30 năm chinh phục Đồng Tháp Mười - Kỳ 1: Ký ức thời hoang dã

04/12/2010 10:29 GMT+7

Ấy là nơi mà các chuyên gia nước ngoài từng lắc đầu khẳng định: Không thể khai phá. Chỉ sau ba thập kỷ, người Việt đã chứng minh điều ngược lại: biến vùng “đất chết” thành vùng sản xuất lúa gạo, nông sản chủ lực của ĐBSCL.

Trong ký ức của một người hiểu Đồng Tháp Mười đến chân tơ kẽ tóc như ông Hai Lương (xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp - từng làm phó ban sản xuất tỉnh Kiến Phong từ năm 1966), đây là một vùng đất vô cùng khắc nghiệt. Nói là vùng “đất chết” cũng không sai.

Ba chìm, bảy nổi... đồng hoang

Ông Hai Lương nhớ lại: “Hồi xưa ở đây hoang sơ lắm, dân chỉ sống rải rác ven rìa rừng. Suốt sáu tháng nước nổi cả vùng ngập chìm trong biển nước mênh mông, nhiều nơi ngập sâu tới 3-4m. Còn mùa khô hết sức khắc nghiệt, nắng nóng nung người, đất dậy phèn đỏ quạch, nước ngọt không có mà uống”. Đã vậy đây là vùng tranh chấp ác liệt, giặc oanh kích tự do ngày đêm. Vô số đạn bom, chất hóa học hủy diệt ném xuống khiến Đồng Tháp Mười trở thành vùng đất chết.

Trong những năm tháng khốc liệt đó chỉ có dân nghèo vì kế mưu sinh hay có quan hệ với cách mạng mới dám vô Đồng Tháp Mười đánh bắt cá, rắn, rùa. Để có lương thực phục vụ chiến đấu, ban sản xuất của ông Hai Lương vận động và tổ chức cho bà con khai mở trồng lúa mùa trên những gò đất cao. Hằng năm khi mùa mưa đến thì dùng sức trâu, sức người cày ải phơi đất cho bớt phèn rồi mới gieo sạ.

Xuống giống xong ai nấy đều quay về nhà chứ không ở lại. Loại lúa này có đặc điểm nước dâng cao tới đâu thì đọt luôn ngoi lên khỏi mặt nước nên khi lũ về chẳng cần chăm sóc, đến khoảng tháng 11 lũ rút cạn cũng là lúc lúa chín tiến hành thu hoạch. “Tuy nhiên lúc đó đất còn nhiễm phèn nặng nên lúa thất lắm, năng suất chỉ 700kg/ha trở lại. Có năm lũ lớn bị sóng to, nước chụp mất trắng, có lúc chưa kịp gặt thì bị lửa cháy lan thiêu rụi. Dân đói mà mình cũng đói” - ông Hai Lương nhớ lại.

Đồng Tháp Mười là vùng đất trũng thấp nằm giữa hạ lưu sông Mekong, phía bắc giáp Campuchia, tây nam giáp sông Tiền, phía đông và đông bắc giáp sông Vàm Cỏ Đông. Diện tích tự nhiên 696.000ha, chiếm 17,72% diện tích tự nhiên của ĐBSCL. Đồng Tháp Mười được xác định bao gồm 15 huyện, một thị xã và bảy xã thuộc ba tỉnh Long An (299.000ha), Đồng Tháp (239.000ha), Tiền Giang (92.500ha).

Những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất người dân lần lượt trở về chốn cũ sinh sống. Đồng Tháp Mười lại phải đùm bọc thêm 80.000 kiều bào từ Campuchia trở về nước với hai bàn tay trắng. Trung ương phải chi viện thêm 8.000 tấn lương thực, đồng thời triển khai kế hoạch khai mở đất hoang để canh tác nhưng rồi dân vẫn đói. Trận lũ lịch sử năm 1978 đã nhận chìm 100.000ha lúa, sau đó liên tiếp gặp hạn hán, dịch hại tràn lan. Dân bám trụ ở Đồng Tháp Mười lại tiếp tục đói khổ!

Trước tình trạng dân thiếu ăn, đói khổ kéo dài, tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh công tác khai hoang và điều động hàng chục ngàn người đi xây dựng các vùng kinh tế mới; đồng thời thành lập bốn nông trường Gáo Đôi, Cô Đông, Động Cát, Láng Biển. Quyết tâm của tỉnh là xóa hoang hóa vào năm 1980 với chỉ tiêu đạt 1 triệu tấn lương thực.

