Chất vấn Thủ tướng về chống tham nhũng, PCI, hỗ trợ nông dân...

19/11/2009 12:18 GMT+7

(TNO) Lúc 11 giờ trưa nay, phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết thúc. Các vấn đề nóng như chống tham nhũng, vụ PCI, bất cập trong hỗ trợ nông dân, cải cách hành chính được các đại biểu đem ra đối thoại thẳng thắn. >> Toàn văn báo cáo giải trình của Thủ tướng

>> Các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn: “Bệnh di căn” chạy chức chạy quyền
>> Cam kết giúp nông dân không bị ép giá
>> Thống đốc lúng túng với ngoại tệ và nông dân
>> Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông: Sóng di động không gây hại cho sức khỏe

Sau khi đọc 24 trang báo cáo giải trình và trả lời chất vấn, lúc 9 giờ 51 phút sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu nghe và trả lời chất vấn trực tiếp.

Quyết liệt chống tham nhũng

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) mở đầu: Tình trạng tham nhũng lãng phí chưa bị đẩy lùi, lại có xu hướng gia tăng. Tôi thấy Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu không quyết liệt như hồi mới thành lập, Thủ tướng nghĩ sao về điều này? 

Thủ tướng trả lời: Công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được một số kết quả, ý chí chống tham nhũng trong toàn Đảng, toàn dân đã được nâng cao. Chúng ta đã từng bước hoàn thiện thể chế, xử lý các vụ việc tham nhũng một cách quyết liệt. Tuy nhiên, theo nhận định chung, tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Ngay khi xác định vấn đề này, Đảng ta đã khẳng định đấu tranh chống tham nhũng là phải kiên trì, áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp như hoàn thiện thể chế pháp luật, nâng cao đời sống cán bộ, công khai minh bạch… Tôi đề nghị toàn Đảng, toàn dân cùng góp sức chống tham nhũng.

Về Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, chúng tôi đã kiểm điểm, thấy đã làm được nhiều việc, nhưng chúng tôi còn phải tiếp tục triển khai một cách quyết liệt. Các vụ việc được phát hiện, chúng tôi đã yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm theo pháp luật. Ban chỉ đạo ở địa phương, có nơi mới vừa thành lập, mới kiện toàn. Trong quá trình hoạt động, để đem lại kết quả ngày càng cao hơn, còn phải cố gắng nhiều hơn.

ĐB Lê Văn Cuông tiếp tục chất vấn: Thưa Thủ tướng, có mâu thuẫn gì về chất lượng hoạt động không khi mà ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh cũng là Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng địa phương, có lo ngại cho rằng quy định thế này là vừa đá bóng vừa thổi còi?

Thủ tướng cho biết, việc này đã được thảo luận kỹ, ban này ở địa phương mới hình thành, thời gian chưa nhiều, phải chờ tập hợp thông tin, tổng kết kinh nghiệm. Còn như thế nào là đá bóng, như thế nào là thổi còi, tôi cho rằng cái này còn phải bàn thêm. Chủ tịch tỉnh phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, trong đó có việc đấu tranh chống tham nhũng.C

Phối hợp điều tra vụ in tiền polyme

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Vừa qua có một số vụ việc liên quan hành vi tham nhũng có yếu tố nước ngoài, trong đó có vụ PCI. Với những vụ việc như thế này, Chính phủ sẽ chỉ đạo như thế nào?

 
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Thủ tướng: Phía Nhật xử lý một số cán bộ của Công ty PCI của Nhật, có liên quan đến một dự án của VN, đó là Đại lộ Đông Tây - TP.HCM. Khi được thông tin này, các cơ quan chức năng của chúng ta đã tìm hiểu, phối hợp với phía Nhật theo đúng pháp luật của VN. Những gì chúng ta đã điều tra, có chứng cứ theo pháp luật VN, chúng ta đã xét xử theo pháp luật VN. Đồng thời, chúng ta cũng yêu cầu phía Nhật cung cấp chứng cứ mà phía bạn có. Phía Nhật đã chuyển hồ sơ xét xử. Các đồng chí nói gặp khó khăn về kinh phí dịch thuật, tôi đồng ý cấp kinh phí, yêu cầu phải dịch thuật cho chuẩn xác. Xét xử phải làm đúng người, đúng tội, không oan, không sót. Không thể lấy chứng cứ của phía bạn để xử, vì phải căn cứ theo pháp luật VN để xét xử.

