Khó đòi tiền điện của khách hàng phá sản

09/08/2013 14:10 GMT+7

Sau thuế, bảo hiểm, ngân hàng… ngành điện cũng gặp khó khăn khi giải bài toán khó về những khoản 'nợ tiền điện khó đòi' đang tăng nhanh do các doanh nghiệp (DN) phá sản.

Sau thuế, bảo hiểm, ngân hàng… ngành điện cũng gặp khó khăn khi giải bài toán khó về những khoản “nợ tiền điện khó đòi” đang tăng nhanh do các doanh nghiệp (DN) phá sản.

Việc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng phải kiện 3 DN ngành thép ra tòa vì nợ đọng hàng chục tỉ đồng tiền điện nhưng không có phương án trả nợ đang cho thấy những khó khăn của ngành điện trong việc thực hiện các hợp đồng mua bán điện hiện nay.

Khó đòi tiền điện của khách hàng phá sản
Điện lực Hải Dương thu tiền điện của khách hàng - Ảnh: Anh Vũ

Thực tế không chỉ ở Hải Phòng, tại nhiều địa phương cũng tiềm ẩn nguy cơ này. Nợ tiền điện không nằm trong danh mục các khoản nợ được ưu tiên trả trước khi DN ngừng hoạt động, phá sản.

Theo quy định của pháp luật, khi DN phá sản, thứ tự ưu tiên trả nợ mà DN thực hiện sẽ là: tiền thuế, bảo hiểm, tiền lương của người lao động, các khoản nợ có đảm bảo… và tiền điện xếp sau cùng. Thông thường thì số tài sản còn lại của DN không đủ trả cho số tiền điện còn nợ đọng.

Vẫn phải chờ giải pháp

Thực tế, không ai muốn nợ tiền điện, DN lại càng không, bởi theo luật Điện lực, nếu nợ tiền điện quá hạn thì sẽ bị ngừng cấp điện, khi đó hoạt động của DN sẽ bị ngưng trệ, thiệt hại rất lớn. Nguyên nhân chính dẫn đến DN nợ đọng tiền điện hiện nay là do khủng hoảng kinh tế đẩy nhiều DN rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán nợ.

Ông Vũ Phương Đông, Phó trưởng ban Pháp chế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết mới đây khi góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Điện lực, EVN đã kiến nghị để bổ sung thêm một điều khoản mới trong thực hiện hợp đồng đối với những khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/tháng trở lên.

Cụ thể, đối với những khách hàng này, ngành Điện đề nghị phải thực hiện biện pháp đảm bảo trước khi thực hiện hợp đồng mua bán điện có hiệu lực. Giá trị đảm bảo thực hiện hợp đồng sẽ tương ứng với 1 tháng tiền điện được tính trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ trung bình trong tháng đăng ký trong hợp đồng mua bán điện và giá điện năng giờ bình thường được áp dụng.

Đối với các hợp đồng mua bán điện đang có hiệu lực thì trong thời gian 3 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, khách hàng cần bổ sung biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng.

“Nếu Nghị định được thông qua, với điều khoản mới được đưa ra, sẽ hạn chế bớt được hiện tượng nợ xấu về tiền điện gia tăng như hiện nay”, ông Đông khẳng định.

Dự kiến, Nghị định sắp được Chính phủ thông qua. Đương nhiên, từ nay đến khi chính sách có hiệu lực, mỗi đơn vị ngành điện phải tìm cách để “tự cứu mình”. Linh hoạt và chủ động trong thu hồi nợ là cách các đơn vị ngành điện đã, đang và sẽ phải làm để giảm thiểu nợ xấu, tránh thất thu ngân sách.

1. Bên mua điện là khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 1 triệu kWh/tháng trở lên có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực.

2. Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng tương ứng với 1 tháng tiền điện được tính trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ trung bình tháng đăng ký trong hợp đồng mua bán điện và giá điện năng giờ bình thường được áp dụng.

3. Bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện trong trường hợp bên mua điện không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng...

(Trích Điều 12 của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Điện lực, dự kiến sẽ được Chính phủ thông qua trong thời gian tới)

Lan Uyên
Nguồn EVN

>> JPMorgan có thể mất 400 triệu USD vì thao túng ngành điện
>> Đóng góp lớn của ngành điện miền Nam
>> Định hướng nghề nghiệp ngành điện hạt nhân
>> Ngành điện khổ vì dân chơi… diều
>> Lợi nhuận đáng kinh ngạc của ngành điện
>> TP.HCM: Từ 1.12, ngành điện áp dụng chương trình hóa đơn điện tử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.