Chi phí tìm kiếm máy bay MH370 đắt đỏ nhất lịch sử thế giới

28/03/2014 09:34 GMT+7

(TNO) Các chuyên gia cho biết các quốc gia sẽ tiêu tốn hàng triệu USD cho công tác tìm kiếm máy bay MH370 mất tích của hãng Malaysia Airlines, đắt nhất lịch sử thế giới.

>> Vệ tinh Thái phát hiện 300 vật nghi là mảnh vỡ máy bay MH370 ở Ấn Độ Dương
>> FBI sắp phân tích xong dữ liệu liên quan đến MH370

Chi phí công tác tìm kiếm MH370, có thể gấp 10 lần số tiền các nước đã bỏ ra để tìm kiếm máy bay của hãng Air France (Pháp) rơi ở Đại Tây Dương hồi 2009, lên đến khoảng hàng trăm triệu USD, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 28.3 dẫn lời các chuyên gia cho biết.

Pháp và Brazil đã chi trên 40 triệu USD trong vòng 2 năm để tìm kiếm và trục vớt hộp đen máy bay Airbus A330 của Air France.

Các quan chức hai nước này ngưng tìm kiếm sau khi chỉ tìm được 50 thi thể trong số tổng số 228 người trên máy bay Airbus A330.

Nhà hải dương học Zhao Chaofang, thuộc Đại học Hải Dương Trung Quốc, ước tính chi phí tìm kiếm MH370 gấp 10 lần chi phí tìm kiếm máy bay của Air France, tức khoảng 400 triệu USD.

Ông Zhao ước tính cần khoảng 200 triệu USD/năm mới đủ duy trì công tác tìm kiếm máy bay Boeing 777-200 (MH370), chở 239 người, mất tích kể từ ngày 8.3.

Malaysia tuyên bố MH370 rơi xuống vùng biển nam Ấn Độ Dương và không có ai trên máy bay sống sót.

Một nhà nghiên cứu giấu tên khác thuộc Đại học Hàng không Dân dụng Trung Quốc cũng đồng tình với ý kiến của ông Zhang, cho rằng chi phí tìm kiếm MH370 cao hơn nhiều so với chi phí tìm máy bay của Air France.

Đến nay đã có trên 27 quốc gia cùng chính quyền Malaysia tiến hành công tác tìm kiếm MH370, hãng tin AP (Mỹ) dẫn lời các quan chức Malaysia.

Nhưng các chuyên gia cho biết họ vẫn không rõ quốc gia nào sẽ chi trả hết tất cả chi phí công tác tìm kiếm MH370.

Theo các chuyên gia, hiện không có nghị định hay văn kiện quốc tế nào quy định về việc chia sẻ chi phí tìm kiếm trong các vụ tai nạn hàng không.

Ông Oh Ei Sun, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Singapore, cho biết về mặt lý thuyết thì quốc đứng đầu công tác điều tra (tức Malaysia) sẽ phải trả hết chi phí tìm kiếm.

Nhưng trong thực tế, các quốc gia tham gia tìm kiếm thường hay hỗ trợ chi phí tìm kiếm nhằm thể hiện thiện ý, theo ông Sun.

Công tác tìm kiếm máy bay MH370 tiếp tục vào ngày 28.3, sau khi vệ tinh Thái Lan và Nhật Bản phát hiện hàng loạt vật thể trên vùng biển nam Ấn Độ Dương, nghi là mảnh vỡ của MH370.

Vệ tinh Nhật phát hiện 10 vật thể ở nam Ấn Độ Dương

Vệ tinh Nhật Bản phát hiện khoảng 10 vật thể tại vùng biển nam Ấn Độ Dương, cách thành phố Perth (Úc) 2.500 km về phía tây nam, nghi là của máy bay MH370 mất tích.
Trung tâm Vệ tinh tình báo nội các Nhật Bản cho biết các vệ tinh chụp được ảnh các vật thể nói trên vào ngày 26.3, trong đó vật thể lớn nhất có chiều dài 8 m và ngang 4 m, theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản) ngày 28.3.

Một nguồn tin chính phủ Nhật cho Kyodo biết những vật thể này có thể là mảnh vỡ máy bay Boeing 777-200 (MH370) thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines, chở 239 người, mất tích kể từ ngày 8.3.

Hãng tin Jiji (Nhật Bản) dẫn lời một quan chức chính phủ Nhật giấu tên cho rằng các vật thể này “có khả năng rất cao” là mảnh vỡ máy bay MH370.

Nhật Bản đã cung cấp các hình ảnh vệ tinh này cho chính quyền Malaysia.

AFP cho biết, công tác tìm kiếm máy bay MH370 tiếp tục vào ngày 28.3. MH370 được Malsaysia công bố là rơi xuống vùng biển nam Ấn Độ Dương và không ai sống sót. (Phúc Duy)

Phúc Duy

>> Trung Quốc bị nghi tham gia tìm kiếm MH370 để do thám nước khác
>> Một hãng luật Mỹ khởi kiện Malaysia Airlines và Boeing vì chuyến bay MH370
>> Vệ tinh Pháp phát hiện thêm 122 vật tình nghi là mảnh vỡ MH370
>> Đau lòng cảnh ngộ hai con trẻ của cặp vợ chồng trên chuyến bay MH370

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.