Chiến lược ưu đãi

15/12/2009 02:16 GMT+7

Mới đây, Bộ Công thương đã đề xuất với Chính phủ lựa chọn ô tô loại 6-9 chỗ ngồi, có dung tích dưới 1,5 lít, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2 làm dòng xe chiến lược.

Và tất nhiên, vì là xe chiến lược nên đi kèm với nó phải có những chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, như áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức thấp nhất,  giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Mục đích của ưu đãi là để các doanh nghiệp sản xuất nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo ra những sản phẩm có giá cả hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Thoạt nghe thì cách giải thích trên có vẻ như rất thuyết phục nhưng nếu phân tích kỹ thì không hẳn là như vậy.

Bộ Công thương trình chính sách trên trong một bối cảnh khá đặc biệt. Trước đó, một số liên doanh sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước đã “làm mình làm mẩy” dọa sẽ quay sang nhập khẩu xe về bán chứ không sản xuất nữa, vì sự thay đổi của chính sách thuế liên quan tới ô tô. Nhưng khi Bộ Tài chính không có động thái gì thì các nhà sản xuất quay sang hiến kế về chủ trương xây dựng dòng ô tô chiến lược. Một “ông lớn” trong Hiệp hội Các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước (VAMA) còn vẽ ra viễn cảnh mờ mịt cho ngành ô tô nội địa nếu Chính phủ không xác định được dòng xe chiến lược và những chính sách ưu đãi cho nó. Đương nhiên, các “ông nhỏ” khác trong VAMA đều ủng hộ và tung hứng cho ý kiến trên.

Cũng cần nhắc lại rằng, với mục tiêu xây dựng một ngành công nghiệp ô tô trong nước để đến năm 2010 đạt mức tỷ lệ nội địa hóa 60%, từ năm 2004 đến nay Chính phủ đã dành nhiều ưu đãi về thuế cho các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô. Nhưng trên thực tế thì chủ trương xây dựng nền công nghiệp ô tô nội địa đã bị phá sản.

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, đến cuối năm 2008, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất cũng chỉ đạt 7%, còn lại là phổ biến ở mức 3 - 5%. Được hưởng nhiều ưu đãi nhưng giá xe sản xuất lắp ráp trong nước vẫn ở mức cao nhất thế giới, các doanh nghiệp giải thích là do quy mô nhỏ bé và có quá nhiều các loại thuế cao. Nhưng thực tế, hoàn toàn không phải vậy. Nếu bóc tách tất cả các loại thuế ra sẽ thấy giá xe sản xuất trong nước vẫn cao hơn tới 10.000 USD/chiếc so với xe cùng loại sản xuất ở nước ngoài. Chẳng hạn như vào cuối năm 2008, xe Toyota Camry 2.4 sản xuất trong nước có giá 29.539 USD (chưa tính thuế) nhưng giá xe cùng loại ở nước ngoài, bán cao nhất là 25.575 USD…

Cạnh tranh là phải dựa vào thế mạnh, không có lý gì cứ phải lao vào những ngành mà ta không có thế mạnh. Việc xác định dòng xe chiến lược, rồi ban hành các ưu đãi trong tình hình hiện nay chỉ để các liên doanh với nước ngoài có lãi lớn còn người dân chịu thiệt. Đó chẳng qua là chiến lược ưu đãi kéo dài của các thành viên VAMA mà thôi!

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.