Vấn đề quản lý Internet

15/12/2004 10:15 GMT+7

Vừa qua, Uỷ ban Nhân dân TPHCM vừa ban hành một số quyết định phê duyệt Quy hoạch một số ngành nghề thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội "nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội" trên các quận, huyện giai đoạn 2004-2005. Tôi có một số ý kiến như sau:

Thực sự mà nói, tôi không hiểu các quyết định này được ra đời trên cơ sở nhận thức như thế nào. Nếu chúng ta lập luận đây là những dịch vụ “nhạy cảm” thế thì việc hạn chế này có khắc phục được các tệ nạn trong xã hội không, nếu có thì như thế nào, mặt lợi hại ra sao.

Lấy ví dụ về Internet: Internet được coi là một phát minh có tính ứng dụng cao, giúp cho người dân nhất là thế hệ trẻ tiếp xúc được với thế giới, trao đổi thông tin một cách nhanh chóng và rẻ tiền. Từ đó, Internet cũng giúp các doanh nghiệp làm việc có hiệu quả hơn. Nếu theo đúng tinh thần các Quyết định này, số điểm truy cập mới sẽ rất ít, thậm chí nhiều quận sẽ không được cấp phép mới. Người dân vì thế ít có cơ hội tiếp xúc với công cụ công nghệ cao này.

Vấn đề Internet đã đem lợi cho ta cái gì rồi, tôi xin miễn đề cập đến. Chỉ xin đặt ra một câu hỏi, "Liệu trong môi trường của chúng ta hiện nay có ai làm ra Internet được hay không?'' Vậy tại sao chúng ta không tận dụng Internet một cách hiệu quả hơn một khi nó xuất hiện. Thiết nghĩ, đây là một thiệt thòi lớn đối với quốc gia.

Về mặt quản lý nhà nước, chúng ta có thể có nhiều cách để hạn chế tiêu cực từ Internet bằng cách yêu cầu:

- Có các phần mềm giám sát mọi ứng dụng chạy trên máy con;

- Các máy phải được bố trí quay mặt ra ngoài;

- Chủ cơ sở kinh doanh có trách nhiệm nhắc nhở và ngăn cản khách hàng vào các trang web có nội dung không lành mạnh, nếu vi phạm sẽ bị liên đới trách nhiệm. Ở đây tôi xin dùng chữ liên đới trách nhiệm bởi bản thân người cung cấp dịch vụ Internet không thể kiểm soát được 100% nội dung khách hàng vào nên người truy cập phải chịu trách nhiệm chính thì họ mới tự hạn chế bản thân họ.

Nếu quản lý Internet trên quan điểm “quản lý được tới đâu mở tới đó”, thử hỏi rằng chúng ta quản lý như thế nào. Ví dụ ở vùng ven, vùng xa, dựa trên quan điểm đó mấy ông quản lý ở xã nói không quản lý được nên không cho mở, người dân nhất là thế hệ trẻ vì thế sẽ không có điều kiện tiếp cận tin học. Chẳng lẽ lại để cho thế hệ tương lai của chúng ta đi vào con đường mù thông tin như vậy sao?

Sau cùng tôi xin đưa ra ý kiến thế này: Hạn chế đăng ký kinh doanh dịch vụ vi tính, Internet là đem lại kết quả ngược với mong muốn và hại nhiều hơn lợi, trong khi chúng ta vẫn còn nhiều giải pháp khác. Chúng ta không tạo ra Internet thì ít nhất chúng ta phải biết cách tận dụng nó.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.