Sống sót sau thảm họa - Kỳ cuối: Giấc mộng yên lành

05/11/2010 09:09 GMT+7

Chạy lũ. Đêm thật tối và cả nhà năm người chất trên chiếc xuồng nhỏ cố bơi. Bỗng đâu một dòng nước xoáy ào tới, xé toạc chiếc xuồng. Đêm định mệnh ấy khiến vợ chồng anh Võ Ngọc Giàu và chị Nguyễn Thị Thơm (Long Bình, Xuân Phú, Sông Cầu, Phú Yên) đến tận bây giờ vẫn sống trong sợ hãi.

Mẹ, con và lũ

Đó là đêm 23-9-2009, cơn lũ dữ tràn về thị xã Sông Cầu khiến đập Đá Vải bị vỡ bất ngờ. Những ngôi làng bình yên dưới tán dừa nhanh chóng bị nhấn chìm trong biển nước. Nước lên quá nhanh khiến cả xóm nhỏ Long Bình không kịp trở tay.

7g tối trong căn nhà nhỏ, anh Giàu thấy mực nước lên quá nhanh liền vội vã để vợ, hai con gái Võ Thị Kim Quân (7 tuổi), Võ Thị Kim Quyền (3 tuổi) cùng đứa cháu Nguyễn Văn Ngọc (3 tuổi, con của em trai chị Thơm) qua nhà anh tránh lũ lên chiếc xuồng nhỏ, còn mình dầm dưới nước, đẩy về phía mấy nhà cao tầng ngoài đường lớn để tránh lũ.

Khi ra đến giữa đường lớn thì một dòng nước xoáy ào tới lật úp rồi xé toạc chiếc xuồng tan ra như bọt nước. Cả gia đình anh bị lũ nhấn chìm trong màn đêm đen kịt. Dòng nước hung hãn cuốn mỗi người mỗi nơi. Chỉ kịp nghe tiếng thét của vợ con rồi anh Giàu bị dòng xoáy cuốn đi.

Đang chới với trong biển nước thì một cơn nước tiếp theo ào tới xô thật mạnh, toàn thân anh bị đập vào một vật thật cứng khiến anh đau nhói. Đang hoảng loạn tột độ nhưng trong giây phút đó anh định thần lại và biết đó là một cây dừa. Anh bèn cố hết sức ôm lấy nó. Cứ vậy nước dâng tới đâu anh lên tới đó chứ không dám leo lên đọt vì cây dừa quá cao mà sức anh đã cạn.

Vừa lạnh vừa mệt, toàn thân đau ê ẩm nhưng anh Giàu vẫn cố dùng tay và chân bám lấy cây dừa. Lúc tay mỏi quá thì lấy chân bám, khi chân mỏi lại dùng tay. Dòng nước hung hãn vây quanh như chực hất anh khỏi cây dừa. Quần áo anh bị nước rứt ra từng mảnh nát tươm. “Ôm lấy thân cây, tui nghĩ vợ con mình chắc đã chết hết rồi. Nước dữ lắm, mình thân đàn ông mà còn thế này thì mong gì vợ con sống. Nghĩ vậy nước mắt cứ trào ra.

Nhưng lại nghĩ mẹ mình già rồi, không ai chăm sóc. Trong tâm tui tự nhủ mình phải sống. Phải có một người sống để lo cho gia đình mình. Lo ma chay cho vợ con” - anh Giàu nhớ lại. Có lẽ chính nhờ động lực đó mặc dù kiệt quệ sức lực, chân tay bị xé toạc đau đớn anh vẫn cố ôm lấy cây dừa suốt ba giờ trong dòng nước lũ cuồn cuộn chảy. Đến 10g đêm, lực lượng cứu hộ tìm thấy anh và đưa anh vào một ngôi nhà gần đó. “Khi người ta chộp được tui kéo lên, tui có cảm giác mình chết đi sống lại, chân tay tự nhiên mềm nhũn, không chút sức lực” - anh nhớ lại giây phút được cứu.

Còn chị Thơm, khi ngồi trên xuồng chị ôm lấy cô con gái nhỏ mới 3 tuổi. Bị nước nhấn chìm nhưng bản năng người mẹ chị vẫn ôm chặt lấy con. Cứ vậy hai mẹ con bị nước cuốn trôi trong đêm đen kịt. Trôi khoảng 500m chị bất ngờ bị một sợi dây điện mắc ngang cổ.

Đang bấn loạn tột cùng, chị sực tỉnh và lấy tay nắm chắc sợi dây. Mái tóc dài đã cứu chị khi nó mắc vào cây trứng cá bên cạnh. Khuôn mặt chị nhờ thế mà nhô lên khỏi mặt nước, còn toàn thân cứ lơ lửng trong dòng nước lũ. Hai tay chị vẫn cố gắng ôm lấy con trong lòng, mặc nước chảy xiết có lúc như muốn giằng đứa con khỏi tay mẹ. Tay mỏi rời nhưng chị vẫn không chịu buông con ra.

