Phận nữ mãi nghệ - Kỳ 2: Suýt chết với nghề xiếc

27/05/2014 10:00 GMT+7

(TNO) Không riêng gì múa lửa, nghề xiếc tạp kỹ vẫn luôn tìm ẩn những rủi ro, thách thức lòng kiên trì, sự chịu đựng của những người phụ nữ. Để bám trụ với nghề, có người từng suýt chết, có người không ít lần hứng trọn những ngọn nến rơi xuống mặt…

>> Phận nữ mãi nghệ - Kỳ 1: Bóng hồng 'vờn' lửa

 
Yến Nhi trong tiết mục xiếc trên tàu nhà hàng - Ảnh: Thiên Hương

Nghề truyền nghề

21 giờ đêm trên một chiếc tàu nhà hàng tại bến Bạch Đằng (TP.HCM), giữa lúc thực khách đang say sưa dùng bữa, Yến Nhi (24 tuổi) bước lên sân khấu, cởi phăng lớp tua rua quấn bên ngoài rồi trình diễn những tiết mục xiếc thăng bằng vừa nóng bỏng vừa không kém phần mạo hiểm.

Yến Nhi học uốn dẻo từ nhỏ và nối gót theo cha, hành nghề trong những gánh xiếc tạp kỹ. "Cha em làm nghề ảo thuật nên khi đi diễn, ông tranh thủ học hỏi kinh nghiệm từ người này, người kia rồi về dạy lại cho em. Em học những cái căn bản từ cha rồi sau đó cũng đi theo các đoàn xiếc để học hỏi thêm", Yến Nhi chia sẻ.

Uốn dẻo được một thời gian, Yến Nhi mắc chứng đau lưng nên phải chuyển sang múa lửa. Tuy nhiên, do các tàu nhà hàng không được phép diễn múa lửa nữa nên cô lại phải chuyển sang xiếc thăng bằng.

Trong gia đình, Yến Nhi được xem là trụ cột kinh tế, nuôi hai em ăn học. Hằng ngày, hai cha con "đèo" nhau trên chiếc xe máy, đi từ huyện Nhà Bè vào trung tâm thành phố diễn ở tàu nhà hàng, quán cà phê, bar...

Hằng đêm biểu diễn trên tàu, cát sê của Yến Nhi vào khoảng vài trăm ngàn, cộng thêm tiền boa của khách, sau khi chia đôi với ban nhạc thì hai cha con dắt túi tầm hơn 1 triệu đồng.

 
Những tiết mục xiếc thăng bằng vừa nóng bỏng vừa không kém phần mạo hiểm - Ảnh: Thiên Hương

Tương tự như Yến Nhi, nữ ảo thuật Ngọc Tâm đi theo gánh xiếc cũng từ truyền thống của gia đình. Chị là em thứ ba trong gia đình 5 anh em. Anh cả Phúc Hậu nổi tiếng với tiết mục chiếc xe đạp một bánh, kế đó là Ngọc Bích, tiết mục lắc vòng, em gái Ngọc Thủy với tiết mục uốn dẻo và chồng của Ngọc Thủy cũng là một nghệ sĩ xiếc thú. Riêng em út không nối nghiệp gia đình mà làm việc trong lĩnh vực vi tính.

Là gương mặt khá quen thuộc trong các chương trình tại Thảo Cầm Viên (TP.HCM) vào dịp cuối tuần, bao giờ cũng vậy, mỗi khi nữ ảo thuật gia duyên dáng bước ra, trẻ nhỏ lại vây quanh cô, chờ xem "phép màu" từ những đồ vật có khả năng biến hóa khôn lường.

Nghề ảo thuật của Ngọc Tâm cũng là do ba hướng dẫn rồi dần dà chị xin đi theo các đoàn biểu diễn để học hỏi thêm. Với cái nghề mà bí mật nghề nghiệp được xem là "cần câu cơm" thì rất hiếm ai dám mang đi truyền nghề, tất cả đều do bản thân nghệ sĩ tự quan sát, nắm bắt. Trong đó, nhiều đạo cụ phải do tự mình sáng tạo ra.

 
Ngọc Tâm diễn ảo thuật với bồ câu - Ảnh: Thiên Hương


Tiết mục của nữ ảo thuật luôn thu hút các khán giả nhí - Ảnh: Thiên Hương

Nữ ảo thuật gia bật mí tai nạn nghề nghiệp đáng nhớ của chị là lần diễn ảo thuật với những chú chim bồ câu. Do vội vàng, đặt không đúng vị trí đến lúc "hô biến" thì chú chim... ngất xỉu, không cất cánh nổi khiến khán giả cười rần rần.

Tuy nhiên, nhớ nhất vẫn là lúc cả gia đình cùng diễn tiết mục ảo thuật "cưa người" trong một chuyến lưu diễn ở miền Trung. Một khán giả đã xung phong lên nằm dưới "máy cưa" nhưng sau khi kết thúc màn biểu diễn này, vị khán giả đột nhiên... ngất xỉu khiến gia đình một phen hốt hoảng. Cũng may, vị khán giả này chỉ bị... yếu tim chứ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

“Nghề này là vậy, ngoại trừ những diễn viên xiếc chuyên nghiệp được đào tạo bài bản trong các trường thì số còn lại là do nghề truyền nghề. Bởi vậy, việc học hỏi, tập luyện cũng vất vả hơn”, Ngọc Tâm chia sẻ.

