Thư bạn đọc tuần qua (24-30/10)

30/10/2006 11:09 GMT+7

Nhân Hội nghị APEC tổ chức tại Việt Nam, mời các nguyên thủ quốc gia đi tham quan ở những địa điểm du lịch nổi tiếng của đất nước để quảng bá cho du lịch nói riêng và cho đất nước Việt Nam nói chung, "biết sẽ rất khó khăn trong vấn đề bảo đảm an ninh, công tác phục vụ v.v…”, nhưng đây chính là cơ hội để chúng ta khẳng định mình. Đó là nộI dung một trong những bức thư điện tử gửi đến Thanh Niên Online trong tuần qua, chủ nhân bức thư ký tên Trần Nguyên Vũ, ở số ĐT 0985880962. Dưới đây là nhiều nội dung khác mà bạn đọc có phản hồi:

Theo dự kiến, cuối năm 2007 sẽ bắt đầu lưu hành mẫu giấy chứng minh nhân dân (CMND) mới. Trong mẫu CMND mới này sẽ có cả dòng thông tin về họ tên cha và mẹ. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI, khi bàn về vấn đề này, nhiều đại biểu đã tỏ ý không nhất trí với việc đưa dòng thông tin trên vào giấy CMND. Rất nhiều người dân cũng có ý kiến tương tự, với nhiều lý do khác nhau:

Luật sư Cao Bá Trung (24/463 Đội Cấn, Hà Nội): Tôi đồng ý với quan điểm của đại biểu Nguyễn Đình Lộc. CMND chỉ là một giấy tờ của cá nhân. Việc ghi họ tên bố mẹ trong đó không có tác dụng gì và trong một số trường hợp có thể tạo ra sự phân biệt đối xử cũng như tạo ra sự mặc cảm của những người phải xuất trình CMND khi họ không có cha mẹ hoặc cha mẹ có những hành vi vi phạm pháp luật... Ngoài ra, việc thay đổi mẫu CMND còn gây tốn kém rất nhiều tiền của của nhân dân. Vì vậy, tôi cho rằng mẫu CMND với những thông tin như hiện tại là hợp lý.

Phuong Nam (1C5-8 Sky Garden 1 Phú Mỹ Hưng, TP.HCM): Hiện nay giấy CMND mà mọi công dân Việt Nam đang sử dụng có một số điểm cần phải thay đổi: Kích thước quá lớn, không bỏ vừa các loại bóp, ví thông dụng; chất liệu quá sơ sài, dễ bị hư hỏng hoặc làm giả. Vì vậy, theo tôi nên làm CMND bằng thẻ từ với kích thước phù hợp, tiện mang theo người. Thông tin trên giấy CMND là thông tin cá nhân.

Lê Tiến Trung (105 ngõ 2 Đại Từ, Hà Nội): Tôi thấy việc đề xuất ghi tên cha mẹ lên CMND là không cần thiết, vì CMND là giấy tùy thân thì chỉ nên hiển thị thông tin cá nhân. Mặt khác nó sẽ gây một sự phiền toái về tâm lý đối với những người không có đủ thông tin để điền vào dòng thông tin này. Theo tôi, cứ thực hiện tốt những quy định như hiện tại là tốt rồi, không cần thay đổi vừa mất thời gian vừa lãng phí tiền bạc.

Nguyễn Linh <linhmieu@yahoo.com>: Nếu cần thiết phải thay mẫu mới thì ngành Công an nên bắt đầu sử dụng cho những người mới làm CMND hoặc những người phải thay đối CMND khi hết hạn sử dụng, không nên thay đồng loạt gây phiền hà và lãng phí thời gian và tiền bạc của dân. Những thông tin cá nhân ghi trên CMND hiện hành là rất đầy đủ rồi, không nên ghi tên cha mẹ lên CMND.
 
Nghia Nguyen <darknessbarron@yahoo.com>: Theo tôi, việc đổi mới một mẫu giấy tờ gì đó, nhất là giấy tờ hành chánh, quản lý thì việc thay đổi đó nhất thiết phải mang lại sự thuận tiện, dễ dàng cho người sử dụng và kể cả người quản lý. Vậy tại sao lại phải đặt ra giấy CMND mới với đầy đủ các thông tin "không phải là cá nhân" nữa? Điều này sẽ tạo ra rất nhiều phiền toái mà không biết là cơ quan quản lý có lường trước được? Và nhất là tác dụng của những thông tin đó phục vụ cho mục đích gì? Một vấn đề nữa là nguyên quán trên giấy tờ tùy thân. Đó là lấy theo nguyên quán của cha. Lấy ví dụ, cha tôi nguyên quán là ở Huế, nhưng gia đình ông đã vào miền Nam ngay từ nhỏ. Và trên giấy CMND của ông ghi nguyên quán là ở Huế. Và tôi sinh ra ở miền Nam, và hoàn toàn chưa biết Huế là gì. Nhưng trong giấy CMND của tôi vẫn ghi là ở Huế. Và trong tương lai, con của tôi vẫn cũng sẽ được ghi nhận nguyên quán ở Huế. Và sẽ còn nhiều thế hệ khác nữa. Tôi thấy có điều gì bất hợp lý ở đây.

Nhân kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI đang diễn ra, bạn Nguyễn Trung Lập (Đại học Duy Tân, TP Đà Nẵng) đã có thư đến Thanh Niên, nêu ra một vấn đề có lẽ đã từng gây bức xúc trong dư luận bởi những hậu quả đáng tiếc, đó là vấn đề làm thế nào để giảm tai nạn lao động trong xây dựng cũng như bảo đảm an toàn cho người sử dụng các công trình xây dựng. Thư bạn Lập viết: "Điều gì đang xảy ra trong các công trình xây dựng? Tôi thật sự kinh hoàng khi biết được rằng, một căn nhà 4 tầng đang thi công lại đổ sụp hoàn toàn và gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng (7 người chết và 9 người bị thương). Thật là một tai nạn quá thương tâm, gây tổn hại về tinh thần cho rất nhiều gia đình. Qua tai nạn này một lần nữa phản ánh kỷ luật an toàn trong lao động lại chưa được quan tâm đúng mức hay nói đúng hơn là còn quá coi thường các biện pháp an toàn lao động... Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp cụ thể, kể cả chế tài nặng để những người liên quan thực hiện tốt kỷ cương trong xây dựng".

Là một khán giả yêu thể thao, đặc biệt là môn bóng chuyền, bạn Nguyễn Đen (Văn phòng HĐND-UBND huyện Năm căn, tỉnh Cà Mau) qua Thanh Niên muốn chuyển đến các cơ quan phát thanh truyền hình ý kiến về việc tuyên truyền nhiều hơn nữa cho bộ môn thể thao này: "Hiện nay môn bóng chuyền là một trong những môn thể thao được nhiều người hâm mộ, nhưng thời lượng truyền hình trực tiếp thì còn rất ít. Môn bóng chuyền là một trong những môn thể thao hay và thi đấu trên nền tảng kỹ thuât, vì vậy, để đáp lại nhu cầu hưởng thụ của khán giả cũng như những ai đam mê bộ môn bóng chuyền như chúng tôi, mong rằng môn thể thao bóng chuyền sẽ được truyền hình trực tiếp nhiều hơn nữa qua các giải đấu".

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.