, đã bỏ đến Quảng Châu ngay từ đầu trận dịch... Ngày nào người ta cũng tìm thấy xác chết ngoài làng hoặc trên các thuyền tam bản. Các nghĩa địa dã chiến thật ra là những hố chôn đơn giản để người ta tống các xác chết xuống rồi phủ vôi và một lớp bêtông lên. Cái chết xảy ra trong vài hôm, đôi khi không quá 24 giờ và tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân lên đến 96%...”.

Ở thành phố chết đó, Yersin được cử đến Bệnh viện Kennedy Town do người Anh điều hành. Ông nhanh chóng lao vào nghiên cứu, tìm hiểu nguồn gốc căn bệnh chết người này, nhưng vấp phải khó khăn, đối diện trước sự thờ ơ, bất hợp tác của người Anh. Cùng lúc tại đây đã có một đoàn công tác nghiên cứu dịch bệnh của người Nhật do giáo sư Kitasato dẫn đầu với một đội ngũ hùng hậu gồm bác sĩ hàng hải Ishigami, Tanemichi Aoyama cùng các bác sĩ lâm sàng, giải phẫu bệnh lý học, phụ tá và sinh viên y khoa tình nguyện.

Trong lúc các bác sĩ Anh và Nhật được ưu ái cho sử dụng tất cả phòng của bệnh viện, Yersin phải ra ngoài hành lang chật hẹp để làm thí nghiệm. Ông hi vọng sự trao đổi, giúp đỡ nhau giữa các đoàn bác sĩ sẽ đẩy nhanh tiến độ tìm ra phương pháp điều trị căn bệnh nguy hiểm này. Nhưng mọi nỗ lực trao đổi chuyên môn của Yersin với họ đều không thành công trước sự lạnh nhạt, bất hợp tác ra mặt. Yersin kể ông yêu cầu được mổ xác nhưng chẳng được giao thi thể bệnh nhân nào, trong khi bác sĩ Nhật được ưu tiên với tất cả xác bệnh.

Chỉ được quan sát mẫu máu dưới kính hiển vi, nhưng ngay từ đầu Yersin đã có hướng đi khác đồng nghiệp. Chính ông đã viết lại rằng: “Tôi nhìn thấy ông Kitasato tự tay trích lấy một ít máu trong quả tim vào một hộp kính và đi lên phòng thí nghiệm để quan sát. Trong thời gian này, các trợ tá ông ta vẫn tiếp tục mổ xác. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy họ cũng chẳng nghĩ đến việc tìm các hạch. Ngược lại, họ quan sát thật cẩn thận quả tim, các lá phổi, gan, lá lách... Ông này không tìm thấy con trực trùng của mình, bèn tuyên bố bệnh nhân chết vì sốt thương hàn, không phải vì dịch hạch... Tuy nhiên, tôi tránh không nhận xét gì cả”.

Suốt nhiều ngày liền, Yersin chỉ đơn độc nghiên cứu trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi điều kiện. Thậm chí, không thể làm việc ở hành lang bệnh viện đông đúc được, Yersin phải cất một căn nhà tre lá ở ngoài bệnh viện để làm việc. Hình ảnh thật khó tin với vị bác sĩ cao cấp của Viện Pasteur Paris. Tuy nhiên, điều Yersin cần nhất là được giao thi hài bệnh nhân để giải phẫu bệnh lý học vẫn bị từ chối.

Mệt mỏi nhưng không chán nản, bỏ cuộc, Yersin nghe lời tư vấn của một vị linh mục nên tìm cách khác bên ngoài cánh cửa bệnh viện vốn đã thiếu thiện chí với ông. Thế là ông đưa ít tiền cho thủy thủ có trách nhiệm mai táng bệnh nhân, để họ cho ông chút thời gian tiếp cận xác chết trước khi chôn. Cuối cùng, ông đã được dẫn xuống con tàu Bệnh viện Hygieac để bước vào hầm chứa thi hài bệnh nhân dịch hạch... 

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.