Cháu là con của mẹ núi...

21/11/2008 12:56 GMT+7

Không tàu hoả, không máy bay, hơn 600km đường ôtô từ Hà Nội, chúng tôi vượt qua những con đường hang hố bị xới tanh bành kia để lên với những xã tận cùng biên cương như Mù Sang, Tông Qua Lìn, Ma Ly Chải, Sì Lở Lầu, Pa Vầy Sử...

Những cái tên xã, đọc lên đã thấy diệu vợi muôn trùng. Ở đó, đang có một câu chuyện làm "chấn động" mãi lên tỉnh, lên trung ương: Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng trong 5 xã của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đã có tới 12 đứa trẻ không có quốc tịch.

Các cháu là người Trung Quốc, hiện đang làm con nuôi trong các gia đình giáp biên một cách rất "hoang vu": Cứ vượt biên, bế trẻ nhỏ về, nuôi qua quýt, các cháu hoặc chết yểu hoặc lớn lên như cỏ rả, không báo cáo, không thủ tục gì, không quốc tịch. Các cháu như là con của mẹ núi.

Như "xin con mèo nhỏ về nuôi"

Đi năm chục cây số, rồi tám chín chục cây số vắt vẻo trong mây. Núi nằm xếp lớp lên nhau, mất hút trong đỉnh mây. Sì Lở Lầu, nghĩa là 12 tầng núi cao. Mù Sang, nghe tên đã mịt mù. Anh Nguyễn Quốc Luân - Bí thư Huyện uỷ Phong Thổ - tiễn chúng tôi lên núi, chỉ láy mãi hai chữ "bảo trọng, bảo trọng".

Anh Luân là người đã rất lo lắng, da diết để kiến nghị giải quyết dứt điểm và tránh phát sinh thêm nhiều đứa trẻ không quốc tịch trên địa bàn, ngay trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân tỉnh vừa qua. Rồi Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu báo cáo, Bộ Tư pháp có văn bản chỉ đạo, nhiều ban ngành của tỉnh Lai Châu sôi lên sùng sục.

Những cuộc tranh luận nảy lửa: Trong bản khai làm giấy khai sinh, các cháu sẽ mang quốc tịch Việt Nam hay Trung Quốc? Rồi hộ khẩu, đi học, đi bầu cử, đi nghĩa vụ quân sự, lấy vợ lấy chồng, thủ tục pháp lý sẽ ra sao?

Nghe thì như những câu chuyện tày trời. Nhưng, với các gia đình Việt Nam đang nuôi một hoặc vài đứa con nuôi "ngoại quốc", họ chẳng để ý điều gì đã xảy ra. Họ vẫn biền biệt đi nương, những đứa trẻ vẫn lấm lem bùn đất chơi với chó, mèo ở góc sân hay sườn đồi. Có cô bé đã 15 tuổi rồi, các cấp các ngành cãi nhau mãi xem cháu là người mang quốc tịch gì, cháu cũng chẳng quan tâm, cứ thun thún leo lên đỉnh núi làm nương với mẹ.

 

Bản xa xôi của Mù Sang, nếu bà con còn thiếu hiểu biết trong cái quy định nào đó về con nuôi nước ngoài, cũng là dễ hiểu.

Đứng ở bản Mù Sang chót vót cao, đúng là chỉ có cách thần thông biết vén mây trắng ra thì mới trông tỏ các cánh rừng và những nếp nhà ở bản dưới, cách hàng nghìn mét cao xa, anh Giàng La Vu (39 tuổi) khầng khậc cười, nhả khói thuốc lào: "Lấy nhau 20 năm rồi, vợ mình, tên là Sùng Thị Phi, nó không biết đẻ. Thế là đi xin con ở Trung Quốc. Xin của thằng Ma Dê, người Mông, ở bản Háng Á, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam. Vợ Dê đẻ được một đêm thì mình sang bế con bé về nuôi, nó còn đầy mũi dãi, đỏ hỏn mà. Cứ thế bế, như đi xin con mèo nhỏ về nuôi thôi mà".

Tiếng cười giòn vang. Bí thư Đảng uỷ Phàn A Tính và cán bộ tư pháp Háng A Hờ cũng đắc ý cười. Họ chuyền tay nhau cái điếu cày, cái điếu quay tròn giữa ba người đàn ông đến chóng mặt. Gió núi lạnh căm căm.

"Con mèo con" mà La Vu xin được, nay đã 5 tuổi, được đặt tên là Giàng Thị Pằng. Ba người đàn ông hút thuốc lào đều cho rằng: Bé Pằng được bố mẹ người Trung đem cho người "ngoại quốc" như La Vu mà không ký kết, không đòi hỏi, không cho biếu gì, là bởi vì họ đem cho bớt con gái đi để tiếp tục... đẻ. Ma Dê đã có một con gái, đẻ thêm bé Pằng là hết tiêu chuẩn (bên đất nước của Dê, đẻ đứa thứ ba bị phạt cực kỳ nặng), chả lẽ không có con trai nối dõi. Thế là đem cho để về bắt vợ đẻ.

Gần sáu năm qua, Dê chưa bao giờ hỏi thăm bé Pằng một câu, dù Dê và Vu vẫn thường đi chợ đường biên, gặp nhau, bù khú. Pằng cũng chưa bao giờ được khai sinh, chưa biết rồi sẽ làm sao để nó có thể đi học được.

Bé Pằng được bố mẹ chăm bẵm lắm, không muốn rời nửa bước. Nhưng, hai đứa con nuôi ngoại quốc (một nam, một nữ) ở nhà anh Hảng Lá Giàng thì được nuôi thả lã như nuôi gà, vịt. Đất cát, mũi dãi đen kịt, khi chúng tôi đến, hai cháu đang vật nhau ngoài mương đất hôi thối rồi nhảy nhót trên triền núi nắng như đổ lửa.