Đối với những vụ việc có thông tin từ bên ngoài, với việc đưa hối lộ cho quan chức nào đó của VN, chúng tôi đều quan tâm, yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp với phía bạn để xem xét, thu thập tài liệu.

Có báo chí đưa tin về việc doanh nghiệp Úc đưa hối lộ cho cán bộ VN để in tiền VN. Tôi đã yêu cầu cơ quan chức năng nắm tình hình, kiểm tra vấn đề này, đồng thời giao cho Bộ Ngoại giao làm việc với phía bạn, phía bạn cũng trả lời với Bộ Ngoại giao ta là Úc đang điều tra, khi nào có kết quả sẽ thông báo. Đảng, Chính phủ rất quan tâm, nghiêm túc và kiên quyết chống các biểu hiện tham nhũng, yêu cầu làm đúng pháp luật, đúng người đúng tội.

Có ý kiến cho rằng các vụ việc điều tra án tham nhũng bị chậm, là Trưởng ban chỉ đạo, trước các vụ việc điều tra xử lý chậm tôi cũng sốt ruột, nhưng khi nghe các đồng chí ngành chức năng báo cáo, tôi vẫn phải chỉ đạo cần làm đúng pháp luật, làm nghiêm nhưng không được oan sai.

Kỷ luật hành chính chưa nghiêm

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Tôi thấy tình trạng kỷ cương hành chính không nghiêm, trên bảo dưới không nghe. Đề nghị cho biết tại sao Thủ tướng không thực hiện hết quyền được giao, trong đó có việc thực hiện miễn nhiệm lãnh đạo UBND tỉnh nếu có sai phạm? Thủ tướng gặp khó khăn gì, hay Thủ tướng ngại không xử lý cán bộ cấp dưới có sai phạm?

Thủ tướng: Kỷ luật hành chính là một quá trình phấn đấu, nếu Nhà nước này mà không có kỷ cương hành chính, thì ta không đạt được thành tựu như thời gian vừa qua. Nhưng bên cạnh cái tốt đa số, vẫn còn một bộ phận việc này việc khác còn chưa nghiêm, chưa tốt. Ta phải tiếp tục phấn đấu. Xử lý kỷ luật phải làm theo quy trình. Theo quy định thì Thủ tướng có quyền như thế, nhưng phải xử lý từng vụ việc theo trình tự của pháp luật, của Đảng. Thủ tướng cũng như Chính phủ phải làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng cả đời thủ tướng không kỷ luật cán bộ nào, kể cả cấp xã. Tới nay, tôi nhớ là tôi cũng chưa xử lý kỷ luật đồng chí nào.

Quy hoạch thủy điện phải căn cứ vào biến đổi khí hậu

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Thưa Thủ tướng, trong năm vừa qua chúng ta mất nhiều rừng, nhưng Thủ tướng chưa kỷ luật ai? Khi nào Thủ tướng thực hiện cái này? Tôi thấy thủy điện A Vương không làm hết trách nhiệm trong đợt lũ vừa qua, Thủ tướng nghĩ gì về điều này, chúng ta có nên mở cuộc điều tra?

Thủ tướng: Thủy điện là một tiềm năng lớn của nước ta, ta cần phát huy, khai thác. Khi quy hoạch thủy điện, tôi luôn đặt ra yêu cầu vừa đảm bảo phát điện, cung cấp nước, tham gia vào cắt lũ, giảm lũ cho hạ lưu. Kết quả đem lại của các dự án thủy điện là rất rõ. Nhưng qua kiểm nghiệm từ thực tiễn, quá trình này chúng tôi cũng thấy, biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra, có cái ta chưa lường hết được, chưa dự báo hết được. Có những trạm thủy văn đặt ở vị trí lũ lịch sử trước đây không tới, nhưng vừa qua đã bị cuốn trôi.

