Thấy gì từ cổ đông chiến lược của Bảo Việt ?

14/09/2007 22:20 GMT+7

Tối 13.9, Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) đã chính thức tổ chức lễ công bố cổ đông chiến lược nước ngoài và cổ đông chiến lược trong nước. Với sự kiện này, quá trình phát hành cổ phần lần đầu của Bảo Việt coi như đã hoàn tất nhưng những vấn đề của việc phát hành thì dường như vẫn chưa kết thúc.

HSBC Insurance - công ty con 100% vốn của Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC) đã được chọn để trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài duy nhất của Bảo Việt với tỷ lệ mua là 10% vốn điều lệ. HSBC Insurance được mua khoảng 57,302 triệu cổ phiếu Bảo Việt với tổng giá trị bằng tiền là 4.121 tỉ đồng (tương đương với 255 triệu USD). Theo hợp đồng được ký giữa Bảo Việt và HSBC Insurance, HSBC Insurance sẽ là cổ đông chiến lược nước ngoài duy nhất tại Bảo Việt và cam kết sẽ giữ cổ phần của Bảo Việt trong thời hạn tối thiểu là 5 năm. Trong thời gian này, HSBC Insurance sẽ có quyền chọn mua thêm 8% cổ phần của Bảo Việt từ Bộ Tài chính theo giá thị trường vào thời điểm đó. Thêm vào đó, HSBC sẽ có quyền mua thêm cổ phần do Bộ Tài chính nắm giữ, phụ thuộc vào tổng số cổ phần HSBC được giữ là 25% trong vòng 5 năm đầu của hợp đồng và giới hạn sở hữu của nước ngoài đang được áp dụng. Quyền chọn mua và quyền mua thêm của HSBC phụ thuộc vào một số điều kiện và giới hạn nhất định.

Mức giá mà HSBC Insurance và Vinashin mua cổ phần của Bảo Việt là mức giá đấu thành công bình quân thực tế 71.918 đồng/cổ phiếu nhưng vào thời điểm hiện nay, trên thị trường OTC, giá giao dịch của Bảo Việt được thông báo là từ 64.000-65.500 đồng/cổ phiếu.

Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là cổ đông chiến lược trong nước của Bảo Việt với tỷ lệ mua là 3,56% vốn điều lệ với tổng giá trị bằng tiền là 1.467 tỉ đồng (tương đương với hơn 90 triệu USD). Như vậy, tính tổng toàn bộ đợt IPO (bán đấu giá và bán cho cổ đông chiến lược), Bảo Việt đã thu về hơn 9.100 tỉ đồng.

Theo ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo Việt thì quá trình IPO của Bảo Việt đã thành công tốt đẹp dù có gặp phải những khó khăn nhất định như các nhà đầu tư đã đấu giá thành công bỏ cọc rất nhiều. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia về chứng khoán, quá trình IPO của Bảo Việt chứa đựng nhiều vấn đề mà các tổ chức tài chính ngân hàng lớn của Việt Nam khi tiến hành cổ phần hóa cần phải lưu ý.

Trước tiên đó là tỷ lệ bán cho cổ đông chiến lược, nếu như trước đây, gần 30% số lượng cổ phần Bảo Việt đem đấu giá bị bỏ cọc sau khi đấu giá thành công thì việc bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược cũng có những kết quả tương tự. Bảo Việt dự kiến bán 18% cho đối tác chiến lược nước ngoài nhưng đối tác được chọn cũng chỉ mua 10%, các cổ đông chiến lược trong nước gần như đã được chốt là 3, cuối cùng cũng chỉ duy nhất có Vinashin. Về vấn đề này, trả lời tại cuộc họp báo khá ngắn sau lễ ký kết, ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa Bảo Việt - chỉ nói ngắn gọn: "Có nhiều nhà đầu tư chiến lược quan tâm đến việc trở thành cổ đông của Bảo Việt. Nhưng cuối cùng thì Bảo Việt cũng chọn được 2 cổ đông chiến lược một trong nước và một nước ngoài như quý vị thấy trong buổi lễ ký kết ngày hôm nay. Quá trình bán cổ phần lần đầu của Bảo Việt như vậy đã kết thúc".

Ngoài việc bán không hết số cổ phần dự kiến, tiến trình IPO của Bảo Việt còn gặp vấn đề về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn tại Việt Nam nói: "Việc buộc các nhà đầu tư chiến lược phải mua với giá tối thiểu là giá của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước đấu giá lần đầu là không hợp lý. Họ phải mua với khối lượng rất lớn, buộc phải giữ trong thời gian rất dài mà không được bán. Thêm vào đó, cổ đông chiến lược nước ngoài lại phải đưa ra các trợ giúp về chiến lược, quản lý mà lại được đối xử về giá ở mức tốt nhất là bằng với mức giá đấu bình quân thì không phải là một quy định hấp dẫn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lượng nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có hứng thú với Bảo Việt giảm đi nhiều".

Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, ông Clive Bannister, Tổng giám đốc điều hành Bảo hiểm của HSBC Holdings plc, không có bình luận gì mà chỉ nói: "Đây là một quy định được đặt ra bởi Bộ Tài chính và đơn giản là chúng tôi phải tuân theo".

Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.