Hội thảo dành cho nữ doanh nhân

20/10/2006 22:09 GMT+7

Ngày 20/10, lần đầu tiên ngân hàng Sacombank Chi nhánh 8 tháng 3 phối hợp cùng Business Edge đã tổ chức buổi hội thảo "Kiểm soát chi phí trong tầm tay" dành cho 100 nữ doanh nhân.

Ngân hàng Sacombank phối hợp với Business Edge tổ chức hội thảo đào tạo nhằm phục vụ riêng cho nữ doanh nhân là khách hàng của Sacombank Chi nhánh 8 tháng 3 và Business Edge với mục đích ngày càng đa dạng hóa các hoạt động chăm sóc khách hàng và nâng cao ưu thế cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ Sacombank nói chung và Chi nhánh 8 tháng 3 nói riêng. Bà Nguyễn Tố Quyên - Giám đốc Chi nhánh 8 tháng 3 của Sacombank cho biết: "Riêng đối với nữ doanh nhân, chúng tôi mơ ước sẽ làm đìều gì đấy thật sự có ý nghĩa và gắn liền với những trăn trở của quý vị trong công việc điều hành kinh doanh đầy thách thức. Và chúng tôi đã rất vui khi tìm được cho mình một đối tác giúp ước mơ của chúng tôi biến thành sự thật, đó là Business Edge - là một chương trình đào tạo linh hoạt về quản lý, một bộ phận của Chương trình phát triển kinh tế tư nhân MPDF do công ty Tài chính Quốc tế IFC điều hành".

Một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam (SMEs) sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là tiếp tục duy trì vị trí cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, mỗi doanh nghiệp sẽ phải tìm cho mình một lợi thế cạnh tranh nhất định trong cuộc chơi mới này. Có doanh nghiệp chọn ưu thế về chăm sóc khách hàng, có doanh nghiệp chọn ưu thế về mạng lưới phân phối, có doanh nghiệp chọn sự đa dạng, hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ, doanh nghiệp khác thì chọn uy tín thương hiệu làm lợi thế cạnh tranh. Dù chọn phương án nào, các doanh nghiệp vẫn không tránh khỏi sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh cũng có những lợi thế cạnh tranh giống mình. Một trong những “nước cờ” còn lại mà doanh nghiệp nào cũng phải tính đến, đó chính là việc quản lý và tiết kiệm chi phí ngày càng hiệu quả hơn để sản phẩm dịch vụ của mình ngày càng có chất lượng và giá cả phù hợp hơn với khách hàng. Đây là vấn đề mà các nữ doanh nhân quan tâm và chia sẻ.

Hội thảo được bắt đầu sôi nổi với phần thảo luận: “Doanh nghiệp đã thực hiện cách nào để kiểm soát chi phí khi chi phí doanh nghiệp ngày càng tăng?”. Qua thảo luận cho thấy phần lớn các doanh nghiệp thường áp dụng các biện pháp như:

* Cắt giảm các khoản chi phí
* Duyệt gắt gao từng khoản chi
* Liên tục nhắc nhở nhân viên tiết kiệm chi phí

Tuy nhiên, cuối cùng hiệu quả kiểm soát chi phí vẫn không như mong đợi và nhân viên cho là giám đốc “keo kiệt”.

Ông Nguyễn Thế Lộc (phải) và ông Nguyễn Quang Trung (giữa) - Phó tổng giám đốc khối hỗ trợ của Sacombank, tại buổi hội thảo

Diễn giả Nguyễn Thế Lộc cho biết, vấn đề mà các DNNVV hay gặp phải là doanh nghiệp thường nhầm lẫn giữa việc kiểm soát chi phí và cắt giảm chi phí cũng như chưa biết cách xây dựng ý thức tiết kiệm ở nhân viên. Điều này đẫn đến một hệ quả không hay là các doanh nghiệp thường phải loay hoay tốn nhiều thời gian giải quyết “sự vụ” phát sinh chi phí ngoài ý muốn, và khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên ngày càng xa.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để kiểm soát chi phí hiệu quả?

Chi phí chỉ có thể được kiểm soát khi doanh nghiệp tuân thủ theo các bước kiểm soát chi phí, bao gồm:

* Lập định mức chi phí: Định mức cho các khoản chi phí theo những tiêu chuẩn gắn với từng trường hợp cụ thể trên cơ sở phân tích hoạt động của doanh nghiệp, nghiên cứu các dữ liệu trước đây, đưa ra một sự so sánh chuẩn cũng như căn cứ vào diễn biến trên thị trường và chiến lược phát triển của công ty.

* Thu thập thông tin chi phí thực tế: Công việc này không chỉ là trách nhiệm của Phòng kế toán, mà còn phải được sự tham gia của các phòng ban khác, để doanh nghiệp chủ động hơn trong xử lý thông tin chi phí. Các chi phí phải được phân bổ thành từng loại chi phí cụ thể hay còn gọi là “trung tâm chi phí” tùy theo mục đích sử dụng thông tin chi phí của từng doanh nghiệp.

* Phân tích biến động định kỳ: Dựa trên việc thông tin chi phí thực tế và so sánh với định mức đã thiết lập, doanh nghiệp sẽ dễ dàng xác định sự khác biệt giữa chi phí thực tế và định mức. Nhờ vậy sẽ “khoanh vùng” được những nơi phát sinh chi phí biến động.

* Điều tra nguyên nhân biến động chi phí: Dĩ nhiên doanh nghiệp nên tập trung vào các chi phí có biến động lớn để điều tra trước tiên. Khi đã biết được nơi phát sinh chi phí, doanh nghiệp cần xác minh nguyên nhân biến động chi phí là do yếu tố chủ quan hay khách quan, và ai có thể giải quyết việc này.

* Giải quyết vấn đề: Khi đã xác định nguyên nhân của vấn đề thì doanh nghiệp cần có những thay đổi về chính sách của công ty, quy trình... thì vấn đề mới được giải quyết.

Điều quan trọng hơn bao giờ hết vẫn là phải làm sao để xây dựng ý thức tiết kiệm chi phí ở nhân viên. Dĩ nhiên, giám đốc phải là người làm gương đầu tiên trong việc tiết kiệm chi phí, thì mới có thể khuyến khích nhân viên thực hiện theo. Bên cạnh đó, giám đốc phải thường xuyên thông tin về kết quả thực hiện kiểm soát chi phí của từng bộ phận đến từng nhân viên, đồng thời phải có chế độ thưởng phạt hợp lý để động viên nhân viên tiếp tục duy trì việc này.

Hội thảo được kết thúc bằng phần Hỏi đáp cũng không kém phần sôi nổi. Các câu hỏi đã được các nữ doanh nhân, ông Lộc và ông Nguyễn Quang Trung - Phó tổng giám đốc khối hỗ trợ của Sacombank, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý tài chánh và chi phí DN một cách sâu sắc và rất thực tế.

Hội thảo được khép lại với mong đợi từ các nữ doanh nhân rằng Sacombank và Business Edge nên tiếp tục tổ chức các hội  thảo đào tạo tương tự nhằm giúp các nữ doanh nhân tiếp cận kiến thức/kỹ năng mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

TNO

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.