Trước tình hình đó, chính tôi đã chỉ đạo ba điều: Một là rà soát lại quy hoạch thủy điện vừa và lớn trên các hệ thống sông, xem cái nào phù hợp, cái nào chưa phù hợp so với thực tế khí hậu, thủy văn hiện nay.

Thứ 2, Bộ Công thương cũng đã ban hành một bộ tiêu chí để xem xét các dự án đầu tư thủy điện, chúng tôi cũng yêu cầu qua thực tiễn rà soát lại cái này.

Thứ 3, đối với một dự án thủy điện hay một hồ chứa nào cũng có một quy trình vận hành. Chúng tôi cũng yêu cầu rà soát để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thiên tai, khí hậu biến đổi hiện nay. Quan điểm là khi có lũ thì việc xả lũ từ hồ chứa, ít nhất là không được làm cho lũ mạnh thêm so với lũ tự nhiên. Khu vực nào có nhiều hồ chứa, thủy điện thì phải làm quy trình vận hành liên hồ chứa. 

ĐB Nguyễn Đình Xuân tiếp: Chúng ta có rất nhiều mục tiêu, vừa giữ rừng vừa làm thủy điện, vừa trồng cao su, khai khoáng… Theo tôi, Chính phủ phải chọn một số mục tiêu cốt lõi để định hướng phát triển, không thể đặt ngang hàng nhau vì nhiều mục tiêu xung đột? 

Thủ tướng: Chúng ta phải luôn chọn mục tiêu có lợi ích tổng hợp. Ví dụ, giữa giữ rừng và trồng cao su, cà phê: Ta cần rừng để đảm bảo độ che phủ, phấn đấu đến 2020, ta có tỷ lệ che phủ khoảng 45% (nay là khoảng gần 40%). Nhưng quy hoạch ở nơi nào, diện tích nào để đạt chỉ tiêu đó. Bây giờ quy hoạch là ba loại rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng kinh tế. Khi quy hoạch phải tính hiệu quả tổng hợp. Nếu ở nơi có chất đất phù hợp với cây cao su thì nên chọn trồng rừng cao su, còn nơi khác sẽ thành rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Chúng ta đang kiểm soát được quá trình này, cái gì chưa phù hợp thì ta điều chỉnh. Phát triển cây công nghiệp mà ta có lợi thế, ta có điều kiện, tại sao ta không làm? Khi lựa chọn phải lựa chọn lợi ích tổng hợp, lợi ích có lợi nhất, hạn chế tốt nhất mặt trái của nó.

Hỗ trợ nông dân mua máy móc

ĐB Lê Thị Dung (An Giang) chất vấn: Quyết định 497 được coi là gói hỗ trợ nông dân, nhưng khi thực hiện người dân bị sốc, điều kiện cho vay mua máy móc rất khắt khe. Dân không mua được máy móc vì không tìm thấy nhiều máy móc của VN. Thủ tướng nhận xét gì về công tác tham mưu cho Thủ tướng ra chính sách của các Bộ trưởng?

Thủ tướng: Các chính sách hỗ trợ để đạt mục tiêu tổng hợp, vừa đảm bảo an sinh xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế… nhưng trong chính sách đó, trong nội dung và cách tổ chức thực hiện có cái chưa phù hợp, chưa tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện.

Về quyết định 497 hỗ trợ nông dân mua máy móc để sản xuất nông nghiệp, đúng là chúng tôi kiểm điểm thì thấy rằng: Ngay từ đầu năm chưa tính đến chuyện này. Sau đó, cuối tháng 4.2009 mới ban hành quyết định này. Sau khi có quyết định cần sự hướng dẫn của các bộ về tỷ lệ nội địa hóa, về điều kiện cho vay… Đến tháng 8, Bộ Công thương mới có hướng dẫn. Chúng tôi cho soát lại thấy một số điều kiện chưa được phù hợp. Sắp tới, chúng tôi sẽ có sửa đổi, bổ sung điều chỉnh để quyết định 497 được thực hiện một cách có hiệu quả thực tế hơn.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.