"Nóng" chuyện môi trường, khí hậu, ùn tắc giao thông...

09/12/2009 15:15 GMT+7

* 700 tỉ đồng trợ giá cho xe buýt năm 2010 (TNO) "Hiện nay, tại TP.HCM, 14 khu công nghiệp đều có hệ thống đấu nối và xử lý nước thải nhưng doanh nghiệp có đưa vào hoạt động, có xử lý chất thải công nghiệp hay không và đạt hiệu quả như thế nào thì không được quản lý chặt chẽ".

Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa trước nhiều bức xúc về vấn đề môi trường của TP.HCM tại phiên thảo luận HĐND TP.HCM sáng nay (9.10).

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ của các đại biểu HĐND thì tại TP.HCM, nhiều vấn đề về dân sinh còn trì trệ như: bệnh viện quá tải; ô nhiễm môi trường - nhiều điểm nóng về ô nhiễm chưa được giải quyết dứt điểm; nhiều dự án, công trình thi công chậm, không đáp ứng được tiến độ, gây kém hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn của thành phố.

Môi trường: Chỉ số 100% còn thiếu

Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa cũng có ý kiến, TP chỉ mới tập trung xử lý, cải tạo, làm sạch đẹp những tuyến kênh rạch ở khu vực trung tâm trong khi những kênh rạch nhỏ, ở khu vực vùng ven thì tình hình ô nhiễm còn nặng và không có gì tiến triển.

Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, đại biểu Nguyễn Văn Bạch đã yêu cầu thẩm tra lại một số chỉ số báo cáo kết quả đạt được 100% của UBND TP.HCM. Theo báo cáo của UBND TP.HCM: "Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn nguy hại đạt 100%, tỷ lệ xử lý chất thải y tế đạt 100%". Nhưng theo đại biểu Nguyễn Văn Bạch: Nếu đã xử lý được 100% chất thải rắn, chất thải nguy hại thì tại sao vẫn có hiện tượng chỗ này, chỗ nọ mang chất thải đem bỏ ra môi trường bị phát hiện và chỉ có 5% chất thải bùn hầm cầu được thu gom.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Bạch cho biết, qua kiểm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM, thì chỉ có khoảng 48/79 bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải y tế đúng chuẩn. "Nếu như vậy thì tại sao lại có con số 100% chất thải bệnh viện được xử lý?", đại biểu Nguyễn Văn Bạch phát biểu.

 
Ảnh: Nguyên Mi

Đại biểu Nguyễn Minh Hương: Về vấn đề môi trường, UBND TP.HCM vẫn chưa có các biện pháp hiệu quả và còn "cả nể". Đề nghị, hằng năm, UBND TP.HCM đứng ra công bố danh sách các công ty, doanh nghiệp hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường. Qua dư luận, qua phản ứng của người dân, chúng ta tạo một áp lực buộc các doanh nghiệp phải ý thức hơn về vấn đề môi trường trong sản xuất, tạo sự phát triển bền vững. 

 
Ảnh: Nguyên Mi

Đại biểu Đặng Văn Khoa: Việt Nam là một trong năm quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đây không chỉ là sự cảnh báo mơ hồ hay là chuyện xảy ra ở chỗ này, chỗ khác nữa mà là nguy cơ phải đối mặt ngay tại TP.HCM, tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân, sự phát triển của TP và tương lai của con cháu chúng ta sau này. TP nên chú trọng một cách nghiêm túc đến vấn đề môi trường và khí hậu.

Ùn tắc giao thông: Chuyện dài kỳ

Vấn đề ùn tắc giao thông đang diễn ra với mật độ ngày càng dày đặc tại TP.HCM. Mỗi người dân mỗi ngày ra đường phải mất từ 30 phút đến 1 giờ vì kẹt xe, đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa bức xúc. Vì vậy, bên cạnh những kế hoạch lâu dài, UBND TP cần đưa ra các giải pháp tình thế trong tình hình hiện tại để giảm bớt "bức xúc" về giao thông cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa đã kiến nghị 5 giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại TP.HCM: khẩn trương giải phóng bớt rào chắn; nâng cao ý thức giao thông của người dân; nghiên cứu khoa học và xây dựng hợp lý hệ thống đèn tín hiệu; hạn chế tối đa xe buýt lớn lưu thông trong giờ cao điểm và sắp xếp, bố trí lại lực lượng CSGT tại các giao lộ thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Cũng trong phiên họp sáng nay, HĐND TP.HCM đã thông qua dự chi ngân sách TP 700 tỉ đồng dành cho việc trợ giá xe buýt vào năm 2010.

Theo đại biểu Võ Văn Sen, TP cần chi mạnh tay cho hoạt động giao thông công cộng mà hiện tại là xe buýt; cần tiếp tục chính sách ủng hộ xe buýt về tài chính lẫn phương thức hoạt động, quản lý để tăng số lượng người dân đi xe buýt, thay vì chỉ có 7% như hiện nay lên 20% và lý tưởng nhất là 40-50% người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Có như thế mới tạo đột phá trong ý thức của người dân về việc sử dụng xe buýt và tiếp theo là nhiều phương tiện giao thông công cộng khác như metro,...

Tuy nhiên, bên cạnh việc đổ ngân sách trợ giá cho xe buýt, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng yêu cầu xe buýt phải hoạt động hiệu quả hơn vì: "TP không thể cứ chi trợ giá cho xe buýt mà xe buýt thì cứ trống chỗ, không đảm bảo an toàn, tiện nghi cho người sử dụng và gây ùn tắc giao thông".

“Không có hệ thống giao thông nào trên thế giới chịu nổi số lượng xe gắn máy, phương tiện lưu thông cá nhân chiếm tỉ lệ 1/2 dân số. Theo đà này, chỉ 5 năm nữa mà TP không giảm được số lượng xe gắn máy, đẩy mạnh xe buýt và phương tiện lưu thông công cộng thì chúng ta sẽ bế tắc trong giao thông”, đại biểu Võ Văn Sen cảnh báo.

Các đại biểu cũng có ý kiến đề nghị sở ngành chức năng liên quan nghiên cứu, xem xét cho phép quảng cáo trên xe buýt để tạo nguồn thu “nuôi” hoạt động của phương tiện giao thông này.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.