Cấp cứu thời kẹt xe!

18/11/2007 22:56 GMT+7

Đã có những trường hợp kẹt xe nên “kẹt” luôn cả sinh mạng bệnh nhân. Có mặt nhiều ngày tại khoa Cấp cứu ngoại viện Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), nơi người dân thành phố quen gọi là Trung tâm Cấp cứu 115, PV Thanh Niên đã ghi lại những điều tai nghe mắt thấy.

Bài 1: Những tay lái kiệt xuất

Để đưa ê-kíp cấp cứu tiếp cận bệnh nhân một cách sớm nhất, các tài xế ở Trung tâm 115 mỗi khi cầm lái đều phải căng hết các dây thần kinh, sẵn sàng né tránh, lạng lách như trong phim hành động!

Những điều trông thấy

Gần 17 giờ chiều, bác sĩ Thu Vân sửa soạn ra cổng đón con. Đúng lúc đó, chuông điện thoại tổng đài 115 vang lên. Một trường hợp cần cấp cứu ở đường Phan Văn Khỏe, Q.6. Vậy là chỉ kịp tả lại hình dáng con để nhờ cô y tá trực kíp sau ra cổng đưa vào giùm, bác sĩ Vân xách vội vali đồ nghề lao ra chiếc xe nổ máy sẵn. Chưa đầy 1 phút sau khi nhận điện, chiếc xe cấp cứu đã lao ra cổng trên đường Lý Thường Kiệt. Còi ưu tiên hú liên hồi, nhưng ngay lập tức chiếc xe phải khựng lại vì một xe khách 25 chỗ ngồi, biển số 61N... cố tình len lên chắn ngang trước mặt!

Xe len lỏi qua những dòng ô tô, gắn máy trên đường Lý Thường Kiệt ra đến giao lộ 3 Tháng 2. Một cảnh sát giao thông nghe tiếng còi xe cấp cứu liền xuống đường chặn dòng xe đang lưu thông lại cho xe qua. Tài xế rẽ phải vào đường 3 Tháng 2 và tranh thủ nhấn ga, nhưng ngay lập tức lại phải thắng gấp để tránh một người đàn ông chừng hơn 50 tuổi chạy xe máy từ hướng Đầm Sen về, chở sau một bé trai mặc đồng phục học sinh. Đang chạy ở làn đường đối diện, người đàn ông bỗng tách ra băng ngang đầu xe cấp cứu để rẽ vào đường Lý Thường Kiệt. Tài xế xe cấp cứu Nguyễn Trung Thống lắc đầu: "Chạy vậy thì làm sao dạy con học hành!".

Hơn 4 năm chạy xe cấp cứu, anh Thống tự hào chưa một lần bị va quệt. Nhưng chuyện thắng gấp, thắng lết bánh hoặc dùng hết sức bình sinh để bẻ vô lăng tránh tai nạn là chuyện thường ngày. Mấy tháng nay, “căn bệnh” kẹt xe, ùn tắc giao thông ở thành phố trở nên trầm trọng thì những tình huống xử lý gay cấn cũng gia tăng chóng mặt. Như để minh chứng cho lời kể của Thống, khi rẽ từ Hùng Vương vào Minh Phụng, mặc cho xe hú còi ưu tiên và gần nửa thân xe đã vào đường Minh Phụng, một phụ nữ điều khiển xe gắn máy trên đường Hùng Vương vẫn tăng ga vòng qua đầu xe cấp cứu để qua mặt. Với tình huống này, Thống phải vừa nhấp thắng gấp, vừa bẻ tay lái hết về bên phải để tránh một cú đâm ngang hông xe máy. Người phụ nữ vẫn thản nhiên chạy xe máy như không hề có chuyện xảy ra. Đến giữa đường Minh Phụng, dòng xe máy và một chiếc ba gác chở ống nước cồng kềnh cứ nghênh ngang giữa đường như không nghe tiếng còi xe cứu thương. Đến nước này, tài xế đành phải dùng loa "Xin nhường đường cho xe cấp cứu" thì những chiếc xe phía trước mới từ từ dạt ra. Đến 17 giờ 9 phút, ê-kíp cấp cứu tiếp cận được bệnh nhân. Đó là một cụ già gần 80 tuổi, bị mệt, khó thở và nôn ói...

17 giờ 41, một xe cấp cứu lại lên đường. Bệnh nhân, theo thông tin ban đầu là bị tràn dịch màng tim, được người nhà đưa đến Phòng khám đa khoa T.H trên đường Bình Long, quận Bình Tân. Tài xế tên Nhật, có thâm niên hơn 17 năm lái xe cấp cứu. Xe chạy theo đường Lữ Gia, đến giao lộ Nguyễn Thị Nhỏ thì giao thông ùn ứ, phải nhích từng mét giữa dòng xe đan kín. Qua được giao lộ này, đến trước cổng Công viên văn hóa Đầm Sen trên đường Hòa Bình thì lại gặp ùn ứ, không thể vượt lên dù còi ưu tiên hú liên hồi... Cứ thế, một đoạn đường từ Bệnh viện Trưng Vương đến giao lộ Thạch Lam - Bình Long, có đến 4 lần xe cấp cứu phải "bò" với tốc độ của người đi bộ.