Bà Nguyễn Thị Tím, vợ ông Hai Lương, kể rằng mấy vụ đầu khi cây lúa vừa mọc quá gang tay thì gặp mưa già đất dậy phèn chết sạch, phải lấy lúa dự trữ dành cho những tháng giáp hạt gieo sạ lại. Bà Tím bùi ngùi: “Có năm lúa trong nhà không còn một hột mà cây lúa vẫn không mọc nổi. Lắm khi lúa chín chưa kịp mừng thì chuột cắn nát, nhìn đám ruộng tan hoang ai nấy chỉ biết ôm mặt khóc ròng”. Đất phèn, thiếu nước ngọt, lũ lụt và dịch hại hằng năm đã khiến rất nhiều hộ đi mở đất đành phải buông tay bỏ đất, bỏ ruộng trở về trong đói khổ dù họ đã rất nỗ lực.

Những cuộc chinh phục thất bại

Mãi đến năm 1990 vùng đất Đồng Tháp Mười khu vực giáp biên giới Long An - Campuchia mới có nhiều người vào khai phá. Mặc dù sự việc đã xảy ra 20 năm trước, nhưng bây giờ khi nhắc tới chuyện khai hoang ông Nguyễn Cự (79 tuổi, ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) vẫn còn bị ám ảnh.

Ông kể: “Năm 1990 tôi cùng nhiều bà con ở xã Đức Tân xách túi đệm đựng gạo, vác cuốc lên huyện biên giới Tân Hưng (Long An) khai hoang, lập nghiệp. Cố gắng bám trụ suốt năm năm trời đất vẫn trơ ra không trồng cây gì được phải ra về tay trắng”.

Ông Cự nói vùng đất Tân Hưng, Vĩnh Hưng ngày ấy rất hoang sơ, cỏ mọc cao khỏi đầu người. Đất đai bị nhiễm phèn nặng chỉ có cỏ năn, cỏ lác và tràm gió sống nổi. Đồng Tháp Mười bạt ngàn nhưng không có đường đi, mùa khô nắng cháy da mà không có nước ngọt uống. Còn rắn hổ, muỗi, đỉa thì nhiều vô kể. Đào kênh dẫn nước ngọt, đốt cỏ, vỡ đất nhưng một năm, hai năm rồi ba năm đất đai vẫn xám xịt. Trồng lúa, lúa chết; bầu, mướp cũng không sống được. Thế rồi nhiều người lặng lẽ rời bỏ mảnh đất khắc nghiệt này trở về quê, trong đó có ông Cự.

Chỉ tay ra cánh đồng bạt ngàn sau nhà, bà Trương Thị Ba Thu ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng nói đây cũng là quê hương của bà. Khoảng năm 1976 vùng đất rộng lớn này chỉ có vài ba hộ gia đình sống bằng nghề chài lưới bắt cá chứ không trồng lúa được. Người nào chấp nhận ở đây thì phải sống chung với rắn, muỗi và đỉa. Ai nuôi heo, nuôi gà cũng đều phải giăng mùng ban đêm, nếu không sẽ bị rắn “xơi tái”.

Sáng ra mở mùng cho heo, gà bà Thu thường thấy hai ba con rắn hổ đất đen thui cuộn tròn trên nóc mùng. “Ban đêm tuyệt đối không ai dám ra khỏi nhà. Mùa nước nổi phải giăng mùng cho kỹ để rắn không thể bò vô ngủ chung. Vậy mà nhiều lúc vợ chồng tôi ngủ quên lăn ra cạnh giường đè lên mình con rắn hổ, nó giật mình ngóc đầu dậy phùng mang thở khì khì làm hai vợ chồng sợ xanh mặt. Còn đỉa dưới kênh nhiều vô kể. Đặt chân xuống kênh vài phút là có hàng chục con đỉa đeo hút máu” - bà Thu kể.

Rồi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, rất nhiều người dân ở các huyện biên giới Long An phải bỏ xứ đi lánh nạn. Trận lụt khủng khiếp năm 1978 cuốn trôi sạch sành sanh lúa thóc của người dân làm mọi người lâm vào cảnh đói khổ. Có lẽ vì thế mà khi tình hình biên giới yên ổn trở lại thì nhiều người không trở về nữa. Họ lo ngại không thể chinh phục được vùng đất bí ẩn này.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.