Dù đã có một cô con gái 30 tuổi, cô này đã lấy chồng, đẻ con trai; nhưng anh Giàng vẫn "xin" về hai đứa trẻ một lúc. Hiện nay, một cháu gái 6 tuổi, cháu trai mới 3 tuổi. Bọn trẻ con nuôi được thả rông trong bản mênh mông 72 nóc nhà, những sườn núi dốc đến mức, đánh rơi vật gì thì phải xuống thung lũng mà nhặt. Bữa đến, ông anh rể của hai đứa bé lơ ngơ lại đi tìm chúng về cho ăn qua quýt.

Bố mẹ nuôi thường sống tít trên lán nương. Có đứa con nuôi ngoại quốc của Sùng Thị Cay (bản Mù Sang) lại khổ hơn nhiều. Chị Cay là người biết đẻ (nay đã có con); lại lấy chồng là người Trung Quốc, nhưng không biết vì lý do gì, chị vẫn cứ ẵm về bản một đứa con nuôi.

Đói khổ quá, lại vụng về chăm sóc, đứa bé còi cọc, kiệt sức rồi trạm y tế trả về, cháu đã chết. Chị đau buồn, bỏ bản ra đi biệt.

Có trường hợp, bị "vận động" trao trả con nuôi ghê quá, một gia đình đã bế con giấu lên trên lán nương để "tránh bão". Họ đã rời bản từ lâu lắm, chưa biết số phận ra sao.

Riêng ở xã Mù Sang, có ít nhất 6 trường hợp được cán bộ báo cáo là con nuôi người Trung Quốc, chưa xác định được quốc tịch, nơi sinh. Có người đặt vấn đề: Người bên kia biên giới họ muốn "tống khứ" con gái đi để đẻ bằng được con trai; nhưng cũng có người "bật" lại, thế sao ngay bản Mù Sang, vẫn có một bé trai người Trung Quốc đang làm con nuôi (cả huyện có ít nhất 3 bé trai dạng này)?!

Có người bảo, người giáp biên ở Sì Lở Lầu, Ma Ly Chải, Mù Sang, Pa Vầy Sử thi nhau đi nhận con nuôi, là bởi vì họ "không biết đẻ" (bệnh vô sinh); điều này cũng khó tin, là bởi vì quá nửa những người đang có con nuôi ngoại quốc ở những xã này đều... "biết đẻ", vẫn đang nuôi con ruột tại nhà.

Vì những búp non trên cành!

 
Đã có chuyện, bố mẹ nuôi ẵm con sang tìm bố mẹ đẻ để trả, vừa đi vừa khóc, đi mấy ngày rồi ôm con... hồi hương.

Song, có một sự thật dễ dàng hiểu được, ấy là hàng chục đứa trẻ, có đứa đã làm con nuôi được 16 năm, mà chẳng thấy ai thắc mắc gì. Một lãnh đạo huyện Phong Thổ rất có lý khi cho rằng: Lỗi của tình trạng này, là do cán bộ nói chung và tư pháp xã nói riêng quá kém. Đến khi các cô giáo cắm bản đi vận động bà con làm khai sinh cho trẻ em trong độ tuổi để đưa trẻ đến trường thì mới tá hoả: Không biết khai các cháu mang quốc tịch gì.

Dù thế nào đi nữa, thì vẫn phải chăm lo đời sống, học hành, các quyền lợi đầy nhân văn cho các cháu, nhất là khi mà các cháu đã nhiều năm là con cháu thật sự trong sự cưu mang ruột thịt của các gia đình. Tình hình khó xử như vậy nên cán bộ mới vận động các gia đình trả con nuôi.

Chăm sóc bé Pằng như "giống vàng giống ngọc", anh Giàng La Vu một mực nhờ chúng tôi "nói với trên" cho con nuôi anh được mang quốc tịch Việt Nam.
Có trường hợp, sang đó, bố mẹ nuôi không tài nào nhớ được, tìm được bố mẹ đẻ các cháu; lại có chuyện, bố mẹ đẻ các cháu phải chuyển nhà để trốn tránh... nhận lại con.

Trung tá Giàng Páo Là - Phó trưởng Công an huyện Phong Thổ - rất có tình khi kể về nỗi lòng của cặp vợ chồng người Mông "bị" cán bộ vận động đem con nuôi sang bên kia biên giới trao trả: Họ đứng trước mặt anh Là và khóc "chẳng nỡ bỏ con mà đi", họ mang con "vượt biên" rồi lại... mang về. Việc cháu Giàng Thị Nhung cứ núp sau lưng bố nuôi sợ hãi hoặc bỏ lên nương khóc lóc rầu rĩ mỗi khi có ai đến vận động về bên kia Trung Quốc, là bằng chứng về việc chưa thấu tình này.

Háng A Hờ - cán bộ tư pháp Mù Sang - đã nghe thông báo miệng (trong cuộc họp) là được ghi chữ quốc tịch Việt Nam vào giấy khai sinh cho các cháu con nuôi ngoại quốc, bèn "ra tay giúp các cháu". Lập tức anh Hờ bị phê phán, vì làm như thế là sai.

Ông Tản - Giám đốc Sở Tư pháp Lai Châu - bảo, cứ hẵng tạm bỏ trống phần quốc tịch trong giấy tờ của các cháu, rồi sở này hoả tốc đánh công văn xin ý kiến bộ. Chưa biết đến bao giờ 12 cháu bé tội nghiệp kia mới tìm được quốc tịch cho mình?

Theo Đỗ Doãn Hoàng / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.