Dân dã bánh bảy lửa

22/12/2011 16:08 GMT+7

Cái tên nghe có vẻ lạ lùng, nhưng đó lại là một thứ bánh dân dã, quen thuộc đối với người dân Quảng Nam – Đà Nẵng. Bánh được chế biến rất công phu, và đặc biệt trong suốt quá trình làm, bánh phải trải qua 7 lần lửa mới có vị ngon ngọt, bùi bùi đặc trưng, vì thế bánh mới có tên gọi là bánh bảnh lửa.

Cái tên nghe có vẻ lạ lùng, nhưng đó lại là một thứ bánh dân dã, quen thuộc đối với người dân Quảng Nam – Đà Nẵng. Bánh được chế biến rất công phu, và đặc biệt trong suốt quá trình làm, bánh phải trải qua 7 lần lửa mới có vị ngon ngọt, bùi bùi đặc trưng, vì thế bánh mới có tên gọi là bánh bảnh lửa.

Đây là một trong những loại bánh truyền thống, độc đáo làm nên thương hiệu cho văn hóa ẩm thực của người Quảng Nam. Ngoài cái tên bánh bảy lửa, người ta còn gọi với cái tên bánh khô mè hay bánh khảo (khổ - bởi công đoạn chế biến tốn nhiều công sức). Người Quảng Nam dùng bánh bảy lửa trong những ngày tết để cúng tổ tiên và mời khách mỗi khi tới nhà chơi.

Nguyên liệu chế biến rất đơn giản, nhưng công đoạn chế biến thì rất công phu, đòi hỏi nhiều thời gian, sự khéo léo và kinh nghiệm của người làm bánh lâu năm. Làm bánh bảy lửa chỉ cần bột gạo, đường kính, gừng, mè…

Trước hết đem gạo nếp ngon, trắng, hạt đều vo và đãi thật sạch. Sau đó để ráo nước và cho vào chảo rang lên thật khô. Mè cũng rửa sạch, rang vàng, thơm. Gừng giã nhỏ, chắt lấy nước cốt.

Tiếp đó, đem gạo rang khô đi xay thành bột mịn. Trộn bột với chút nước đường, gừng cho ướt và cho hỗn hợp bột vào nồi hấp chín. Bột chín thì lấy ra và cho vào khuôn hình vuông, chữ nhật tùy thích, san đều. Lấy bánh ra và bắt đầu công đoạn nướng bánh.

Cho những miếng bánh lên bếp than nướng, lật đi lật lại thật chậm và đều để bánh khô đều hai mặt. Bánh khô ráo lại nướng tiếp để bánh giòn. Sau khi để bánh nguội thì cho nhỏ lửa rồi lại nướng tiếp hai lần nữa mới thôi. Tiếp theo, cho đường vào chảo nấu lên, đun nhỏ lửa đến khi đường chảy, kéo thành sợi là được.

Lấy từng lát bánh nhúng vào chảo đường rồi nhanh tay lăn qua đĩa mè rang vàng được bày sẵn rồi cho lên bếp than và nướng lần cuối là chiếc bánh bảy lửa hoàn thành. Bánh để nguội khi ăn sẽ xốp, giòn, có vị ngọt của đường, vị bùi của mè, mùi thơm và vị tê của gừng. Bẻ đôi bánh ra sẽ thấy được những sợi tơ do đường tạo nên, chạm đầu lưỡi vào để cảm nhận vị ngọt thanh hấp dẫn của nó.

Bánh bảy lửa không chỉ hấp dẫn bởi hương vị độc đáo, quyến rũ đọng lại trong miệng sau mỗi lần thưởng thức mà nó còn ấn tượng ngay từ cái tên. Những ngày thời tiết se lạnh, thưởng thức bánh bảy lửa cùng ly trà nóng thì không gì thú vị bằng!

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.