Cảm nghĩ từ chuyến bay đầu tiên đến Côn Minh

15/12/2005 13:37 GMT+7

Nói chuyến bay đầu tiên đến TP Côn Minh của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc là đúng cho cả tôi lẫn Vietnam Airlines. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã mở đường bay sang Bắc Kinh và Quảng Châu, hôm nay là Côn Minh và năm 2002 là Thượng Hải.

Không ai có thể chối cãi được là sau sự kiện 11/9 ở Mỹ, ngành hàng không của nhiều nước rơi vào tình thế lao đao, và kéo theo nó là du lịch, du lịch ít khách hẳn đi, có nước đã rơi vào thế bế tắc chưa biết lúc nào sẽ phục hồi được.

Ở nước ta, dù cho được một tổ chức tư vấn ở Hồng Kông gần đây xếp hạng nhất cho sự ổn định kinh tế xã hội ở châu Á - Thái Bình Dương, trước cả Trung Quốc, song không ai chủ quan được trước sự bấp bênh về phát triển kinh tế ở thế giới và trong khu vực.

Chúng ta mở đường bay mới đến nhiều nước, nhiều vùng lãnh thổ, kèm theo việc mở mang du lịch là hướng đi cần thiết cho tình hình này.

Thế nhưng mọi việc lại không dễ suôn sẻ nếu như chúng ta lại không tự sửa mình, những việc mà xưa nay nói mãi, vẫn cứ y như cũ.

Trong một cuộc họp báo của cơ quan hữu quan Việt Nam và Trung Quốc tại khách sạn Kunning, tôi ghi được mấy ý như sau từ ông Trịnh Bảo Quý, Cục phó Cục Du lịch Vân Nam và ông Lý Đạt Thành, Phó giám đốc một công ty du lịch lớn của Côn Minh:

- Vừa qua Chính phủ Trung Quốc đã công nhận Việt Nam là điểm du lịch thứ 15 của thế giới, mỗi năm Trung Quốc tiếp nhận 46 triệu du khách nước ngoài vào và khách Trung Quốc ra nước ngoài là 10 triệu, trong khi khách Trung Quốc vào Việt Nam năm 1999 chỉ có 600.000 lượt người. Tổng kết từ một công ty du lịch của Côn Minh thì khách Côn Minh vào Thái Lan 18.000 người/năm vào Việt Nam chỉ có 2.000 trong năm 1999.

Người ta lại đưa ra một con số về phí làm visa thôi, đủ để ta tiện suy gẫm: làm visa đi Thái Lan mất 110 nhân dân tệ (tiền Trung Quốc). Mã Lai 100 tệ, Singapore đi trong vòng 36 tiếng đồng hồ không cần visa, Hàn Quốc 120 tệ, chỉ tiêu 1 tour cho một người ở các nước Thái Lan: 18 USD, Mã Lai: 20 USD, Singapore: 23 USD. Ở Việt Nam, người ta phải đóng lệ phí visa cho lãnh sự ta là 50 USD mỗi người, tức khoảng 400 tệ (tiền Trung Quốc). Ông Lưu Thịnh Vũ, một phó giám đốc của một công ty du lịch khác ở Côn Minh khi trả lời các câu hỏi của chúng tôi, ông cho rằng lệ phí visa của ta quá cao, cho đến nay người nước ngoài đến Việt Nam vẫn phải chịu hai giá, điều mà Trung Quốc trước đây đã quyết tâm gạt bỏ cho du lịch phát triển và ông cho rằng sản phẩm du lịch của ta lại rất đơn điệu. Ông kể một du khách đi một tour du lịch từ Hà Khẩu sang Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh chỉ mua mỗi bánh đậu xanh 35 tệ, còn lại không biết mua thứ gì. Trong khi món ăn ở Việt Nam ta được xếp loại rất phong phú thì ông cho rằng trong những bữa ăn cho du khách chỉ toàn rau muống, thịt kho tàu, canh ngót là quá đơn điệu...

Tôi nghe những người có trách nhiệm đi trong đoàn thì bảo rằng Nhà nước ta quy định cho mỗi visa vào Việt Nam tối đa chỉ 25 USD, tại sao các cơ quan lãnh sự của ta lại áp dụng mức cao như vậy mà lại không nghĩ đến một quyền lợi lớn hơn là phát triển kinh tế du lịch trong nước. Theo tôi, đối với Trung Quốc ta chỉ cần áp dụng cỡ 100 tệ cho một visa, tức là xấp xỉ Thái Lan và Malaysia.Người ta cho rằng Vân Nam là một xứ lạnh không có biển. 45 triệu người Vân Nam thích đi Thái Lan là thích đi biển. Tôi cho rằng biển Việt Nam cỡ như Lăng Cô, Đà Nẵng, Ba Làng An, Mũi Né, Nha Trang, Bà Rịa làm thế nào Thái Lan sánh nổi. Thế nhưng các nhà du lịch Trung Quốc đáp lại rằng: toàn cảnh trình độ quản lý du lịch và hạ tầng cơ sở ở Thái Lan, môi trường du lịch ở Thái Lan tốt hơn thì tôi đành chào thua. Tất nhiên là có một lãnh đạo của một công ty du lịch Côn Minh còn "hé" ra là người ta muốn đến Thái Lan có phần vì du lịch "sex", nhưng tôi vẫn tin rằng điều đó không phải là cái chính để thu hút khách du lịch.

Trong chuyến bay đầu tiên đi và về đến Côn Minh trên máy bay A320 của Hàng không Việt Nam, ngoài khách mời tôi còn thấy khách đăng ký mua vé rất cao, có thể nói là kín ghế. Tôi nghĩ nếu chúng ta kịp điều chỉnh những gì khách du lịch và các nhà tổ chức du lịch nước ngoài phàn nàn thì khả năng ta thu hút khách sẽ cao hơn rất nhiều và kim ngạch thu nhập từ du lịch sẽ rất có ý nghĩa đối với nền kinh tế nước ta.

Song, tôi vẫn cứ thắc mắc, có những việc sai dễ thấy như ban ngày ở nhiều lĩnh vực quản lý như vậy, tại sao ta quá chậm sửa chữa và các trách nhiệm ở đó được quy cho ai, đến nay cũng chẳng rõ.

Nguyễn Sơn Trà
(Thanh Niên 13/11/2001)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.