Bốn thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2009

28/10/2008 16:22 GMT+7

Sáng 28.10, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII làm việc tại hội trường thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì phiên họp.

Các đại biểu ghi nhận nỗ lực của Chính phủ đã thực hiện 8 nhóm giải pháp kịp thời và mau lẹ, phát huy hiệu quả kiềm chế lạm phát; trong đó các chính sách hỗ trợ giá xăng, giá giống lúa, miễn thủy lợi phí cho ngư dân và nông dân… tạo điều kiện cho nông dân tăng khả năng khắc phục khó khăn do lạm phát.

Tuy nhiên đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) và một số đại biểu đã thẳng thắn nêu lên các thách thức lớn đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát và bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong năm 2009.

Đầu tiên là sự tăng trưởng kinh tế của nước ta chưa bền vững - đây là nhận định không mới nhưng được bà Dương Kim Anh đưa ra những cứ liệu rất thuyết phục, có tính chất cảnh báo nguy cơ tăng lạm phát và giảm tăng trưởng kinh tế trong năm tới. Vì nước ta có tới trên 350 ngàn doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, giải quyết việc làm cho 90% lao động phi nông nghiệp của cả nước, nhưng hiện nay có tới 20% số DN này có nguy cơ phá sản, 60% đình trệ sản xuất và chỉ có 20% thích ứng với tình hình lạm phát. Nếu Chính phủ không có chính sách thích hợp hỗ trợ các DN vừa và nhỏ thì sẽ có khoảng 60 ngàn DN vừa và nhỏ phá sản trong thời gian tới, sẽ đẩy trên 100 ngàn lao động thất nghiệp - bà Dương Kim Anh ước tính. Như vậy, thách thức thứ nhất đã được bà Dương Kim Anh nhận định là nguy cơ suy thoái của khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thách thức thứ hai theo bà Dương Kim Anh là yếu tố bất ổn ở khu vực kinh tế nông nghiệp nông thôn, hiện nay vẫn phát triển chậm hơn so với các khu vực khác, vì mới có 39 ngàn DN (chủ yếu là DN vừa và nhỏ) đầu tư vào khu vực nông thôn; trong khi đó khâu chế biến và bảo quản nông sản của nông dân hiện nay rất yếu; vì vậy giá trị sản xuất hàng hóa nông sản không cao, đời sống của nông dân về cơ bản vẫn thấp kém, bà Dương Kim Anh đề nghị Chính phủ cần triển khai xây dựng hệ thống kho bảo quản lúa hiện đại để bảo quản lúa ở ĐBSCL, bình quân mỗi năm khu vực này có từ 20 đến 22 triệu tấn lúa, nhưng hệ thống kho hiện có mới chứa được 500 ngàn tấn, vì thế chất lượng lúa - gạo của ta không bảo đảm.

Cùng chia sẻ với đại biểu Dương Kim Anh về những nguyên nhân tăng trưởng không bền vững, ông Nguyễn Văn Tuyết (đại biểu Yên Bái) đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân "vốn đầu tư hiệu quả thấp - theo báo cáo của Chính phủ" và có giải pháp kiềm chế gia tăng dân số vì chỉ tiêu giảm sinh trong hai năm 2007 và 2008 đều không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyết, nước ta đã đứng ở vị trí số 13 các nước đông dân trên thế giới, với mật độ 260 người/km2, lại gấp 5 lần mức bình quân của thế giới; nước ta hiện có 86 triệu dân, mỗi năm tăng thêm 1 triệu người, tương đương dân số của 1 tỉnh thì không thể bảo đảm an sinh bền vững, trong khi đó vốn cho khu vực nông thôn đã ít lại chậm, đến tháng 6.2008 mới có thông báo vốn hỗ trợ các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Yếu tố bất ổn của kinh tế nông nghiệp nông thôn và sự gia tăng dân số "vượt khung" là một thách thức nữa đối với năm tới và các năm tiếp theo.

Thách thức thứ ba được các đại biểu nhấn mạnh với thái độ rất bức xúc là vai trò của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc sử dụng vốn.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phát biểu: 76 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được giao tới 403 ngàn tỉ đồng và được vay bổ sung 514 ngàn tỉ đồng nữa, nhưng tỷ suất về lợi nhuận chỉ đạt 17,04% /năm (theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước). Các tập đoàn, tổng công ty này lại rót vốn đầu tư ngoài kế hoạch là 7.370 tỉ đồng vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, nhà đất; đồng thời cũng nhập siêu tới 21 tỉ USD. Sự độc quyền về kinh doanh điện dẫn tới người tiêu dùng bị thiệt hại do phải mua giá điện cao, sản xuất bị ảnh hưởng do bị cắt điện tùy tiện, trong khi đó ngành điện lại công bố chênh lệch giá đến 2.700 tỉ đồng và đề nghị được cắt hơn 1.000 tỉ đồng để thưởng nội bộ; sự độc quyền về giá xăng dầu tạo nên sự bất công giữa các doanh nghiệp, trong đó Petrolimex chiếm 60% thị phần trong nước còn lại là 10 đầu mối khác cùng duy trì mức giá xăng, dầu không hợp lý dẫn đến tăng thêm áp lực lạm phát cho các thành phần kinh tế.

Các đại biểu đều đề nghị Quốc hội thực hiện chương trình giám sát với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bởi vì nếu các doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn không hiệu quả, ỷ vào vị thế độc quyền chỉ vì lợi ích cục bộ, cũng sẽ trở thành nguyên nhân tăng áp lực lạm phát và cản trở tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.

Thách thức lớn thứ tư chính là khả năng dự báo của các cơ quan quản lý, điều hành vĩ mô - đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) viện dẫn, đầu năm 2008 cơ quan dự báo của Nhà nước đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm sẽ là 9,1%, nhưng đến nay mức tăng trưởng GPD khó đạt mức tăng trưởng 7%, lạm phát tăng 3 lần so với dự báo. Như vậy công tác dự báo đã bất cập dẫn đến bị động trong việc xây dựng chính sách và điều hành nền kinh tế.

Việc dự báo sai về tình hình lương thực trong nước đã dẫn đến việc dừng xuất khẩu gạo gây thiệt hại cho nông dân hàng ngàn tỉ đồng.

Đại biểu Nguyễn Tiến Dĩnh (Hà Nội) cho rằng việc dự báo tác động của tình hình khủng hoảng tài chính thế giới dẫn đến lúng túng trong việc điều hành chính sách tài chính tiền tệ của nước ta trong thời gian vừa qua. Vì vậy, ông Dĩnh đề nghị phải thành lập Viện chiến lược kinh tế Quốc gia hoặc một hội đồng tư vấn về dự báo cho Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở dự báo sự tác động và những thách thức đối với nền kinh tế đất nước, ông Dĩnh đề nghị xây dựng mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2009 từ 6,5% đến 7%.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.