Kỳ bí tục táng Tây Nguyên: Chôn sống con theo mẹ

03/12/2009 14:19 GMT+7

Với hai tộc người Giarai ở Bắc Tây Nguyên và Cill ở vùng Đam Rông - Lâm Đồng, những sản phụ không may tử vong sau khi sinh con thì nhất thiết đứa bé sẽ được già làng quyết định chôn sống theo mẹ.

> Thâm nhập “rừng ma”
> Thế giới tượng nhà mồ

Trong đêm biên giới hun hút gió rừng, thiếu tá Lê Văn Nhì, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 673 - Kon Tum, lắc đầu ngao ngán: “Đến nay, cán bộ, chiến sĩ ở các đồn biên phòng trên tuyến biên giới gần vùng cư trú của bà con dân tộc ít người Giarai vẫn phải thường xuyên canh chừng hủ tục chôn sống con theo mẹ. Hễ nghe sản phụ nào không may tử vong sau khi sinh con, anh em chúng tôi lại phải lập tức tìm già làng thuyết phục, vận động, thậm chí phải cầu cứu để giành mạng sống cho đứa trẻ. Thật kinh khủng khi chứng kiến hủ tục này!”.

Giải cứu trẻ thơ

Sự bàng hoàng, kinh hãi không chỉ xuất hiện trong chúng tôi mà còn nguyên vẹn trong ký ức nhiều cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 673, những người từng tham gia giải cứu 2 cháu bé suýt bị chôn sống theo mẹ ở làng Phụp và làng Grập, xã Mo Ray, huyện Sa Thầy - Kon Tum vào năm 2006. 

Anh Phạm Xuân Bốn, chiến sĩ Đồn Biên phòng 673, người trực tiếp tham gia hai vụ giải cứu trẻ thơ này, nhớ lại: “Vùng người Giarai sinh sống vốn lặng lẽ, cái chết của một phụ nữ cũng không khiến dân làng sôi động hơn. Lúc chúng tôi nhận được thông tin từ người dân và lao đến làng Grập, đứa bé đã được thay quần áo mới để chuẩn bị chôn sống. Tiếng khóc ngằn ngặt vì đói và sợ hãi của cháu đã khiến anh em chúng tôi run lên vì bàng hoàng và xúc động".

"Già làng lúc này là người nắm quyền sinh sát. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi phương án hành động để cứu cháu bé bằng mọi giá nhưng may mắn là sau nửa giờ thuyết phục, già làng đã đồng ý chỉ chôn người mẹ đã chết”.

Không để người mẹ xa con thơ!

Dọ hỏi chuyện nhiều già làng người Giarai và người Cill về hủ tục chôn sống con theo mẹ, chúng tôi chỉ nhận được lời giải thích đơn giản: “Tục này có từ thời cha ông. Người mẹ nào cũng không muốn xa con thơ, kể cả khi đã chết. Hơn nữa, mẹ nó chết thì ai cho nó bú nên phải chôn theo thôi!”. Tiếng Cill gọi tục táng đáng sợ này là chớt briang, nghĩa là chết tươi.

Đến nay, khi hầu hết các buôn làng Tây Nguyên đã tiếp xúc với ánh sáng, tiện nghi văn minh, hủ tục chôn sống con theo mẹ rùng rợn này vẫn đang rình rập, đe dọa nhiều người.

Anh Bốn cho biết tình huống xảy ra ở làng Phụp cũng nghẹt thở tương tự và rồi cũng chỉ có các cán bộ, chiến sĩ biên phòng mới có khả năng giải cứu thành công những trẻ thơ suýt bị chôn sống theo mẹ.

Thầy giáo ra tay

Không chỉ người Giarai ở Bắc Tây Nguyên, trong tộc người Cill ở vùng Đam Rông - Lâm Đồng, những sản phụ không may tử vong sau khi sinh con thì nhất thiết đứa bé cũng sẽ được làng quyết định chôn sống theo mẹ.

Hủ tục chôn sống trong cộng đồng người Cill giống người Giarai ở sự lặng lẽ nhưng  khác xa về sự quyết liệt. Suốt hàng trăm năm trước, chưa có ai giải cứu thành công những đứa bé vô tội bị làng bắt chết theo mẹ, cho đến ngày thầy giáo Rơ Ông Ha Tông ở làng Mê Ka, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông ra tay hành động.

