Biên giới Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu “nóng” lên

20/10/2007 23:35 GMT+7

Lãnh đạo khu vực người Kurd ở miền bắc Iraq hôm 19.10 đã tuyên bố chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào của Thổ Nhĩ Kỳ sang lãnh thổ của họ. Diễn biến trên làm tăng mối lo ngại rằng hành động của Ankara có thể gây ra một cuộc xung đột rộng hơn trong vùng.

Hôm 16.10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua nghị quyết cho phép tiến hành các chiến dịch quân sự xuyên biên giới với Iraq để triệt phá các căn cứ của các tay súng người Kurd thuộc tổ chức PKK ở miền bắc Iraq. Hành động trên của cơ quan lập pháp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đến hàng loạt cuộc phản đối quy mô lớn của người Kurd ở Iraq, những lời kêu gọi kiềm chế của Mỹ và Iraq, và những lo ngại về hành động của Ankara vốn đã đẩy giá dầu lên đến mức kỷ lục. Trong tuyên bố đưa ra không lâu sau khi giới chức Mỹ tuyên bố các lực lượng Mỹ và Iraq có thể tham gia truy quét PKK, ông Massoud Barzani, người đứng đầu vùng Kurdistan ở Iraq, khẳng định: "Chúng tôi nói thẳng với tất cả các bên: nếu họ tấn công Kurdistan bằng bất kỳ cớ gì, chúng tôi sẽ sẵn sàng bảo vệ cho thực tế dân chủ của chúng tôi, danh dự của người dân chúng tôi và sự bất khả xâm phạm đối với tổ quốc của chúng tôi". Theo Hãng tin BBC, ông Barzani bác bỏ những lời buộc tội rằng chính quyền của ông che chở cho PKK.

PKK hiện bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Hãng tin Tân Hoa Xã, khoảng 3.000 tay súng của PKK đang ẩn náu ở miền bắc Iraq. PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU liệt vào danh sách khủng bố, đã bắt đầu chiến dịch vũ trang đòi quyền tự trị ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1984 và từ đó đến nay đã có hơn 3.000 người bị thiệt mạng. Ankara buộc tội giới chức người Kurd ở Iraq đã làm ngơ trước sự hiện diện của PKK ở miền bắc Iraq. Phản ứng lời buộc tội này, Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari, một người Kurd, tuyên bố hôm 18.10 rằng Baghdad sẵn sàng gia tăng sức ép lên PKK, nhưng phát biểu này không làm hài lòng Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng tin AP dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định hôm 19.10: "Các trại PKK phải bị xóa sổ và thủ lĩnh của tổ chức này phải bị dẫn độ. Điều đó sẽ làm thỏa mãn mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ".

Ông Barzani cho biết người Kurd ở Iraq không phải chịu trách nhiệm về xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ với PKK và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán trực tiếp với chính quyền tự trị Kurdistan. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Cemil Cicek đã bác bỏ lời kêu gọi này, khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ chỉ làm việc với chính phủ trung ương ở Baghdad.

Theo giới quan sát, trong thực tế bất kỳ nỗ lực nào giải quyết vấn đề PKK cuối cùng cũng phải thông qua chính quyền Kurdistan nhưng đây là điều Ankara khó lòng chọn lựa. Bất kỳ cuộc thương thuyết trực tiếp nào với chính quyền Kurdistan sẽ đồng nghĩa với việc ngầm chấp nhận rằng người Kurd ở Iraq có sự tự trị mà PKK đang tìm kiếm ở Thổ Nhĩ Kỳ. PKK đã thề không rời khỏi miền bắc Iraq và không ngại đối đầu với Ankara, nay chính quyền Kurdistan tuyên bố sẵn sàng tự vệ nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào lãnh thổ của họ. Chắc chắn Ankara sẽ phải có đối sách mới. 

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.