Vụ trục xuất gây xôn xao nước Mỹ

02/12/2007 23:25 GMT+7

Man khai khi đi định cư tại Mỹ, gia đình một bác sĩ bị trục xuất dù đã sống trên 20 năm. Một vụ án đang làm xôn xao dư luận nước Mỹ, đặc biệt đối với những cộng đồng dân nhập cư:

Ngay sau Lễ Tạ ơn (Thanksgiving), hai vợ chồng bác sĩ Pedro Servano đã nhận được giấy mời phải trình diện cơ quan di trú Mỹ những ngày cuối tháng 11.2007 để tiến hành thủ tục trục xuất do những khai báo về tình trạng hôn nhân cách nay hơn 20 năm khi họ làm thủ tục xin nhập cảnh Mỹ. Điều đáng nói là gia đình của bác sĩ Pedro, 54 tuổi, được đánh giá là một gia đình kiểu mẫu của những người định cư khi ông từ Philippines đến Mỹ những năm thập niên 80: Chồng là bác sĩ, vợ quản lý một cửa hàng thực phẩm, có 4 con thì 2 người đã tốt nghiệp đại học và 2 đang học trung học.

Mọi việc bắt đầu từ năm 1978 khi Pedro và cô Salvacion đều còn ở Philippines. Cả hai đều còn độc thân và được mẹ của mỗi người bảo lãnh đi định cư ở Mỹ. Năm 1979, Pedro tốt nghiệp bác sĩ, đi phục vụ tại những vùng quê xa xôi và thỉnh thoảng có cô y tá Salvacion đi cùng. Tình yêu nảy nở rồi họ tổ chức đám cưới vào năm 1980. Hai năm sau, Salvacion nhận được visa nhập cư Mỹ. Đến năm 1984 thì Pedro tiếp bước đi Mỹ khi visa được Chính phủ Mỹ chấp thuận. Hai người về sinh sống ở thành phố Philadelphia thuộc tiểu bang Pennsylvania. Pedro hành nghề y và Salvacion cũng tiếp tục làm y tá. Họ lại tổ chức lễ cưới chính thức năm 1987 rồi chuyển về San Diego ở miền Nam California sinh sống cho gần với gia đình của Salvacion.

Năm 1990, Pedro và Salvacion làm đơn xin nhập tịch Mỹ, nhưng khi tiến hành phỏng vấn, nhân viên di trú phát hiện tình trạng độc thân trong đơn xin visa của họ là sai sự thật. Hai người được mẹ bảo lãnh khi còn độc thân, sau đó kết hôn mà không điều chỉnh tình trạng hôn nhân của mình trước khi đi Mỹ. Sở dĩ có tình trạng này vì theo tiêu chuẩn nhập cư, những người con độc thân của công dân Mỹ được đi định cư nhanh hơn là những người đã có gia đình, nên cả Pedro và Salvacion đều không khai báo và thế là cả hai bị buộc tội man khai. Cơ quan di trú Mỹ tiến hành thủ tục trục xuất.

Hai người kháng án và tiếp tục sinh sống bình thường ở Mỹ. Năm 1992, họ trở về Philadelphia rồi 3 năm sau dời về sinh sống ở Selinsgrove, đều thuộc tiểu bang Pennsylvania. Nơi đó, Pedro hành nghề y thành công với hơn 2.000 thân chủ. Hai trong 4 người con của họ tốt nghiệp Temple University, trong đó có một con trai hoàn thành chương trình sĩ quan dự bị. Người con thứ 3 học cấp III và người con út học cấp II. Họ đã tạo dựng hai cơ ngơi ở thành phố Sunbury và mới đây, Salvacion đã mở một cửa hàng bách hóa ở đó, bán thực phẩm châu Á và các loại bánh kẹo.

Điều đáng nói là thủ tục kháng án của họ kéo dài nhưng thất bại. Cả 4 người con đều sinh trưởng ở Mỹ nên đương nhiên là công dân Mỹ. Vì thế việc trục xuất chỉ thực hiện với hai vợ chồng Pedro và Salvacion. Thế nhưng điều này lại đụng chạm tới vấn đề nhân đạo khi Pedro viện dẫn là các con của họ chưa hề sống ở Philippines và hai vợ chồng rất lo ngại một khi họ bị trục xuất thì các con có nguy cơ trở thành đối tượng bị bắt cóc tống tiền vì các băng đảng nghĩ rằng gia đình bác sĩ nổi tiếng này có nhiều tiền.

Đối phó với thủ tục trục xuất đột xuất, gia đình Pedro đã nhờ đến tổ hợp của luật sư Cotler để tiến hành thủ tục kháng án khẩn cấp ở tòa án đồng thời xin Bộ Tư pháp Mỹ cứu xét. Họ cũng nhờ đến sự can thiệp của các chính khách, dân biểu, thượng nghị sĩ quen biết. Thư từ khắp nơi đổ về xin can thiệp, nhất là bệnh nhân của Pedro, kể cả những nhân viên của Bộ An ninh nội địa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cả Pedro và Salvacion sẽ bị buộc rời khỏi nước Mỹ trong vòng 60 ngày nếu như không có "phép lạ" vào giờ chót. Cái "phép lạ" đó - theo luật sư Cotler - thậm chí có thể là việc vận động Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua một luật đặc biệt cho phép hai người được ở lại.

Tuyết Linh (từ California)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.