Gặp chúng tôi, ông Ha Tông kể: Tháng 3-1993, Liêng Hót Ka Pâng, một phụ nữ ngụ cùng làng Mê Ka, hạ sinh một đứa con trai. Không may, Ka Pâng đuối sức và chết sau 3 ngày sinh con.

Dòng họ Liêng Hót quyết định tắm rửa cho đứa trẻ mới chào đời và úp lên bụng Ka Pâng để chôn sống. “Không ai bàn cãi gì, luật tục khắc nghiệt vĩnh viễn đóng đinh vào tâm thức người Cill như vậy” – ông Ha Tông cho biết.

Lúc đó, Rơ Ông Ha Tông đang đi công việc xa làng. Vợ ông, bà Kon Sơ Ka Glong, hớt hải chạy đi tìm chồng thông báo gấp gáp: “Thằng nhỏ con Ka Pâng chết mất! Nhà Liêng Hót đang chuẩn bị cột nó vào bụng mẹ đem đi chôn sống”. Không chần chừ, ông Ha Tông cùng vợ vội vã về làng và đến thẳng gia đình Ka Pâng.

Ông Ha Tông tiết lộ: “Điều này chưa từng xảy ra vì theo quan niệm của người Cill, những gia đình có sản phụ bị chết sau khi sinh phải tự lo liệu tang ma, bà con trong buôn làng tuyệt đối không đến gần những nhà như vậy bởi theo dân làng, đó là điều xui xẻo bậc nhất. Nỗi ám ảnh về kon briang - con ma hút máu tươi ở các đám ma của những phụ nữ bất hạnh như Ka Pâng - vẫn bám riết dân làng người Cill ở Đam Rông”.

Tuy nhiên, với vợ chồng thầy giáo Ha Tông, tiếng khóc ai oán của một đứa trẻ sắp bị chôn sống đã giúp họ đủ can đảm vượt qua nỗi sợ hãi khi vi phạm luật tục ngàn đời của người Cill.

Vợ chồng ông đã phải quỳ xuống trước tộc họ Liêng Hót, thề như đinh đóng cột: “Vợ chồng Ha Tông sẽ nuôi nấng đứa bé con Ka Pâng tử tế nếu nó sống và lo hậu sự chu tất nếu nó chết”.

Tình cảm chân thành, khẩn thiết của vợ chồng ông Ha Tông đã chiến thắng. Tộc họ Liêng Hót đã đồng ý trao đứa trẻ chỉ nặng hơn 1,5 kg và đã kiệt sức cho vợ chồng ông.

Đứa bé được vợ chồng Ha Tông mang về nuôi dưỡng và đặt tên Tho My. Trong tiếng Cill, “Tho My” có nghĩa là “cứu sống”. Tho My may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần về với gia đình Ha Tông khi ông bà đã có tới 6 mặt con và điều kiện kinh tế hết sức khó khăn.

Hôm chúng tôi đến, Tho My đã học lên lớp 9 và gia đình ông Ha Tông vẫn chưa thoát khỏi cảnh đói ăn. Mùa giáp hạt này, trừ Tho My và Ka Huệ, con gái ông Ha Tông, còn đi học, những người còn lại trong gia đình phải vào rừng tìm cây măng, rau độn cho những bữa ăn kham khổ.

Câu chuyện giữa chúng tôi với vợ chồng thầy giáo Ha Tông bị gián đoạn vì tiếng “Me ài” (mẹ ơi) vọng vào từ sân. Ông Ha Tông hớn hở: “Thằng Tho My đi học về! Đến giờ, tôi vẫn chưa nói cho Tho My biết nó là con nuôi. Để nó biết tội nghiệp lắm!”. Ánh mắt ông ngước lên nhân từ đón con nuôi vào nhà.

Chúng tôi chia tay vợ chồng thầy giáo Rơ Ông Ha Tông và chợt tin tưởng rằng không có hủ tục đáng sợ nào ở đại ngàn Tây Nguyên mênh mông thắng được lòng nhân ái giữa con người với con người.

Theo Sơn Tùng / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.