Nước Đức đã có chính phủ

12/11/2005 21:51 GMT+7

Vậy là gần 2 tháng sau cuộc tổng tuyển cử không đem lại một chiến thắng rõ rệt cho đảng phái nào, nước Đức cuối cùng cũng đã quyết định được một chính phủ mới sau khi các phe phái chính trị chính đạt được thỏa thuận về vấn đề này.

Có thể nói cuộc bầu cử ngày 18/9 đã đẩy nước Đức vào một cuộc khủng hoảng thực sự. Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) chỉ vượt qua đảng Dân chủ xã hội (SPD) cầm quyền có 4 ghế tại Hạ viện khiến cả đương kim Thủ tướng G.Schroeder lẫn Chủ tịch CDU A.Merkel không ai chịu nhường ai khi cùng tuyên bố mình mới là người có quyền lãnh đạo đất nước. Rốt cuộc, ông Schroeder đành lùi bước vào ngày 10/10 nhưng với điều kiện đảng của mình phải có đại diện tương đương với CDU trong nội các của bà Merkel và phải nắm các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Ngoại giao và Tài chính.

Cũng do kết quả bầu cử quá sít sao như vậy nên mới có chuyện lần đầu tiên kể từ năm 1969, nước Đức lại có một chính phủ tả - hữu "đại liên hiệp" giữa CDU và SPD - vốn là những đối thủ truyền kiếp. Dù không thích nhau đi nữa thì hai đảng này buộc phải liên minh với nhau vì đây là sự chọn lựa duy nhất ngõ hầu có thể chiếm thế đa số tại Quốc hội (448/614 ghế).

Ngày 14/11, CDU và SPD sẽ đại hội để bỏ phiếu bản thỏa thuận về chính phủ liên hiệp. Nếu mọi việc trôi chảy, Quốc hội Đức sẽ nhóm họp vào ngày 22/11 để thông qua và chính thức bầu bà Merkel vào cương vị thủ tướng.

Sau 4 tuần thương thảo quyết liệt và vượt qua khó khăn về nhân sự khi một số nhân vật chủ chốt dự kiến góp mặt trong thành phần chính phủ mới tuyên bố rút lui, CDU và SPD đã hoàn tất một kế hoạch dày 130 trang cho nhiệm kỳ 4 năm tới của tân chính phủ hôm 11/11, tức vừa trước thời hạn chót đề ra là ngày 12/11. Với kết quả trên, bà Merkel, 51 tuổi, đã chắc chắn đảm bảo trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu u và thứ 3 thế giới này. Thỏa thuận vừa đạt được là "sản phẩm" của những cuộc thương lượng vào phút chót về các vấn đề nóng bỏng như mức thuế mới và tương lai của các nhà máy hạt nhân, đồng thời ưu tiên giải quyết các khó khăn mà nước Đức đang đối mặt, trong đó đề ra các biện pháp để xử lý mức thâm thủng ngân sách kỷ lục 35 tỉ euro (41 tỉ  USD) và cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức 11%.

Dù lãnh đạo các đảng thở phào nhẹ nhõm vì căng thẳng và đối đầu đã chấm dứt nhưng thực ra sẽ không có gì nhiều để vui mừng, nhất là đối với người dân. Dự kiến thuế thu nhập đối với những người hưởng lương cao sẽ tăng 3% lên 45%, thuế VAT tăng 3% lên 19% vào năm 2007 và những khoản đóng góp cho bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng. Một quan chức cảnh báo người dân hãy chuẩn bị đối phó với chính sách thắt lưng buộc bụng chặt chẽ nhất trong lịch sử đất nước kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Xuân Anh
(BBC, AP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.