“Lốc vàng” càn quét quê nghèo

08/12/2011 00:41 GMT+7

Nhiều nơi cơn “lốc vàng” đi qua, đất đai như vừa bị máy bay B52 oanh tạc, sông suối đục ngầu, rừng già xác xơ, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng...

Nhiều nơi cơn “lốc vàng” đi qua, đất đai như vừa bị máy bay B52 oanh tạc, sông suối đục ngầu, rừng già xác xơ, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng...

 

“Vàng tặc” ngang nhiên triển khai lực lượng tại khu vực xã Vĩnh Ô (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) - Ảnh: Nguyễn Phúc

Tỉnh Quảng Trị nghèo, nhưng không hề nghèo về tài nguyên. Vậy nên người ta ồ ạt xin, cấp giấy phép thăm dò khai thác, rồi bỗng đâu xuất hiện một đội quân “vàng tặc” ăn theo. Hậu quả để lại cho những lần “thăm dò” thiếu nghiêm túc ấy cho thiên nhiên thật khủng khiếp...

Có thể nói, đầu nguồn hai con sông khốn khổ nhất của Quảng Trị hiện nay là sông Đakrông (H.Đakrông) và sông Bến Hải (H.Vĩnh Linh). Trong khi “chuyện dài tập” của dòng Đakrông đã bắt đầu từ cách đây vài thập niên do bọn “vàng tặc” viết nên thì dòng Bến Hải cũng đã bắt đầu thấm đòn của nạn đào đãi vàng trái phép. Giờ thì hai dòng sông thương tích đầy mình, giận dữ quẫy nước đục ngầu nhưng không ngăn được cơn khát tìm vàng...

“Hai bên cùng phá hoại”

Những ngày giữa tháng 11, theo hướng cầu treo Đakrông, tôi đi tìm những bãi vàng lộ thiên dọc theo tuyến đường này. Trên địa bàn Đakrông và đặc biệt là dọc đường Hồ Chí Minh nhánh tây không có xã nào từ Húc Nghì, Tà Long, Tà Rụt, A Vao, A Bung... lại không có bãi vàng đủ loại, từ nhỏ đến lớn.

Nói đâu xa xôi, ngay phía sau trụ sở UBND xã Húc Nghì là một bãi chiến trường, quy tụ đội quân gần cả trăm người tham gia đào đãi vàng. Họ là người dân địa phương hay từ H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế) kéo sang để “ăn hôi” tí lộc. Họ tự nhiên đến nỗi khi chúng tôi chụp ảnh cũng chả quan tâm và khi lãnh đạo xã xuống tận nơi vận động dừng lại, họ cũng bỏ ngoài tai. Nhìn những hố sâu, những hàm ếch mà những người dân này dùng cuốc, xẻng, tay không đào bới tôi thực sự giật mình với câu nói lạnh tanh của một cán bộ UBND xã Húc Nghì: “Ối, ri mà ăn thua chi, anh đi vào sâu trong xã Tà Rụt, A Vao mới biết "lễ độ". Đây đào tay mà trong kia đào máy, núi còn lở nữa là...”.

Cũng phải thôi, khi ở huyện vùng cao này những cái tên như Khe Ho, Khe Póc, Khe Kluông, Dốc Đứng... của xã A Vao vốn đã rất nổi tiếng. Vào được chốn này không đơn giản vì đường sá hiểm trở nhưng đó cũng là điều kiện thuận lợi để “vàng tặc” lộng hành. Hàng trăm con người từ khắp nơi đổ về đây ngày đêm nổ mìn, phá núi, xay đá lọc vàng. Nhiều đến nỗi người ta không thể thống kê hết bao nhiêu hầm vàng được đào bới, bao nhiêu núi đồi bị rỗng ruột...

