Một ngày làm người Dao

15/11/2009 13:41 GMT+7

Đúng lúc chuyển thu sang đông, tiết trời heo may, các bạn trẻ Lạng Sơn đang sinh hoạt trên Diễn đàn Langsơn.name tổ chức một buổi phượt về nguồn, lên với vùng núi đá cheo leo trên đỉnh núi Mẫu và muốn ba cùng với người bản địa.

Càng lên cao, tiết trời càng lạnh. Gió rì rào. Con đường nhỏ thó như vệt rắn bò vắt ngang lưng núi, ngược về mạn Đông Bắc Tổ quốc. Ai nấy đều nai nịt gọn gàng, lỉnh kỉnh đồ nghề, nhất là những người có máu sáng tác ảnh nghệ thuật.

Vượt qua những đoạn đường ổ voi, ổ trâu, rồi những đèo, dốc núi đá ngược đứng, gần trưa thì tới thôn Cốc Chanh (xã Công Sơn, Cao Lộc, Lạng Sơn). Nhờ có sự giới thiệu của Huyện Đoàn Cao Lộc nên các bạn đoàn viên, thanh niên bản địa đã chờ sẵn ở đầu bản.

Bí thư Đoàn xã, Hoàng Phúc Liêm, cười tỏa nắng khe miệng, chiếc răng bịt vàng lóe lên. Chợt thấy, một con lợn nặng chừng 50 kg đã được làm lông sạch sẽ, nhồi lá mác mật chật bụng. Lúc này, nắng rực rỡ trên đỉnh núi Cha. Các đoàn viên người dân tộc Dao tíu tít ở dưới bếp. Các món ăn, từ sản phẩm bụng con lợn rừng đang tỏa mùi thơm. Nồi cháo ngô đặc sản sực mũi...

 

Gà sáu cựa  

Hai cô gái miền xuôi tên là Mi và Thiên Hương được cụ già người Dao tên là Múi Phẩy dẫn sâu vào trong buồng, hướng dẫn cách mặc áo, quần, đội khăn, thắt lưng. Già Phẩy giải thích, bộ quần áo này do tự tay bà làm từ thời con gái. Ngày ấy, chỉ bằng một cái kim và sợi chỉ màu ngũ sắc, không cần kẻ vẽ trước đã thể hiện được tình cảm và những gì vô cùng thân quen với cuộc sống thường ngày lên nền vải đen, chàm. Không kẻ vẽ và thêu mặt trái là kỹ thuật độc đáo của người Dao.

Già Phẩy còn thắt lưng cho hai cô gái Kinh bằng một cái dây màu trắng, hai đầu thêu hình cây mọc trên các lớp cỏ. Xong xuôi, già nói một tràng bằng thổ ngữ: Chập puân miền, đùa puân choong (Mười phần người thì chín phần đẹp do trang điểm).

Một số thanh niên người Kinh lần lượt khoác lên người những bộ quần áo vải thô, nhuộm chàm, xúng xính các tua xanh, đỏ ở ngực. Các cô gái Dao liếc trộm qua khe cửa, bình phẩm các chàng trai tỏ vẻ đi đứng hùng dũng.

Ông Hoàng Phúc Sính, 68 tuổi, nhìn khắp lượt người, rồi nói: “Lên với Công Sơn, các cháu phải coi như người nhà. Bây giờ, ta đi nấu cơm nhé”. Chỉ chờ có vậy, đám thanh niên bản địa, khiêng con lợn ra góc nhà, bên cây nhãn cổ thụ, có đám than hồng để quay. Ba gian bếp cận kề nhau, cheo leo đậu lưng chừng đồi đỏ lửa, khói len vào trong lùm cây thâm u. Các bạn miền xuôi nhanh chóng nhập cuộc cùng chàng làng. Gái bản đi lấy nước dưới khe, hái rau rừng bên sườn núi.

 

Chế biến món ăn người Dao

Bí thư Đoàn xã, Hoàng Phúc Liêm, tiết lộ một bí quyết làm món rau muống luộc xanh, tươi non, bằng cách búng một tý dấm thơm vào nồi luộc rau. Tôi để ý thấy, các nàng mặc bộ đồ dân tộc định vào bếp để chế biến thức ăn, ngay lập tức bị các mế ngăn lại. Phong tục nơi đây, khi vào bếp, không được mặc bộ quần áo người Dao.

Thú vị nhất là món thịt lợn quay cả con, vàng, dậy mùi lá mác mật và mật ong rừng làm nức khứu giác du khách phương xa. Đặc biệt, ở thôn Cốc Chanh có loài gà rất quý, gà sáu cựa. Hôm nay, chủ nhà khoản đãi mọi người năm con gà trống đang ở độ ngon, mỗi con gần hai kg. Gà luộc vàng ươm, béo ngậy. Ông Hoàng Phúc Sinh chui vào cái tủ to dựng góc nhà, lấy ra ba chai rượu men lá Mẫu Sơn được nút bằng lá chuối, cười khà khà: “Mời các bạn trẻ hấp piu (uống rượu)”.

