ĐBSCL thiếu thầy thuốc trầm trọng

11/11/2008 12:09 GMT+7

Số lượng bác sĩ, dược sĩ hiện nay ở ĐBSCL thấp hơn mức trung bình của cả nước vào năm 2003

Đó là nhận định mang tính cấp bách tại hội nghị bàn về thực trạng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ.

10.000 dân chỉ có 4,81 bác sĩ

Theo đề tài “Tình hình nhân lực y tế vùng ĐBSCL: Thực trạng và giải pháp” của một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, do PGS-TS Phạm Văn Lình chủ trì, hiện nay toàn khu vực ĐBSCL chỉ mới có 7.737 bác sĩ (BS), 2.705 dược sĩ (DS) trung cấp, 368 DS đại học, 5.731 điều dưỡng trung cấp... đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập. Như vậy, trung bình cứ 10.000 dân chỉ mới có khoảng 4,81 BS, 0,21 DS đại học và 4,41 điều dưỡng. Từ kết quả nghiên cứu này cho thấy tỉ lệ BS, DS đại học tính trên 10.000 dân vùng ĐBSCL còn khá thấp so với một số vùng, miền của cả nước. Thậm chí, số lượng BS, DS hiện nay của khu vực này còn thấp hơn mức trung bình của cả nước ở thời điểm năm 2003.

Nếu theo quy định ở mỗi xã, phường, tối thiểu phải có một BS, hiện nay khu vực ĐBSCL chỉ mới có 80% số xã, phường có BS làm công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Điển hình, tỉnh Kiên Giang có 142 xã, phường nhưng chỉ có 74 BS làm việc tại đây. Hậu Giang có 71 xã, phường nhưng cũng chỉ mới có 20 BS. Tình trạng thiếu hụt số lượng BS phục vụ tại tuyến cơ sở đã gây nên tình trạng quá tải bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến trên.

Tỉnh nghèo khó thu hút bác sĩ

Thực tế, sinh viên miền Tây đã học ở TPHCM thì rất ít người chịu về ĐBSCL làm việc. Năm 2008, tỉnh Hậu Giang có 12 sinh viên tốt nghiệp ngành y, nhưng chỉ có 5 sinh viên về địa phương công tác. Ngành y tế tỉnh này cũng đã có chủ trương cho các bệnh viện tỉnh, huyện, thị hỗ trợ 450.000 đồng/tháng với những sinh viên y khoa năm cuối để sau khi ra trường họ sẽ về tỉnh phục vụ. Tuy nhiên, chẳng có mấy sinh viên hứng thú với mức ưu đãi này.

Tỉnh Trà Vinh cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự. Năm 2008, tỉnh có 20 sinh viên tốt nghiệp ngành y, nhưng chỉ có một người trở về địa phương.

Nguyên nhân thiếu nhân lực đã qua đào tạo ở ĐBSCL là do thiếu các chính sách đãi ngộ hoặc có nhưng chưa đủ hấp dẫn. Điển hình như ở tỉnh Bạc Liêu, một sinh viên tốt nghiệp đại học ngành y, dược về tuyến xã công tác chỉ nhận được số tiền khuyến khích ban đầu là 3 triệu đồng, nếu tốt nghiệp loại giỏi được thưởng thêm 2 triệu đồng. Sau đó, chỉ hưởng lương đúng với quy định.

Tình trạng người của địa phương tốt nghiệp ngành y nhưng không về quê công tác đã xảy ra nhiều năm nay. Vì trên thực tế chẳng có một hợp đồng cam kết bắt buộc nào giữa người được đưa đi đào tạo và cơ quan chủ quản hoặc chính quyền địa phương. Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang, cho rằng nên tiếp tục duy trì thực hiện đào tạo theo tín chỉ và cử tuyển mở rộng để bảo đảm có đủ BS, DS về công tác ổn định, lâu dài tại các trạm y tế xã, phường và hệ y tế công cộng.

Ông Phạm Thanh Khôi, Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang, đề xuất Bộ Y tế nên tiếp tục cho chủ trương duy trì hình thức đào tạo hệ đại học chuyên tu 4 năm. Chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ cần được duyệt, công bố trước khi tuyển sinh hằng năm để các tỉnh chủ động chuẩn bị nguồn và xét tuyển. Đồng thời, UBND các tỉnh cũng nên có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ cho các sinh viên y khoa đang học tại các trường đại học nhằm bổ sung nguồn nhân lực một cách bền vững cho địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:

Phải tăng cả lượng lẫn chất

Hình thức đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo BS đa khoa chuyên tu hệ 4 năm vẫn được duy trì. Có như vậy mới có thể đáp ứng đủ số lượng nhân lực y tế cho vùng trong thời gian tới. Tuy nhiên, tăng số lượng phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Do đó, các địa phương cần cân nhắc và có những tiêu chí gắt gao trong việc xét tuyển nguồn đưa đi đào tạo, hỗ trợ chi phí đào tạo cán bộ phải kèm theo những cam kết bắt buộc họ phải trở về địa phương công tác lâu dài.
 

Bài và ảnh: Lê Khải - Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.