Lạc vào biển hải tặc - Kỳ 2: Bóng đen trên đảo Batam

27/12/2004 20:30 GMT+7

Ở điểm gần cuối của eo Malacca có một hòn đảo nhỏ mang tên Batam. Nơi đây được coi là thánh địa của những đội quân cướp biển.

Nghề “luộc tàu" trên đảo Batam

Mái tôn lượn sóng, nền tráng xi măng láng cùng bàn ghế bằng nhựa đỏ, quán cà phê mà dân Batam (một đảo nhỏ thuộc Indonesia, chỉ cách Singapore 15 phút đi phà) và giới thủy thủ quen gọi là "Tổng hành dinh" không có gì khác so với những quán cà phê bình thường. Thế nhưng, đây không phải là nơi để mọi người tới dùng cà phê, ăn mì gói và làm vài ly bia mà là điểm hẹn của những tay thủy thủ thất nghiệp. Trong thời buổi này, một công việc đàng hoàng và hợp pháp luôn là bài toán khó. Vì thế, các thủy thủ ở đây sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì, đen cũng được mà trắng cũng xong, miễn là kiếm được tiền.

Một thủy thủ địa phương tên Nurdin Sisanto cho biết "đơn đặt hàng" mới nhất mà anh nhận được là vào cuối năm 2003. Trong lúc Nurdin đang chán ngán ngắm đất trời qua làn khói thuốc lá trong góc quán "Tổng hành dinh", một người đàn ông trung niên xuất hiện trước mặt. Chỉ sau dăm phút, "hợp đồng" đã được thỏa thuận và nhiệm vụ của Nurdin là đưa chiếc tàu Luen Fatt mang cờ Đài Loan vào bờ; chiếc tàu này vừa bị bọn hải tặc tấn công. Theo yêu cầu của gã trung niên, Nurdin cùng 13 thủy thủ làm thuê di chuyển chiếc tàu trọng tải 1.249 tấn vào một vùng vịnh rất kín đáo phía sau lưng đảo Batam. Khoảng vài giờ sau đó, gã trung niên cho nhân công dỡ hết hàng hóa xuống và sơn lại con tàu, đặt cho nó một cái tên mới rồi đem đi bán. Nurdin cho biết, một số "ông trùm" ở đây cần tàu trong khi một số khác thì chỉ khoái những thứ ở trên tàu. "Khi khách hàng cần "da" (tức con tàu), chúng tôi sẽ đi tìm những chiếc không chở hàng hóa. Khi khách hàng cần "ruột" (tức hàng hóa), chúng tôi sẽ đi tìm những chiếc tàu chở nhiều hàng" - Nurdin giải thích - "Chúng tôi không phải là cướp mà là những người làm ăn chuyên nghiệp". Nhìn gương mặt của Nurdin, có vẻ như gã thủy thủ này đã kiếm được một món kha khá trong "phi vụ Luen Fatt" và sẵn sàng lao đầu vào những phi vụ tương tự mà không hề e ngại điều gì. Và trong suốt câu chuyện của mình, Nurdin kể bằng một giọng tỉnh bơ, cứ y như rằng những việc làm của anh ta là hoàn toàn hợp pháp vậy. Không riêng Nurdin, rất nhiều dân trên đảo Batam đều dùng cái nghề "vệ sinh tàu bè" này để kiếm sống và họ cho rằng chẳng có gì sai quấy ở đây cả. Chính quyền có vẻ cũng đã quen với điều này. Trong khi đó, giới hàng hải quốc tế lại tỏ ra rất lo ngại. Tình trạng thủy thủ không có việc làm ngày càng đông cùng với sự bùng nổ của "ngành kinh doanh luộc tàu" là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nạn hải tặc ở đây. Lóa mắt trước đồng tiền, những thủy thủ như Nurdin hẳn nhiên sẽ không từ chối lời mời tham gia điều khiển tàu giúp các nhóm hải tặc. Đây chính là điều giải thích cho cặp mắt tròn xoe đầy ngạc nhiên của thuyền trưởng Surahmat trên tàu Dewi Madrim khi chứng kiến thao tác điều khiển tàu thành thạo của bọn hải tặc.

Nguy cơ khủng bố

Các chuyên gia an ninh quốc tế lo ngại rằng những tổ chức khủng bố sẽ lợi dụng tình hình hỗn mang kiểu như tại Batam để thủ ác. Kể từ sau sự kiện 11/9, một số nơi tại Đông Nam Á đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan tuyển quân và thực hiện các vụ tấn công đẫm máu. Vụ đánh bom tại đảo Bali (Indonesia) khiến 202 người chết hồi năm 2002 cho thấy khủng bố không còn là một nguy cơ mà đã trở thành một mối đe dọa thường trực ở khu vực. Mặc dù chính phủ các nước đã bắt hàng trăm kẻ tình nghi, triệt phá hàng chục ổ khủng bố nhưng mạng lưới đen ở các hòn đảo thuộc Indonesia dường như vẫn chưa hề mất nanh vuốt. Lâu lâu chúng lại thực hiện những cuộc tấn công vào cơ sở của người phương Tây, chẳng hạn như 2 vụ đánh bom tại khách sạn Marriott (Jakarta) hồi tháng 8/2003 và trước Đại sứ quán Úc tại Jakarta cách đây 3 tháng.

"Sự gia tăng các vụ tấn công của hải tặc và sự thay đổi trong cách thức tấn công của chúng cho thấy những nguy cơ rõ rệt liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. Những chiếc tàu bị đánh cướp, những phương tiện hiện đại của hải tặc có thể được sử dụng vào mục đích khủng bố. Khi đó, mối đe dọa đối với chúng ta là rất khủng khiếp", Phó thủ tướng Tony Tan phân tích. Về phần mình, để thắt chặt an ninh trên biển, chính quyền Singapore gần đây đã tăng cường tuần tra và kiểm tra đột xuất đối với tàu bè đi lại trong hải phận của mình. Hệ thống radar, tàu quân sự và vũ khí chống khủng bố cũng được nâng cấp. Cách đây vài tháng, một cuộc tập trận chung với mục đích chống khủng bố cũng đã được Singapore và một số nước trong khu vực phối hợp thực hiện. Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận nhưng để những nỗ lực này trở thành hiệu quả thực tế là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Đỗ Hùng
(Theo Time)

Kỳ 3: Từ kịch bản khủng bố đến những vụ bắt cóc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.