Những dấu ấn sân khấu

01/01/2012 00:11 GMT+7

Một năm khép lại với biết bao vui buồn sau cánh màn nhung. Sân khấu TP.HCM lặng lẽ thắp đèn trong cơn khủng hoảng, trong mùa bão giá và cả trong sự cạnh tranh quyết liệt của phim truyền hình.

Một năm khép lại với biết bao vui buồn sau cánh màn nhung. Sân khấu TP.HCM lặng lẽ thắp đèn trong cơn khủng hoảng, trong mùa bão giá và cả trong sự cạnh tranh quyết liệt của phim truyền hình.

Nhưng ngọn đèn ấy chưa bao giờ thôi sáng, vẫn mờ tỏ để soi vào cõi nhân gian, vào những ngóc ngách tâm hồn, sao cho cái đẹp, cái thiện phải rạng lên đi cùng trời cuối đất…

Một năm, những vở mới thay phiên mở màn rồi khép lại. Có thành công, dĩ nhiên cũng có thất bại. u là lẽ thường! Nhưng dù ít dù nhiều thì sân khấu cũng để lại những dấu ấn khó phai, cũng sáng lên những tác phẩm mà trong đó máu tim người nghệ sĩ đã vắt kiệt cho nó. Khi đã vắt tim vắt óc cho nghệ thuật, thì không lẽ nào người nghệ sĩ lại “trắng tay”! Cho nên, khán giả vẫn xao xuyến bồi hồi vì những dư âm của tình yêu, tình người, tình nước non da diết…

Một Thành Lộc bạo chúa trong Quyền lực tình yêu (sân khấu kịch IDECAF) đến cuối đời đã xõa tóc ngồi cô đơn trên ngai vàng. Hóa ra ai cũng có một cái gót Achille để mà đau, mà khổ. Ông vua quyền lực cách mấy rồi cũng có lúc biết yêu và biết vụng về, chịu đựng, ngóng trông. Chính điều đó làm ông “người” hơn, đẹp hơn. Thành Lộc phả vào ngai vàng một hơi thở đời thường. Còn Hữu Châu lại phả vào sân khấu một ánh sáng lung linh, mơ mộng, một không gian lộng lẫy và sang trọng, để người ta không dám xem thường sân khấu xã hội hóa vốn phải thắt lưng buộc bụng với tiền túi của mình. Kịch thơ thấm đẫm văn chương, vậy mà tuần nào cũng đầy kín rạp, muốn mua vé phải dặn trước cả tuần.

Cũng trên sân khấu kịch IDECAF, Ca sĩ ngôi sao lại là một vệt bi hài rất lạ, đúng ngôn ngữ của Lê Hoàng. Khán giả chịu khó một chút thì mới thấy thú vị vì những châm biếm chua ngoa, sâu sắc, thậm chí đau tận tâm can. Những mẫu người “thời thượng” bị lôi lên bàn mổ, nào ca sĩ, người ái mộ, bà bầu tổ chức show… Một mớ bùng nhùng của danh - lợi - tình vừa cụ thể vừa hão huyền, vừa hấp dẫn vừa cay nghiệt, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân… Xã hội và riêng nền âm nhạc bị cuốn vào những vòng quay hổ lốn kiểu đó, thật sự không biết bao giờ mới thoát ra được.

 
Hồng Ánh (vai Bích Hồng), Trí Quang (vai Hồng Phấn) trong vở Thử yêu lần nữa - Ảnh: H.K

Còn liên doanh Ái Như - Thành Hội ở sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn thấm đẫm tình yêu đất phương Nam, chọn ngôn ngữ dung dị chân thành để thủ thỉ cùng khán giả. Hãy khóc đi em với tình yêu bất tận của cô Hạnh, dẫu có sai lầm, thất bại nhưng rồi cũng tìm được bến đỗ bình yên. Bởi mối tình của cô chung thủy bao nhiêu thì mối tình của anh Hướng không hề thua kém. Hơi bỗ bã, nhưng thật thà, tin cậy, chở che. Và Thử yêu lần nữa lại tiếp thêm cung đàn tình yêu với một giai điệu cố tình làm ngược lại, có căm giận, có cay đắng, chua chát, nhưng cuối cùng vẫn hòa nhịp thủy chung, tha thứ. Thử yêu lần nữa chinh phục rất nhiều khán giả bởi hình như họ tìm thấy mình trong đó, không nhiều thì ít cũng có lần nếm hương vị của bội bạc, lỡ làng, thề khép cửa trái tim. Nhưng rồi cuộc đời vẫn xanh tươi hoa lá, vẫn rộn ràng chim hót, gió reo, mấy ai không bước ra khỏi ốc đảo của mình để đón nhận thương yêu? Kịch rất đời, kịch rất gần, kịch nói giùm người ta những ký ức và kịch dắt người ta đi tới những mùa hoa... Vì thế người ta khóc, người ta cười, dễ chịu như vừa có ai tâm sự…

Nhà hát Sân khấu nhỏ (5B) khiêm tốn về quy mô và tiền bạc hơn các sân khấu khác, nhưng không ngờ lại chọn ngôn ngữ dữ dội hơn để trình làng khán giả. Cứ xộc thẳng vào những gì đang rất nóng của cuộc đời, không tránh né, khoan nhượng. Sống thử đang xói mòn đạo đức lớp trẻ, đang làm vỡ tan niềm tin về tương lai trong sáng và tươi đẹp. Khán giả hoan nghênh vở này vì nó quá thật, quá hữu ích cho các thế hệ trong gia đình.

Kịch Phú Nhuận làm nên một không gian Nam bộ xưa qua vở Con nhà nghèo, chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Ruộng đồng hiu hắt che giấu những thân phận nghèo khổ, thế cô luôn bị bọn địa chủ và quan lại ức hiếp. Màu rơm rạ ẩn hiện, khói bếp ngậm ngùi, hình như không hề lãng mạn như những áng văn chương khác. Màu của kiếp người nông dân lang bạt kỳ hồ, bị bứng khỏi mảnh đất ông cha để tha phương cầu thực, lẩn trốn cái ác, tìm đất sinh tồn. Cuối đời, họ cũng vươn lên được vùng ánh sáng, nhưng nợ nần nhân quả của đời trước vẫn đeo đuổi thế hệ cháu con, làm nên những bi kịch như Lôi Vũ, anh em ruột yêu nhau. May là người phương Nam vẫn biết chừa lối ra, không để nhân vật lún sâu vào tội lỗi như Lôi Vũ. 

Năm 2011 còn là ấn tượng của kịch kinh dị khi thể loại này chưa hề mất sức hút. Từ Thế giới trẻ cho tới số 7 Trần Cao Vân đều ra mắt “kịch ma” và bán vé ào ào. Tất nhiên chẳng có con ma nào dám xuất hiện trước… hội đồng nghệ thuật, nhưng nó cũng làm khán giả thót tim với những trò “giả bộ” để câu khách.

Giả bộ rất giỏi, cuối cùng hạ màn ma vẫn là… người. Tuy vậy, chưa có vở kịch ma nào đủ sức thuyết phục cao, bởi bị “hở” khá nhiều. Thôi thì, khán giả nào thích ú tim cứ tới mua vé, xem xong rồi… quên. Nhiều người chặc lưỡi: Giải trí mà, tới đó là được rồi, đòi hỏi nhiều sao được!

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.