Cây độc hại bao vây Đà Nẵng

23/11/2011 00:34 GMT+7

Nhiều loại cây độc, hại được trồng khắp TP.Đà Nẵng. Cơ quan quản lý thừa biết tác hại, nhưng vẫn làm ngơ.

Nhiều loại cây độc, hại được trồng khắp TP.Đà Nẵng. Cơ quan quản lý thừa biết tác hại, nhưng vẫn làm ngơ.

Tràn lan

Không khó để phát hiện trên các con đường lớn bao quanh TP.Đà Nẵng đâu đâu cũng thấy cây trúc đào được trồng và chăm bón kỹ lưỡng, để làm cảnh trên các dải phân cách. Trên đường Nguyễn Lương Bằng chạy dọc dài theo địa phận Q.Liên Chiểu khi chưa có đường tránh vốn là QL1A, là một con đường rộng 33m, đẹp, có dải phân cách được chăm chút khá kỹ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao khi đưa cây xanh vào trồng ở đây, người dân lại thấy xuất hiện rất nhiều cây trúc đào. Những con đường khác như 3.2, Ngô Quyền, Hồ Xuân Hương, Tôn Đức Thắng cũng được trồng dày đặc trúc đào.

Theo các tài liệu khoa học, trúc đào là loài cây cực độc, có thể gây chết người chỉ bằng một chiếc lá. Cây trúc đào là giống cây ngoại lai, độc tính cao có trong các bộ phận của cây, nhất là trong nhựa cây... Chưa hết, sò đo cam, một loài cây được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) liệt vào danh sách 100 loại sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới cũng được trồng tràn lan trên các tuyến đường ở TP.Đà Nẵng. Hạt cây sò đo cam có thể phát tán trên diện rộng, rất dễ nảy mầm, dễ thích nghi và tốc độ phát triển nhanh sẽ gây ra sự biến đổi về hệ sinh thái, đe dọa đa dạng sinh học bản địa.

Tiền tỉ mua độc, hại

Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết trong năm 2009 - 2010, TP đã đầu tư 9,9 tỉ đồng để chỉnh trang cây xanh. Riêng năm 2011, TP tiếp tục bỏ ra 12,1 tỉ đồng để di dời, trồng mới cây xanh trên một số tuyến đường. Điều đáng nói là ngoài những loại cây như giáng hương, lộc vừng, muồng anh đào, lim xẹt, cau vua... thì TP cũng không quên mua hàng trăm cây sò đo cam về trồng. Riêng đường Nguyễn Thị Minh Khai được "ưu ái" trồng đến 167 cây sò đo cam.

Trong buổi làm việc với HĐND TP.Đà Nẵng mới đây, ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty công viên - cây xanh Đà Nẵng lại cho rằng cây sò đo cam được trồng trong nội thành, khu vực bê tông hóa cao nên sự lây lan, phát tán sẽ được khống chế. Vì thế, trong đề án phát triển cây xanh giai đoạn 2011 - 2015, cây sò đo cam tiếp tục được đưa vào danh sách cây trồng trên đường phố Đà Nẵng.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.