Học sử trên đường phố

20/10/2006 21:43 GMT+7

Từ chiều ngày 18.10.2006, trên 10 tuyến đường chính ở TP.HCM, người đi đường đã khá bất ngờ khi thấy đồng loạt trên những trụ điện san sát là những bức banner in ấn khá bắt mắt, tóm tắt tiểu sử của các liệt nữ, anh thư từ thời huyền sử mở nước (mẹ u Cơ) cho đến những chứng nhân lịch sử hiện đại (Nguyễn Thị Định)... Đây là đợt thể nghiệm đầu tiên của chương trình Dân ta biết sử ta theo phương thức xã hội hóa.

Theo số liệu điều tra xã hội học của nhà sử học Dương Trung Quốc thì trong 1.800 thanh niên ở TP.HCM, khi được hỏi thì gần 40% không biết Hùng Vương là ai, 65% đối với Trương Định, 49% với Trần Quốc Toản, 73% không biết lai lịch tên đường phố họ đang sinh sống... nhưng có đến 86% biết rành rọt về Maradona và 85% với Michael Jackson. Đó là số liệu của 10 năm trước và ông Dương Trung Quốc cho rằng "nếu bây giờ điều tra lại thì có thể kết quả còn tệ hại hơn !".

Quá bức xúc về thực trạng nêu trên, Công ty truyền thông Tiêu Điểm đã đề xuất ý tưởng Tên đường phố là bộ sử Việt - sử dụng đường phố để giới thiệu trực quan lịch sử nước nhà với công chúng một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và có tính phổ biến cao. Theo ông Nguyễn Thiện - Giám đốc Công ty truyền thông Tiêu Điểm thì công ty của ông đã kiến nghị lên UBND thành phố, Sở VHTT cho phép tổ chức các danh nhân, sự kiện trong 8 dịp kỷ niệm truyền thống hằng năm: Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), Ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng (6.2 âm lịch), Ngày thành lập Đoàn TNCSHCM (26.3), Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch), Ngày Nhà báo Việt Nam (21.6), Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20.10), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11), Ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12).

Mỗi sự kiện đều nhằm giới thiệu các danh nhân có liên hệ trực tiếp đến ngày kỷ niệm đó. Riêng lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương sẽ giới thiệu các vị vua yêu nước, các thủ lĩnh khởi nghĩa giành chính quyền độc lập (Lạc Long Quân, An Dương Vương, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng... cho đến Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân...). Ngoài ra còn có 10 dịp kỷ niệm vào các năm tròn, năm chẵn sẽ giới thiệu các nhân vật lịch sử liên quan đến các sự kiện: Chiến thắng Chi Lăng (Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí...), Chiến thắng Đống Đa (Nguyễn Huệ, Ngô Thời Nhiệm, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân...), Chiến thắng Bạch Đằng (liên quan đến các địa danh Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử..., các nhân vật Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão...), Chiến thắng Điện Biên Phủ (giới thiệu các anh hùng của gần 100 năm kháng chiến chống Pháp (1858 - 7.5.1954), Ngày Giải phóng miền Nam-Thống nhất đất nước (giới thiệu các anh hùng chống Mỹ)...

Trong đợt thể nghiệm lần đầu tiên này, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20.10), ở TP.HCM có 46 con đường mang tên các danh nhân liệt nữ (trên tổng số 1.600 tên đường), Ban tổ chức đã thiết kế 611 banner tiểu sử tóm tắt của 46 vị này (Công ty thông tin triển lãm TP.HCM chịu trách nhiệm nội dung, Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) tài trợ độc quyền), đặt làm 13 dãy thông tin trên 10 trục đường chính: Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Trần Hưng Đạo, 3 Tháng 2, Nguyễn Văn Trỗi, Hùng Vương và Pasteur (dự kiến treo trong vòng 10 ngày).

Với cách "học sử" độc đáo như thế, hy vọng "mưa dầm thấm lâu" - trong 46 nữ nhân vật lịch sử được giới thiệu thể nghiệm lần đầu này, chỉ cần mỗi người đi đường nhớ và thuộc tiểu sử của 6 người là đã thành công. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận xét "Ý kiến này tốt ! Cần lắm !", và ông chính là người đỡ đầu cho chương trình thể nghiệm này.

H.Đ.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.