"Trầy vi, tróc vảy" vì nghề

Khổ luyện để mang đến niềm vui, những phút giây giải trí cho thiện hạ nhưng không ít lần, họ "trầy vi, tróc vảy" vì nghề.

Trong màn biểu diễn dùng kiếm giữ thăng bằng những ngọn nến, có lần, những ngọn nến đã đổ ập xuống mặt Yến Nhi. Rồi những chồng ly cao ngất cũng lắm lúc không nghe lời, đổ tứ tung xuống đất.

"Khi ấy dù đau vẫn phải cố diễn tiếp để khách không cụt hứng", Yến Nhi bộc bạch.

Khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi cũng tìm gặp nghệ sĩ xiếc ngựa Ánh Tuyết, hiện công tác tại Nhà hát nghệ thuật Phương Nam (TP.HCM), người sở hữu không ít những vết sẹo “oanh liệt”.

30 năm gắn mình trên lưng ngựa, ngoài những huân chương trong nước và quốc tế từ bộ môn này, nghệ sĩ Ánh Tuyết không giấu được niềm tự hào khi nói về... những vết sẹo đầy kỷ niệm với nghề của mình.

Vào năm 2012, khi đang diễn trên sân khấu, một em bé vô tình cầm trái bóng xanh đỏ đứng gần sân khấu, chú ngựa thấy lạ lập tức khựng lại rồi hất văng chị xuống, kéo lê mấy vòng. Hậu quả là sau tai nạn này, chân chị để lại một vết sẹo khá to.

Lần khác, khi tham gia bộ phim dã sử mang tên Đề thám, chị được giao một vai diễn nhỏ liên quan đến ngựa. Khi đang diễn, chú ngựa bỗng dưng bị đứt dây cương, phóng như bay trong khi chị ngồi trên đó chỉ nắm được mỗi cái bờm ngựa khiến ai cũng sợ xanh mặt. Rất may là với khả năng ứng biến, chị thoát hiểm trong gang tấc.

 


Nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết trên lưng ngựa - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo nghệ sĩ Ánh Tuyết, dù đã được thuần phục nhưng loài ngựa vẫn sống bằng bản năng. Bởi thế mà những rủi ro trong nghề vẫn có thể xảy ra. Ấy vậy mà khi nói đến những "người bạn" nắng mưa thất thường này, chị luôn dành những tình cảm trìu mến nhất: "Ngựa cũng có tình cảm mà. Chúng khôn lắm. Có khi còn biết tự tháo dây, mở cửa để tìm đến vòi uống nước đấy".

 
Có những lúc tập luyện căng thẳng, đau đớn, cũng nản lắm. Nhiều lúc tối về nằm suy nghĩ mà rơi nước mắt, chẳng lẽ hôm sau mình cũng phải tiếp tục như thế ư? Nhưng rồi lòng yêu nghề lại kéo mình đứng dậy, lại phấn đấu, lại cống hiến
 Nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết
Theo học xiếc người từ năm 13 tuổi nhưng sau đó lại chuyển qua xiếc thú, Ánh Tuyết từng trải qua thời gian mà suốt 1 tháng trời, công việc của chị chỉ là dắt ngựa đi dạo, cho ăn rồi... dọn chuồng ngựa.

"Có những lúc tập luyện căng thẳng, đau đớn, nản lắm! Nhiều lúc tối về nằm suy nghĩ mà rơi nước mắt tự hỏi chẳng lẽ hôm sau mình cũng phải tiếp tục như thế ư? Nhưng rồi lòng yêu nghề lại kéo mình đứng dậy, lại phấn đấu, lại cống hiến. Niềm đam mê, lòng yêu nghề, sự kiên trì bền bỉ chính là những yếu tố giúp tôi trụ vững đến ngày hôm nay", nghệ sĩ Ánh Tuyết chia sẻ.

Tìm nữ xiếc thú đã khó, tìm được người gắn bó với ngựa gần 3 thập niên như Ánh Tuyết lại càng hiếm hơn. Ấy vậy mà cái ngưỡng xấp xỉ U50, chị vẫn đau đáu với nghề. Những năm gần đây, do thiếu kinh phí cho các tiết mục xiếc thú, xiếc ngựa nên nghệ sĩ Ánh Tuyết phải chuyển sang diễn tiết mục đi xe đạp một bánh và ảo thuật.

Hiện chị đang lên kế hoạch khôi phục lại đoàn xiếc thú cho Nhà hát nghệ thuật Phương Nam bởi lẽ với chị, không gì vui bằng mỗi khi xuất hiện trên yên ngựa lại nhận được những tiếng hò reo, những tràng vỗ tay giòn giã từ khán giả, đặc biệt là các khán giả nhí.

Thiên Hương - Diệu Linh

>> Tâng bóng như làm xiếc
>> Mãn nhãn với múa - xiếc trong 'Duyên dáng Việt Nam 27
>> Xiếc, kịch nghệ, âm nhạc, vũ đạo trong 'Làng tôi
>> Xe container “làm xiếc” trên đại lộ
>> Tăng quy mô Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ
>> Thí sinh 'Én vàng' thử thách với kịch xiếc 'À Ố show
>> Xe container 'làm xiếc
>> Bà mẹ diễn 'xiếc
>> Diễn viên xiếc thú
>> Đoàn xiếc đương đại của Pháp trình diễn tại Việt Nam
>> Cô gái thổi sáo và nhóm xiếc mồ côi vào chung kết Vietnam's Got Talent
>> Vietnam's Got Talent: Xúc động nhóm trẻ mồ côi làm xiếc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.