Thấy gì từ thu, chi ngân sách 2007?

25/10/2006 00:07 GMT+7

Thu, chi ngân sách là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có tầm quan trọng hàng đầu với hai ý nghĩa.

Thứ nhất, tính trực tiếp, tính pháp lý của mục tiêu này cao hơn nhiều mục tiêu khác, bởi những chỉ tiêu khác chủ yếu mang tính định hướng, mang tính gián tiếp. Thứ hai, nếu tốc độ tăng GDP, nông, công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu... là tăng trưởng kinh tế, thì tăng thu ngân sách là kết quả, là hiệu quả của tăng trưởng kinh tế, là khoan thư sức dân, là nuôi dưỡng nguồn thu; thì chi ngân sách chẳng những tạo tiền đề để đầu tư tái sản xuất mở rộng, xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, chi phát triển xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, để duy trì hoạt động của bộ máy...

Mục tiêu thu, chi ngân sách năm 2007 do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 này như sau "Tổng thu ngân sách Nhà nước trên 274 nghìn tỉ đồng, bằng 24,2% GDP và tăng 15,5%; tổng chi ngân sách nhà nước 347 nghìn tỉ đồng, tăng 17,7% so với dự toán năm 2006; bội chi ngân sách Nhà nước bằng 5% GDP".

Thấy gì từ mục tiêu này?

Trước hết, về mặt số liệu cần có sự chuẩn hóa để bảo đảm tính so sánh và đánh giá mục tiêu cũng như thực hiện sau này.

Một, mục tiêu tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2007 chỉ có 274 nghìn tỉ đồng, nếu so với dự toán năm 2006 thì tăng 15,2%, nhưng do thực hiện vượt dự toán, nên nếu so với mức 258 nghìn tỉ đồng thực hiện của năm 2006 (đã được Báo cáo của Chính phủ đề cập trong phần thứ nhất) thì chỉ tăng khoảng 6,2%. Đó là mục tiêu rất thấp, còn thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế theo giá so sánh (chưa kể tăng giá); do đó việc thu ngân sách năm sẽ lại vượt dự toán một cách quá dễ dàng (đã 9 năm liền vượt dự toán khá cao). Nói cách khác, để tăng 15,5% so với năm trước (so với số thực hiện), thì tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2007 phải đưa lên khoảng 298 nghìn tỉ đồng, chứ không phải chỉ có 274 nghìn tỉ đồng!

Hai, khi mục tiêu tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2007 là 347 nghìn tỉ đồng, nếu so với số thực hiện năm 2006 (315 nghìn tỉ đồng) thì chỉ tăng 10,2%. Đó cũng là mức thấp bởi chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế có vài phần trăm.

Ba, theo mục tiêu năm 2007 (GDP đạt 1.132 nghìn tỉ đồng, tổng thu 274 nghìn tỉ đồng, tổng chi 347 nghìn tỉ đồng), thì bội chi là 73 nghìn tỉ đồng, tăng 16 nghìn tỉ đồng và bội chi so với GDP theo mục tiêu lên đến 6,4%, chứ không phải chỉ có 5% như mục tiêu đề ra!

Từ các số liệu trên, có thể tính lại các số liệu theo mục tiêu năm 2007 như sau.

Tổng thu ngân sách Nhà nước là 298 nghìn tỉ đồng (tăng 15,5% so với năm 2006), so với GDP đạt khoảng 26,3% (chứ không phải 24,2% như mục tiêu; năm 2006 cũng đã đạt 26,6%).

Bội chi ngân sách Nhà nước cần khống chế ở mức 5% nên mức bội chi sẽ khoảng 57 nghìn tỉ đồng (bằng với mức bội chi năm 2006, nhưng tỷ lệ bội chi so với GDP thì thấp hơn).

Với mức bội chi như trên thì tổng chi ngân sách Nhà nước sẽ vào khoảng 355 nghìn tỉ đồng (bằng 298 nghìn tỉ đồng cộng với 57 nghìn tỉ đồng), tăng 12,7% so với năm 2006!

Thứ hai, để thực hiện các mục tiêu trên, một mặt cần thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mặt khác phải nâng cao hiệu quả của nền kinh tế và một mặt quan trọng khác là phải đẩy mạnh hành thu, chống thất thu do buôn lậu, gian lận thương mại, đồng thời tiết kiệm chi, chống lãng phí, thất thoát.

Thứ ba, việc phân cấp ngân sách cũng cần phải xem lại. Năm trước đã có 15 tỉnh/thành phố tự cân đối ngân sách. Việc phân cấp ngân sách cần bảo đảm cho số tỉnh/thành phố tự cân đối ngân sách tăng lên, chứ không giảm đi, để giảm sự trợ cấp ngân sách từ Trung ương, để giảm bội chi ngân sách hơn nữa.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.