Khó như... đưa thanh long vào Mỹ

07/11/2008 23:53 GMT+7

Cuối tháng 10, chuyến hàng thanh long đầu tiên của Việt Nam đã có mặt trên quầy hàng ở các siêu thị Mỹ. Thị trường khó tính đã mở cửa nhưng việc tận dụng cơ hội này không phải dễ dàng.

Chuyện bây giờ mới kể

Cuối tháng 10 vừa qua, container thanh long Việt Nam đầu tiên của Công ty cổ phần Sơn Sơn (TPHCM) đã cập cảng Mỹ, chính thức xâm nhập thị trường khó tính này. Thế nhưng ít ai biết được để có kết quả này phải trải qua cả một quá trình đàm phán cam go. Thông tin về quá trình này chỉ được Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố trong cuộc họp báo hôm qua 7.11.

Theo ông Đàm Quốc Trụ - Phó cục trưởng Cục BVTV - ngay từ năm 2001, Cục BVTV đã chính thức khởi động chương trình xúc tiến xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường Mỹ. 16 loại trái cây ban đầu là thanh long, vải, nhãn, chôm chôm, chuối, sầu riêng, ổi, mít, dứa, bưởi, mận, hồng xiêm, vú sữa, xoài, măng cụt, dưa hấu. Sau nhiều lần đàm phán, tháng 7.2003, Cục BVTV đã đệ đơn chính thức đề nghị Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) cho phép trái cây Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ và được phía Mỹ đồng ý.

Cuối năm 2003, Cục BVTV đã tiến hành thu thập thông tin và gửi danh mục dịch hại liên quan đến 16 loại trái cây nêu trên để phía Mỹ xem xét, đánh giá. Tiếp đó, Cục BVTV tiến hành phân tích nguy cơ dịch hại trên trái thanh long với sự hỗ trợ của các chuyên gia APHIS. Tuy nhiên nếu chỉ để phía Mỹ tự thực hiện việc phân tích thì công đoạn này có thể kéo dài đến 5 năm, chính vì vậy Việt Nam đã cử 2 chuyên gia sang Mỹ để tham gia quá trình này. Năm 2005, bản báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại được hoàn tất và Cục BVTV gửi thư yêu cầu chính thức xem xét việc nhập khẩu thanh long vào Mỹ. Sau khi nhận được bản báo cáo trên, APHIS nhiều lần yêu cầu cung cấp thêm thông tin và Cục BVTV phải giải trình cụ thể cũng như gửi tài liệu để phía APHIS xem xét.

Theo ông Trầm Bê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sơn Sơn việc xuất khẩu thanh long vào Mỹ mang lại lợi nhuận ngoài sức tưởng tượng. Giá thanh long trên thị trường Mỹ lên đến 15 USD/kg, trong khi xuất khẩu sang các thị trường khác chỉ khoảng 2 USD/kg. Bắt đầu từ tháng này các DN sẽ xuất khẩu đều đặn 1 container/ngày.

Sau nhiều lần làm việc và thảo luận song phương, trong đó có một buổi hội đàm bằng video trực tuyến giữa hai nước về nội dung của bản báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại trên thanh long, đến đầu năm 2008, Cục BVTV và APHIS mới đi đến thống nhất chung về danh mục dịch hại cũng như biện pháp xử lý dịch hại trên thanh long. Đến ngày 9.5.2008, bản báo cáo này được APHIS thông báo rộng rãi để lấy ý kiến công chúng Mỹ trong vòng 60 ngày theo quy định của luật pháp nước này. Từ ngày 10.7, đoàn chuyên gia của APHIS sang Việt Nam để giám sát quá trình chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất, đóng gói, chiếu xạ hết sức ngặt nghèo và đến hiện nay mới bắt đầu triển khai xuất khẩu.

Xung quanh chiếc máy chiếu xạ

Nói đến chuyến hàng thanh long đầu tiên sang Mỹ, phải nhắc đến vai trò không nhỏ của Công ty cổ phần Sơn Sơn. Đến nay phía Mỹ đã cấp chứng nhận cho 7 vùng trồng thanh long, 4 nhà đóng gói nhưng chỉ mới cấp giấy phép chiếu xạ cho một nhà máy chiếu xạ của Công ty cổ phần Sơn Sơn.

Theo quy định của APHIS về điều kiện xuất khẩu thanh long vào Mỹ, để đảm bảo sâu bệnh không xâm nhập, trước khi xuất khẩu, thanh long phải được chiếu xạ với một liều lượng nhất định bằng những phương tiện được APHIS chứng nhận. Ngoài ra, mỗi lô hàng xuất khẩu đều phải có giấy chứng nhận của Cục BVTV Việt Nam. Sau khi chiếu xạ và xếp hàng vào container, Hải quan Việt Nam phải tiến hành niêm phong container tại nhà máy chiếu xạ dưới sự giám sát của cơ quan kiểm dịch Việt Nam và Mỹ. Container phải được giữ nguyên trạng thái khi đến Mỹ.

Mặc dù việc cấp phép này là nhờ nỗ lực của riêng Công ty cổ phần Sơn Sơn, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng nhưng vẫn có một số ý kiến của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu khó chịu về sự  "độc quyền" tạm thời của công ty này. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận hiện đang mời gọi phía Mỹ đầu tư nhà máy chiếu xạ, nhà máy chế biến nước trái cây từ thanh long ngay tại Bình Thuận. Các nhà đầu tư sẽ được ưu đãi theo phương thức "trải thảm đỏ". Các DN Mỹ cũng có ý định hợp tác với các DN tại Bình Thuận đầu tư nhà máy chiếu xạ tại Bình Thuận để góp phần làm giảm giá thành xuất khẩu trái thanh long hiện nay.

Hiện lại phát sinh vấn đề là một DN tại Bình Thuận muốn đầu tư nhà máy chiếu xạ bằng nguồn thiết bị máy móc của một nước khác, chứ không phải Mỹ (vì thiết bị của Mỹ giá rất cao). Vấn đề là nhà máy chiếu xạ ấy có được phía Mỹ chấp nhận cấp chứng chỉ tiêu chuẩn hay không? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Theo một DN Mỹ, để có thể đầu tư một nhà máy chiếu xạ, nhanh nhất thì cũng phải mất từ 9 - 12 tháng. Vì vậy, tình trạng thiếu nhà máy chiếu xạ là khó khăn không phải có thể nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới.

Quang Thuần - Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.