Một xe cấp cứu bị tai nạn, cả ê-kíp cấp cứu bị thương - ảnh: Đ.T

17 giờ 57 phút, ê-kíp cấp cứu tiếp cận bệnh nhân. Sau khi kiểm tra phim X quang, khám và hỏi han thân nhân người bệnh, y tá phát cho phóng viên và tài xế mỗi người một khẩu trang y tế, yêu cầu đeo vào vì bệnh nhân có tiền căn bệnh lao.

18 giờ 14, sau khi sơ cứu, bệnh nhân được đưa ra xe chuyển đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Bác sĩ yêu cầu xe chạy nhanh, nhưng phải tránh dằn xóc vì bệnh nhân đang khó thở. Yêu cầu tưởng đơn giản, nhưng thực trạng giao thông khiến tài xế bó tay. Vừa ra khỏi cổng Phòng khám T.H là một ổ "khủng long", buộc xe cấp cứu phải dầm quá nửa bánh xe để lên đoạn đường đất đá lởm chởm với tốc độ "rùa". Đến khi ra đường nhựa lại vấp phải chướng ngại là các phương tiện giao thông khác không chịu nhường đường cho xe cấp cứu. Phía trước đối diện với nguy cơ tai nạn, phía sau bị thúc ép bởi tính mạng bệnh nhân, tài xế Nhật căng hết các dây thần kinh để lách. Xe chạy đến đường Hòa Bình, bác sĩ yêu cầu giảm âm lượng còi hụ, giảm tốc độ để kiểm tra máy đo nhịp tim, bệnh nhân có biểu hiện suy yếu... Rất may, sau vài chục giây cấp cứu, bệnh nhân phục hồi lại và xe tiếp tục hú còi lao đi. Tài xế thở phào tưởng sóng gió đã qua. Nhưng chỉ được vài phút, đến đường Ông Ích Khiêm, thấy một người đàn ông đang dắt xe máy qua đường, tài xế đánh nhẹ vô lăng qua trái lấn sang làn đường đối diện định vòng ra phía sau đuôi xe máy để vượt lên. Bất ngờ, người đàn ông dừng lại giơ tay lên... chào xe cấp cứu, buộc tài xế phải đánh hết vô lăng về bên trái để tránh một tai nạn. May mà làn đường đối diện lúc đó không có chiếc xe nào lao lên.

Nỗi ám ảnh của tài xế

Theo liền 2 ca cấp cứu, "hưởng trọn" những cú nhồi ga, lạng lách, thắng gấp... liên tục, tôi cảm thấy nôn nao như bị say xe. Vậy mà các bác sĩ, điều dưỡng và cả những cô y tá thân mình mảnh khảnh vẫn cứ như không. Còn với tài xế, đó là những chuyến đi suôn sẻ.

Suôn sẻ, theo giải thích của tài xế Nhật, là dù đường có đông, có chỗ ùn, nhưng xe cấp cứu đến địa chỉ kịp thời để sơ cứu và đưa người bệnh đến bệnh viện. Còn trong thực tế, không phải chuyến đi nào cũng được như vậy.

Theo Luật Giao thông đường bộ, khi lưu thông trên đường, người điều khiển các phương tiện khác nghe tiếng còi xe cấp cứu thì phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, cấm các hành vi cản trở.  Luật thì hầu như ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng chấp hành. Bác sĩ Thu Vân bảo trong cấp cứu, thời gian các bác sĩ đến với người bệnh là quan trọng nhất vì lúc đó chưa biết bệnh nhân ra sao, cần tận dụng từng giây, từng phút đến sơ cứu. Khi bác sĩ tiếp cận bệnh nhân, xác định được bệnh để sơ cứu rồi thì mọi chuyện thường theo hướng ổn định. "Xe chạy đưa ê-kíp cấp cứu tiếp cận bệnh nhân thì làm sao có bệnh nhân trên xe. Vậy mà nhiều người thấy xe hụ còi nhưng không thấy bệnh nhân đã cho rằng xe cấp cứu lợi dụng quyền ưu tiên để giành đường và họ nhất quyết không chịu nhường đường. Có người còn chạy xe gắn máy kè kè bên xe cứu thương mà rủa"  - bác sĩ Vân kể. Những lúc như thế, cả ê-kíp chỉ biết động viên tài xế cố gắng chạy an toàn, vừa căng mắt ra nhìn đường phía trước, vừa lo tránh "kẻ quấy rối" sát bên hông.

Có lần, một xe cấp cứu 115 chuyển bệnh nhân đến Viện Tim thành phố. Đến giao lộ Tô Hiến Thành - Thành Thái thì bị ùn xe. Tiến không được, chỉ còn cách lùi lại để quay đầu xe chạy hướng khác. Nhưng những phương tiện phía sau nhất định không nhường đường. Bác sĩ quyết định cho mở cửa sau xe để người đi đường nhìn thấy bệnh nhân bên trong. Lúc đó, những người đi đường mới chịu nhường cho xe cấp cứu lùi lại.

Nhưng kẹt xe, ý thức kém của người đi đường không phải là trở ngại duy nhất. Điều mà các tài xế không thể tránh là trời mưa, Sài Gòn mấy năm nay hễ mưa lớn là đường ngập. Nhiều nơi ngập sâu cả mét khiến không chỉ xe máy mà xe cấp cứu vào đó cũng chết máy. "Kẹt xe còn có thể gọi về trung tâm chi viện xe khác, tìm đường khác tiếp cận bệnh nhân. Còn bệnh nhân nằm trong vùng ngập nặng thì tài xế xe cấp cứu "bó toàn thân"" - một tài xế xe cấp cứu tâm sự.

Đ.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.