Đường nào và chỗ đỗ nào cho ô tô?

10/11/2005 01:00 GMT+7

Cách đây trên 20 năm, Việt Nam đã được coi là "cường quốc" xe đạp, với hàng chục triệu chiếc. Cùng với sự tăng lên của thu nhập và việc mở rộng cửa hơn trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển từ xe đạp sang xe máy, cũng với hàng chục triệu chiếc, lấp đầy đường phố ở các thành phố, thị xã, sau đó tràn về nông thôn ở khắp các vùng miền của đất nước.

Với tốc độ cao gấp nhiều lần, với mức độ chiếm diện tích lớn hơn so với xe đạp và xả ra một lượng khí thải khổng lồ, xe máy đã trở thành một trong những nguyên nhân lớn nhất của tai nạn giao thông, của nạn ùn tắc đường sá và ô nhiễm không khí, cả về bụi bặm, cả về tiếng ồn ở đô thị. Chỉ trong hơn 5 năm (tính đến tháng 10/2005), tổng số xe máy sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc đã lên đến trên 6,4 triệu chiếc. Đáng lưu ý là số lượng xe máy đã liên tục tăng lên qua các năm (năm 2000 mới có 463,6 nghìn chiếc, năm 2001 là 611,8 nghìn chiếc, năm 2002 là 1.052,7 nghìn chiếc, năm 2003 là 1.218,6 nghìn chiếc, năm 2004 là 1.608,3 nghìn chiếc, 10 tháng của năm 2005 là 1.499,5 nghìn chiếc).

Trong khi đất nước vẫn còn tràn ngập xe máy thì lượng ô tô đã và đang tăng rất nhanh. Chỉ trong hơn 5 năm, lượng ô tô lắp ráp trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc đã lên đến trên 337,2 nghìn chiếc, trong đó năm 2000 là 29,9 nghìn chiếc, năm 2001 là 48,8 nghìn chiếc, năm 2002 là 58,9 nghìn chiếc, năm 2003 là 69,1 nghìn chiếc, năm 2004 là 65,2 nghìn chiếc, 10 tháng của năm 2005 là 65,3 nghìn chiếc.

Sự gia tăng nhanh chóng của lượng ô tô là tất yếu, phản ánh quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Song vấn đề đáng bàn là chúng ta chưa chuẩn bị cho sự gia tăng tất yếu này. Với diện tích chiếm đường, với lượng xăng dầu bình quân 100 km, cùng với lượng khí thải cao gấp nhiều lần xe máy, việc lọc khử khí độc không được làm chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế... thì nguy cơ ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường sẽ rất cao. Đó là chưa nói tới nơi đỗ xe. Những chung cư cao tầng, những cửa hàng, siêu thị, ngân hàng, các cơ quan lớn, kể cả những nơi mới xây dựng gần như không có tầng hầm cho xe ô tô đỗ. trong khi tỷ lệ đất dành cho đường giao thông ở đô thị, ngay ở các đô thị lớn, đô thị mới còn rất thấp, chỉ có 6-7%, bằng một phần ba, một phần tư so với tỷ lệ tương ứng của nhiều nước. Đặc biệt tới đây, khi hàng rào thuế quan nhập khẩu theo cam kết hội nhập với các nước nói chung và về lĩnh vực xe máy, ô tô nói riêng sẽ bị hạ xuống còn rất thấp, khi mức sống của một bộ phận dân cư cao lên thì ô tô sẽ "tràn" vào nước ta với tốc độ cao hơn nữa.

Một nước có hệ thống đường giao thông thuộc loại ưu việt như Hàn Quốc, ở đó có cả tàu điện ngầm, đường sắt tốc độ cao... nhưng với số lượng ô tô lên đến trên 14 triệu chiếc/48 triệu dân, cũng bị ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm. Mật độ ô tô ở nước ta còn ít hơn nhiều mà gần như ngày nào cũng bị ùn tắc như thế này, khi cao lên gấp rưỡi, gấp đôi hiện nay thì nguy cơ sẽ ra sao ? Đường nào cho ô tô chạy và chỗ nào cho ô tô đỗ ?

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.