Sân khấu phía Nam: Nơi cuộc sống hiện diện

18/11/2004 23:22 GMT+7

Hội diễn Sân khấu kịch toàn quốc 2004 kết thúc, dư luận đã lên tiếng về một sự "tổng diễn tập" của sân khấu phía Bắc với sự cũ mòn, ngưng đọng. Chợt nghĩ tới sân khấu phía Nam, hình như ngược lại. Đó là nơi luôn luôn vận động, và dù còn một vài sơ suất, nhưng ít ra người ta cũng nhìn thấy được dòng chảy của cuộc sống đang tuôn trào...

Đạo diễn Hồng Dung - thường trực Ban Chấp hành Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh - nhận xét: "Nói thật, sân khấu TP có nhiều cái tào lao, vì lo doanh thu, nhưng cũng có nhiều cái mới, cái sống động của thực tế cuộc đời, khán giả xem không chán". Không chỉ bà Hồng Dung, mà nhiều người trong giới cũng nói như thế. Vậy sân khấu đã phản ánh ra sao?

Đề tài kinh doanh, thương trường đang nóng nhất. Nhà hát Sân khấu nhỏ (5B Võ Văn Tần) tung ra các vở Con gái ngài giám đốc, Công ty gia tộc, nhấn mạnh một thế hệ trẻ muốn làm giàu chân chính, tự lập, bản lĩnh, xin người lớn hãy tin cậy, giao việc cho họ. Chân dung lớp trẻ còn hiện ra thật đẹp trong vở Bông hồng trên sàn đấu (Sân khấu 5B), Giữa hai bờ sương khói (Sân khấu Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh) nơi họ khẳng định một nền thể thao trong sạch và nơi họ hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai dân tộc. Những công việc không nhỏ chút nào, khán giả không thể thờ ơ.

Chống tiêu cực cũng là một lĩnh vực nóng của cuộc sống. Nhưng sân khấu phía Nam chống tiêu cực một cách nhân hậu và đầy trăn trở. Chuyện tình nữ phạm nhân (Sân khấu 5B) phanh phui tiêu cực trong ngành công an, nhưng phía sau đó là sự cảm hóa một con người. Chuyện đùa như thật (Kịch Sài Gòn) không đánh thẳng vào nhân vật xấu, mà lại nêu một hình ảnh đẹp "trong mơ" để ai nấy phải ngậm ngùi. Trái bom điếc (Kịch Sài Gòn) càng ngậm ngùi và suy tư hơn, cảnh giác rằng cái tốt, người tốt quá hiếm hoi, thiệt thòi, cảnh giác một thái độ sống lạnh lùng trong xã hội hiện nay. Hoặc thời sự nhất là chuyện lấy chồng nước ngoài được phản ánh trong vở Em lấy chồng xứ lạ (Kịch Sài Gòn). Những hoàn cảnh nghèo khổ đáng thương, những giấc mơ đổi đời bằng cách "đi tắt", những rủi ro trong hôn nhân, và cả những số phận của người Đài Loan, cho thấy sự nắm bắt thực tế và sự thông cảm sâu sắc. Phiên tòa (Nhà hát Kịch TP.HCM) gióng lên tiếng chuông cảnh báo về sự thiếu quan tâm của người lớn (cha mẹ, thầy cô) đối với thanh thiếu niên, hoặc quan tâm không đúng cách, đã đẩy các em vào con đường tội lỗi, tuyệt vọng.

Kịch tình cảm tâm lý cũng cho thấy cuộc sống đang diễn tiến thế nào, và luôn bám sát tâm thái của khán giả Sài Gòn. Hãy yêu nhau đi (Sân khấu IDECAF) là chất dễ thương, nhân hậu của người phương Nam, cứ sống hết mình kiểu Lục Vân Tiên "kiến nghĩa bất vi vô dõng giả". Thử yêu lần nữa (Sân khấu IDECAF) cũng vậy, dù thất bại nhưng không cho phép người ta mất niềm tin vào cuộc sống. Hãy khóc đi em (Sân khấu IDECAF) có cay đắng hơn, vì sự lừa dối tinh tế, nhưng kết cuộc vẫn hé mở một tấm lòng khác, yêu thương, nâng đỡ, thủy chung.

Tóm lại, với khoảng 30 vở kịch ra đời trong một năm, thì đề tài vô cùng phong phú. Bản thân cuộc sống rất nhiều dữ liệu, các nghệ sĩ đã khôn ngoan nắm bắt sát sườn. Có thể vở còn non yếu, có thể vở pha vào sự cười cợt thị trường, nhưng trên hết vẫn là dòng chảy cuộc sống cứ trào dâng, gần gũi. Có thế mới thuyết phục được khán giả bước vào rạp...

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.