Kết cấu của giá trị

06/10/2013 03:00 GMT+7

1. Câu chuyện ngoài lề: một người mua tranh tìm đến danh họa Tề Bạch Thạch. Sau khi trao đổi về nội dung, kích cỡ… tranh, chủ khách ngã giá bức tranh 400.000 tệ.

Họa sĩ trải giấy lên bàn và rất nhanh trong phút chốc bức tranh tôm cua đã hoàn thành. Đẹp thì không chê được, nhưng khách không ngờ họa sĩ thể hiện nhanh đến vậy. Ông ngần ngừ cho rằng tranh hơi đắt.

Tề Bạch Thạch cười bảo khách: Ông có thể không mua cũng được, nhưng cũng nên biết, phải mất hơn bốn mươi năm luyện tay nghề tôi mới vẽ được thế. Sao lại gọi là nhanh được.

Họa sĩ đã nói đến cái kết cấu một giá trị. Bức tranh là kết quả của cuộc hành trình gian nan vất vả luyện nghề.

Lời giải thích của Tề Bạch Thạch lý giải cho người ta biết tại sao bức tranh lại có giá cao như vậy. Còn chuyện đắt rẻ lại ở một nội hàm khác.

2. Đất đai gắn với sự sinh tồn của con người. Tấc đất tấc vàng. Nói về cái nghèo, người xưa thường nhắc đến đất. Không tấc đất cắm dùi, là nghèo kiết.

Giống như bức tranh, kết cấu của đất là kết cấu của lao động khai phá làm giàu cho đất để tồn tại sinh sống. Tài sản ấy nằm ở một quốc gia nhưng giá trị nằm trong sự khai phá cá nhân, nó thuộc cá nhân.

Đất đai do tổ tiên khai phá hoặc mua bán tích lũy mà có nên rất thiêng liêng.

Quê tôi, khi bán đất thì trước hết bán cho người thuộc họ tộc. Khi trong họ không ai mua nữa mới bán ra ngoài. Đất đai thiêng liêng lắm.

Cũng như vậy, nếu một người bỏ tiền tích lũy sau nhiều năm lao động mua được miếng đất thì kết cấu mảnh đất ấy là cả một thời học tập, lao động kiếm tiền rồi mới có được. Miếng đất đó là tích tụ mồ hôi nước mắt, trí tuệ, thậm chí cả máu người trong đó. Đó là kết cấu một giá trị chứ không thể dễ dãi đánh giá đắt hay rẻ và dễ dàng tước bỏ nó khỏi tay chủ đất được… Và càng không thể đơn giản là cơ quan công quyền cứ ngồi đó định giá mà được.

Do vậy mà chuyện đất đai bao giờ cũng là chuyện lớn của mỗi quốc gia, và là chuyện lớn của mỗi cá nhân, rất phức tạp. Hiểu sâu sắc kết cấu này thì sẽ có những hoạch định về chính sách đất đai đúng đắn thuận với lòng người.

9.2013

Đỗ Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.