Phán quyết cuối cùng

19/10/2006 00:27 GMT+7

Trong những tháng năm khốc liệt nhất của chiến tranh, những người mẹ Việt Nam nén lòng tiễn con ra trận. Vì sự tồn vong, dân tộc đưa phần tươi non nhất của mình ra nơi mũi tên hòn đạn. Và phần tươi non khác-ít hơn-thì gửi gắm đến bạn bè xa, nhờ dạy dỗ, đào tạo nên người có đủ kiến thức để trở về gánh vác công việc mai sau.

Những bà mẹ nơi xa-mà phần nhiều là các bà mẹ Nga, đã giang tay đón vào lòng, đùm bọc phần da thịt Việt tươi non được gửi đến từ nơi khói lửa, như thể đây chính là phần da thịt mình sinh hạ. Tôi không thể quên một chuyện nhỏ, tại lớp học trên đất Nga cách đây đã mấy chục năm. Giờ xê-mi-na, anh bạn sinh viên Nga bị bà giáo mắng xối xả vì không chuẩn bị thuyết trình. Còn bạn tôi-sinh viên Việt-cũng có lỗi tương tự thì bà không nói câu nào. Cho đến khi bạn tôi, mặt tái đi vì day dứt, thốt lên: "Thưa cô, em cũng có lỗi như bạn ấy, cô đừng mắng một mình bạn, em thấy khổ tâm quá!". Bà giáo im lặng, rồi nói: "Con ạ, chiến tranh như thế, các con vẫn học hành được, sang đến bên đây có đôi lúc nghỉ ngơi hưởng cuộc sống bình yên, rồi lại học cũng không sao. Còn bọn này (bà lại chỉ sang các sinh viên Nga) chúng nó sướng từ khi đẻ ra đến giờ, mà lười biếng, ta không thể thông cảm với chúng nó như với con được!".

Vũ Anh Tuấn không phải thuộc lứa lưu học sinh thời đất nước đạn bom. Nhưng Vũ Anh Tuấn và những người như Tuấn là phần da thịt tươi non, được tạo ra từ những vất vả, đắng cay, thiếu thốn khôn cùng vào cái thời đất nước sau chiến tranh. Sắc hồng hào trên má họ, nét tinh anh trong mắt họ, được tạo nên từ những tháng năm bố mẹ họ loay hoay dành kiếm từng quả trứng gà, từng nhúm tép, từng vốc hến hiếm hoi dành cho họ. Khi những kẻ đầu trọc côn đồ đâm chém Vũ Anh Tuấn, lưỡi dao ấy đâm chém vào tấm lòng chắt chiu ấy, vào niềm hy vọng, gửi gắm chân thành. Vẫn biết, ở bất cứ đất nước nào cũng có những bất trắc, ở bất cứ đâu cũng có số ít côn đồ. Và vẫn biết, nước Nga thời quá độ gay gắt vừa qua, những chuyện thế này xảy ra cả với người Nga. Nhưng chẳng vì thế mà nỗi đau đớn này dịu bớt. Bởi tội ác đã diễn ra ở nơi mà nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã được che chở, yêu quý như ở chính nhà mình.

Khi nhắm mắt trước những bằng chứng không thể nào chối cãi của tội ác - những bằng chứng do chính các cơ quan điều tra Nga đưa ra; khi bịt tai trước những lời luận tội từ chính Viện Công tố Nga, những người trong đoàn bồi thẩm kia đã đặt các cơ quan pháp luật Nga vào chỗ khó khăn - vì đây là vấn đề danh dự của nền pháp luật Nga. Bởi điều hiển nhiên là tội ác đã được thực hiện trên đất Nga. Vũ Anh Tuấn chết vì đã có những kẻ giết em. Và không có cách nào để nói rằng có tội ác mà không có kẻ phạm tội. Nước Nga ngay thẳng không tha thứ cho tội ác - không chỉ vì để bảo vệ công lý với bạn bè, mà còn vì để bảo vệ sự bình an trong cuộc sống của chính mình.

Nhưng còn lớn hơn thế nữa - dẫu vì bất cứ lý do gì, phán quyết ấy của những người ngồi ghế bồi thẩm đoàn sẽ phải đối mặt với chính lòng công bằng, chính trực vốn là điều bao ngàn năm nay vẫn nằm trong tính cách Nga.

Biết tin về phán quyết này, tôi đã bỏ ra mấy tiếng đồng hồ sục tìm trong các trang web tiếng Nga để biết báo chí Nga nói gì. Những gì tôi đọc thấy là những tin rất ngắn - mà câu kết thường là dòng nói về việc Viện Công tố sẽ kháng nghị quyết định của tòa. Đó không phải là những tin lạnh lùng. Cái toát lên là sự ngượng ngập và day dứt.

Trước việc này, những cảm xúc trong tôi trái chiều và ngổn ngang, và tôi không định viết. Nhưng rồi tôi thấy trong bản tin thời sự truyền hình bà mẹ héo hon vì đau đớn của Vũ Anh Tuấn thắp hương trên bàn thờ con, và nghẹn ngào: "Tôi không biết nói gì !". Tôi viết những dòng này, để nói: Vài người ngồi ghế bồi thẩm kia không đại diện cho tấm lòng và tính cách Nga. Không phải họ ! Dẫu vật đổi sao dời, dẫu những chuyện trớ trêu nhất xảy ra, chẳng có gì làm tôi hết tin, rằng sức mạnh của sự chính trực mang tên dân tộc Nga sẽ nói lời phán quyết cuối cùng.

Trần Chí Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.