Đã có hàng loạt đơn vị từng được Bộ TN-MT, tỉnh Quảng Trị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trong khu vực này như: Công ty CP phát triển khoáng sản 4, Công ty CP Lũng Lô 5, Công ty xây dựng số 9, Công ty TNHH Đức Hiền, Công ty TNHH Mai Hoàng, Công ty CP xây dựng số 6... Thực tế, hầu hết các đơn vị này hoặc các nhân công của họ đã góp tay vào việc phá hủy thiên nhiên với cách làm thiếu trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo, lợi dụng các chính sách tận thu, bảo vệ để khai thác một cách hủy diệt. Đại úy Hồ Văn Choàng (Công an H.Đakrông), người đã từng nhiều lần tham gia truy quét “vàng tặc” tại khu vực này thở dài: “Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận được các bãi vàng. Nhưng cứ sau mỗi đợt truy quét, họ lại hoạt động càng rầm rộ hơn, thách thức pháp luật”.

Đáng nói, nơi đâu có các điểm mỏ được cấp phép nơi đó cũng mọc lên điểm khai thác vàng chui và “vàng tặc”. Một đồng nghiệp của tôi còn nói vui rằng đây là công thức “hai bên cùng phá hoại” và sự lẫn lộn này cũng là cách để các đơn vị được cấp phép dễ bề đổ lỗi... Cuối cùng, chỉ có dòng Đakrông và cư dân trong vùng phải gánh chịu.

Sông Bến Hải cũng bị băm nát

Ô nhiễm môi trường, mất trật tự an ninh

Đó là hai hệ quả trực tiếp mà nạn khai thác vàng trái phép, bừa bãi gây ra. Dù là ở H.Đakrông hay H.Vĩnh Linh, người dân luôn ca thán không ngừng. Cũng phải thôi khi hầu hết nguồn nước họ đang sử dụng hiện nay ẩn chứa quá nhiều lo ngại. Sông suối rừng núi, nơi họ sinh ra và lớn lên đang kiệt quệ. Đặc biệt, sự tập trung quá đông lực lượng “vàng tặc” vốn rất manh động cũng là một mối lo đè nặng lên người dân địa phương. Và thực tế đã có không ít vụ ẩu đả, đâm chém xảy ra...

Đến dòng sông lịch sử như Bến Hải cũng khó lọt mắt “vàng tặc”. Người dân các xã ở đầu nguồn con sông này như Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê (H.Vĩnh Linh) không biết bao nhiêu lần kêu cứu vì nạn khai thác vàng trái phép ồ ạt đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ.

Tại xã Vĩnh Hà, một đoạn sông dài gần 20 km từ vực Tiền đến khe Nẩy... đã bị đào bới, băm nát hoàn toàn. Nước ở đây đỏ au, bùn đất hòa lẫn trong các loại hóa chất lọc vàng ồ ạt chảy về phía hạ lưu. Trên đoạn sông này có đến hơn 20 điểm mỏ với các phương tiện hiện đại như xe múc, máy hút nước, sàng lọc vàng... Ông Hồ Săn, một người dân sống ở đây chua chát: “Vùng đất này có khác chi vừa bị máy bay B52 oanh tạc cơ chứ. Họ mới vô làm mạnh từ cuối năm 2010 thôi mà giờ đã tan tành như thế này rồi huống chi “ăn dầm ở dề” thêm vài năm nữa...”.

Đáng nói, nếu như ở H.Đakrông, các loại máy móc được vận chuyển sử dụng một cách lén lút thì tại địa điểm này các chủ bãi vàng ngang nhiên “điều” một lực lượng hùng hậu vận hành các loại máy chuyên dụng gầm rú ầm ĩ khắp cả vùng núi rừng.

Tại xã Vĩnh Ô, tình hình cũng không khá hơn và theo tìm hiểu của PV, hiện nay tại đây đã nổi lên những đầu nậu vàng “tiếng tăm” như: Hòa - Quế, Đức - Hiền, Tài "Loi"... Họ mặc sức đầu tư tiền của, thuê nhân công khai thác vàng như chỗ không người.

Ông Mai Văn Dĩa - Phó bí thư thường trực xã Vĩnh Hà bức xúc: "Nạn đãi vàng trái phép đã diễn ra gần cả năm nay, chúng tôi khó có thể làm được gì ngoài việc báo cáo tình hình, kiến nghị lên trên nhưng đến nay mọi phương án đẩy đuổi, triệt tiêu việc này hầu như không hề được quan tâm”.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.