Đại hội Hội Nghệ sĩ sân khấu lần VII: Chưa biết đặt hy vọng vào đâu

09/12/2009 23:34 GMT+7

Sau 2 ngày làm việc (8 - 9.12), Đại hội Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đã kết thúc với một chương trình hành động nhiều tham vọng. Tuy nhiên, không nhiều nghệ sĩ lạc quan về tương lai của sân khấu.

Nhìn vào danh sách 21 ủy viên trong ban chấp hành mới, dễ dàng nhận thấy sự thiếu hụt những gương mặt trẻ (người trẻ nhất cũng đã 45 tuổi) và sự "dàn đều" ba miền Bắc - Trung - Nam. Đáng chú ý, đã có gương mặt đến từ sân khấu xã hội hóa TP.HCM như “bà bầu” Hồng Vân (người đạt số phiếu bầu cao thứ 2, chỉ sau Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Tiến Thọ). Song, Hồng Vân cũng không ở lại dự đại hội đến giây phút được xướng tên trong Ban chấp hành Hội vì phải dành thời gian cho Sân khấu kịch Phú Nhuận. Mong ước của bà chủ sân khấu kịch tư nhân trong nhiệm kỳ mới chỉ là "cố gắng để làm thay đổi quan niệm sân khấu xã hội hóa chỉ là sân khấu kiếm tiền, còn sân khấu công lập mới là sân khấu nghiêm túc, cần được đầu tư". 

Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ tỏ ra không mấy lạc quan vào tương lai mới của sân khấu. Không ít người đã bỏ về khi đại hội đang diễn ra. Nhiều đạo diễn tên tuổi đến dự nhưng chỉ ngồi ở ngoài cửa. Một vài nghệ sĩ đủ phiếu bầu nhưng lại xin rút lui. Không ít đại biểu say sưa đọc những tham luận dài dằng dặc, đầy tâm huyết nhưng dưới khán phòng thì chẳng mấy ai chú tâm lắng nghe và quan khách cứ lần lượt bỏ ra ngoài... 

Ông Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL được bầu làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN khóa VII (2009 - 2014). Các ông Lê Duy Hạnh, Lê Hùng, Lê Chức giữ chức vụ phó chủ tịch.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu khóa VI vẫn lạc quan: “Sân khấu không lạc hậu, sân khấu đang hoạt động có hiệu quả, sân khấu bao giờ cũng phát triển, sự lạc hậu chỉ là ý kiến của những người không nghe, không xem sân khấu”.

Trong khi phó giám đốc một nhà hát lại quả quyết: sân khấu bây giờ đã lạc hậu cả trăm năm vì không bắt kịp thực tế; kịch bản thì nói những vấn đề cũ; khán giả thì đã lâu không còn mặn mà. Cứ nhìn vào thực tế sân khấu miền Bắc là thấy rõ. Nhà hát Tuổi Trẻ, đơn vị có tiếng là "năng động", song cũng chỉ rôm rả ở một số chương trình hài kịch, ca nhạc tạp kỹ, thậm chí còn phải cho thuê rạp diễn để “nuôi” diễn viên. Rạp diễn mới của Nhà hát Tuổi Trẻ ở đảo Thiền Quang đến hết tháng 12 cũng đứng trước nguy cơ phải chấm dứt hợp đồng, vì không có khách cho dù nhà hát đã chịu khó đi khắp ngóc ngách của thành phố để phát loa rao quảng cáo, và báo chí truyền thông cũng hết lòng ủng hộ...       

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.