Ông giải thích rằng, trên đỉnh Công Sơn có cây pìng đia và say diệp. Đây là hai loại cây thường bò trên các cành cây cao trong rừng già, khi hái về phơi khô có mùi thơm rất dễ chịu, sau đó đem giã thành bột trộn với bột gạo, men giống vo viên rồi ủ lên men, tạo một hương vị rượu rất đặc trưng. Chỉ nghe đến vậy, các chén đồng loạt đầy rượu, cùng tiếng chúc tụng bằng tiếng Kinh, tiếng Dao xen lẫn, say mê.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Kiên Cường (Phó Chi hội Nhiếp ảnh Lạng Sơn), mắt đong đưa, tay cầm bát rượu sóng sánh có nhiều hạt như rượu ngọt, nói với một cô xinh xắn: “Rượu bỗng đấy. Uống vào trai khỏe mạnh, gái hồi xuân”. Vi Thị Thu Đạm, Trưởng ban Công tác Sáng tác, Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn nhiệt tình bảo: “Cho mình một hớp”. Ực một cái, mắt cô long lanh, miệng bảo “Ngon quá”.

Rượu đã mềm môi. Lúc này, già bản tên là Triệu Sáng Vảng cao hứng mời gọi: “Bây giờ, ai lảy cỏ với mình?”. Mọi người nháy mắt nhìn nhau. May thay, có hai sinh viên người Tày - Nùng đang học Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn hưởng ứng. Thanh niên bản địa cũng nhập cuộc, tạo nên một cuộc chơi hào hứng. Tiếng lảy cỏ vang vọng vách núi. Các chén rượu đầy ăm ắp để trước mặt. Ai thua, tự giác uống, không cần ép. Rượu ấm môi, lảy cỏ càng say mê.

Tình núi Mẫu Sơn

Dân tộc Dao là một trong 54 dân tộc anh em đang sống trên dải đất Việt Nam.

Dân tộc Dao có gần 500.000 người, phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng cao biên giới phía bắc Việt Nam như Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Hầu hết các nhóm người Dao đều thờ tổ tiên là Bàn Hồ. Một số ngành nghề thủ công của người Dao rất phát triển như dệt vải, rèn, mộc, làm giấy, ép dầu...

Tạm biệt Cốc Chanh, đoàn ngựa sắt, ngược con đường dốc thẳng đứng nối từ núi cha (Công Sơn) sang núi mẹ (Mẫu Sơn). Nắng vàng lan tỏa trong lòng thung, trập trùng núi, đồi. Chiều thanh tịnh. Xa xa là những thảm núi rừng xanh biếc. Từng nhóm người loáng một lát mất hút sau những cung đường tay áo, khuất sau dãy núi, đồi trập trùng chạy dọc dải biên giới Việt - Trung.

Bỗng nhiên, có đôi trai gái đi phía trước, khựng xe máy lại. Họ dắt tay nhau đến một đám cỏ rệ đường, bên mỏm núi chon von. Họ chỉ về một khoảnh ruộng hình trái tim màu vàng non, nổi lên giữa màu xanh đại ngàn ở một quả đồi mâm xôi ở phía xa. 

Khu núi Chân Mây hiện ra trước mắt. Có ai đó kêu lạnh. Đúng là nơi đây là một khu nghỉ dưỡng lý tưởng với khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm 15,6 độ C. Mẫu Sơn có độ cao trên 1.541 mét so với mực nước biển, nằm trên địa bàn ba xã Công Sơn, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc), Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) với tổng diện tích 10.470 ha. Năm 1935, Bác sĩ người Pháp Opilot đã đến đây xây biệt thự. Những năm sau đó, nhiều biệt thự mọc lên ở Mẫu Sơn để phục vụ các quan chức Pháp.

Mẫu Sơn được bao bọc bởi hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ. Mùa hè mát mẻ, mùa đông đỉnh núi luôn bị sương mù bao phủ. Những ngày giá rét thỉnh thoảng có tuyết rơi. Xuân về, Mẫu Sơn đỏ rực hoa đào. Chiều tối ập xuống khá nhanh. Hơi sương và khí núi bao bọc, mờ nhòa không gian.

Một chàng trai lần đầu lên Mẫu Sơn đến bên tôi trải lòng: “Em định dẫn cô nàng lên lùm cây sim, cây mua ở Khuổi Tẳng. Nhìn thảm thực vật xanh, gió hiu hiu, hấp dẫn lắm. Nhưng nhìn vào lùm cây, ướt sương, em lại sợ con rắn, con rết”.

Đêm phủ kín núi Lặp Pạ. Đứng cách nhau trong gang tấc mà không tỏ mặt.  Gió lùa thốc má. Mọi người bảo nhau tìm những ngôi nhà bên sườn núi để trú chân. Một già bản người Dao chính gốc, tên là Đặng Tăng Phúc, xởi lởi: “Chúc mừng các bạn đến với Mẫu Sơn!”. Nói rồi, ông bảo mọi người vào khu bếp lửa đun bằng củi ở giữa bếp. Cái rét, cái mệt tan biến khi được tắm bằng lá thuốc người Dao.

Mỗi người được xơi một con ếch hương tiến vua. Khuya, chúng tôi xuống núi. Hương vị của loại đặc sản này, cùng lòng nhiệt tình, hiếu khách của người Dao xứ Lạng vẫn còn theo mãi...

Lạng Sơn, tháng 10/2009

Theo Ký sự của Duy Chiến / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.