Chị Thơm cố gắng tìm một điểm tựa để có thể nhấc con lên với hi vọng bé sẽ sống sót, nhưng đưa chân chỗ nào cũng là nước. Người mẹ đành bất lực thấy con cứ lạnh dần trong tay mình. “Biết con đã chết rồi, không còn nữa nhưng vẫn cố ôm con trong lòng vì tui nghĩ đằng nào mình cũng chết. Ôm con cho chặt để khi người ta tìm xác mình thì tìm được con luôn. Bơ vơ tội nó” - chị Thơm nhớ lại, nước mắt rơm rớm. Cứ như vậy suốt hơn bốn giờ, giữa biển nước mênh mông, chị Thơm cầm cự với sợi dây điện và nhành trứng cá mỏng manh, hai tay ôm chặt đứa con gái bé nhỏ đã lạnh ngắt từ lâu dưới làn nước. Thỉnh thoảng lấy được chút sức lực chị lại kêu cứu nhưng tiếng kêu bị tiếng nước lũ gầm réo át đi.

Nước mắt người mẹ chảy dài khi ôm con đã chết trong tay, nghĩ chồng, đứa con và đứa cháu cũng đã trôi theo dòng nước lũ. Khi tàu cứu hộ tới đã gần 11g đêm, chị Thơm được cứu lên bờ. Sức đã kiệt chị vẫn kêu gào trong tuyệt vọng: “Cứu con tui với, đưa nó đến bệnh viện đi mà!”.

Ám ảnh và hồi sinh

Sau khi được cứu, anh Giàu gắng sức tìm vợ. Anh chết lặng khi thấy chị đang trú nhờ trong nhà người khác, cứ như người mất hồn ôm xác đứa con nhỏ trong tay. Trời sáng, hai vợ chồng cứ ôm con lội nước không biết đi đâu về đâu bởi bốn bề là nước, lòng rối bời khi nghĩ về số phận đứa con gái lớn và đứa cháu không biết đang nơi đâu. Ngày hôm đó anh chị đau đớn tìm thấy xác con và cháu. Đám ma được tiến hành vội vã đưa ba đứa nhỏ về với đất. Suốt những ngày sau đó vợ chồng anh Giàu sống trong cảm giác sợ hãi và đau đớn.

Trong suốt ba tháng sau đêm đó cả hai vợ chồng đều mắc chứng chân tay run rẩy không thể cầm nắm được vật gì. Uống các loại thuốc vẫn không khỏi. Chỉ đến khi nỗi sợ hãi và nỗi đau dần nguôi anh chị mới trở lại trạng thái bình thường. Trong đầu chỉ nghe ầm ầm tiếng dòng nước xoáy trong đêm đó. Cảm giác ớn lạnh như đang trôi trong dòng nước lũ choáng ngợp tâm trí anh chị.

Bây giờ đã gần một năm sau đêm kinh hoàng đó. Anh Giàu và chị Thơm đã có thêm một cô con gái nhỏ mới chào đời được hơn nửa tháng. Đang trong những ngày ở cữ nhưng chị Thơm cứ thấp thỏm lo âu đi vô đi ra khi mấy ngày nay trời đổ cơn mưa kéo dài trong xóm nhỏ. Anh Giàu đã lo gói đồ cho vợ con để “nếu đêm nay vẫn mưa thì đưa hai mẹ con đi liền”.

Sau đêm đó, bây giờ mỗi khi đổ mưa, dù lớn hay nhỏ bên tai anh vẫn lùng bùng tiếng nước chảy ầm ầm, tiếng chiếc xuồng bị xé toạc, tiếng con khóc thét. Và nửa đêm đang ngủ mà có mưa là hai vợ chồng lại giật mình tỉnh giấc không thể ngủ được nữa.

Mùa mưa lũ, chương trình dự báo thời tiết nào anh Giàu cũng coi kỹ, chỉ cần có tin bão sẽ vào Phú Yên là anh lo chuẩn bị mọi thứ để đưa vợ con chạy lũ. Mỗi khi có mưa lớn là anh lại gọi điện nhắc người quen ở gần sông: “Khi nào nước xâm xấp bờ thì báo tui nghen”. Chị Thơm ôm đứa con nhỏ trong tay ước mơ điều duy nhất: “Cầu trời nhà đừng ngập để cho con đầy tháng, chứ còn nhỏ thế này mà ôm chạy lũ biết đi đâu”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.