48 giờ làm phim

01/11/2010 08:42 GMT+7

Dự án Làm phim trong 48 giờ khởi đầu vào năm 2001 tại Washington D.C (Mỹ). Đến năm 2009 đã có mặt ở 76 thành phố trên toàn thế giới và nay vừa diễn ra tại TP.HCM.

Có đúng hai ngày để hoàn tất một bộ phim ngắn là thách thức cho tất cả các đội đăng ký tham gia dự án làm phim này từ ngày 29 đến 31-10 tại TP.HCM.

Đề tài mở

Ngày 29-10, tại trường quay của Hãng phim HK (TP.HCM) là ngày bốc thăm chọn đề tài xuất phát cho cuộc đua 48 giờ. Đề tài ban tổ chức đưa ra có thể là một câu thoại, một đạo cụ, một nhân vật hoặc một thể loại phim mà đội thi bắt buộc phải đưa vào phim. Đây là yêu cầu duy nhất của cuộc thi.

"Người ta hay nghĩ điện ảnh chỉ dành cho một số người chuyên nghiệp, nhưng thật ra điện ảnh ngày càng phổ biến. Sân chơi này chỉ là bước đầu tiên để những người yêu thích làm phim tự khám phá khả năng của mình."

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

Trong dự án Làm phim 48 giờ lần đầu tiên tại VN này, đạo cụ bắt buộc dành cho tất cả các đội là một que hương, nhân vật bắt buộc là Phạm Minh An, làm nghề tài xế taxi hay xe ôm hoặc đạp xích lô và đoạn hội thoại bắt buộc là câu tiếng Anh: “You know, same same but different”. (Anh biết đấy, giống thế nhưng không phải là thế).

Sau đó, các đội có đúng 48 giờ để lên ý tưởng, viết kịch bản (nếu làm phim bằng tiếng Anh thì phụ đề tiếng Việt và ngược lại), quay, dựng phim và làm nhạc. Các bộ phim hoàn thành phải có thời lượng tối thiểu 4 phút, tối đa 7 phút, chưa tính phần giới thiệu phân vai và đoàn làm phim. Với các thí sinh dự thi, đây là một thách thức thú vị, kích thích khả năng sáng tạo dù sẽ rất khó để tận dụng những thiết bị kỹ thuật tối tân, và chỉ có ý tưởng độc đáo sẽ là điểm giúp các nhà làm phim nghiệp dư tạo nên sự khác biệt. Họ đã lùng sục khắp Sài Gòn để thực hiện bộ phim.

Trong số 47 đội dự thi với hơn 400 người tham gia có phân nửa là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, có cả những bạn trẻ là sinh viên, học sinh tiểu học của các trường quốc tế. “Đây là một đề tài mở, chúng tôi có thể tự do sáng tạo theo cảm nhận của mình!” - Hayden Lowry, trưởng nhóm Northern Touch, đã nhảy cẫng lên thích thú, liên tục đấm tay vào không khí khi nhận đề tài của mình là thể loại tâm lý.

Ý tưởng quan trọng hơn sự chuyên nghiệp

“Tất cả mọi người đều có thể làm phim - Ross Stewart, trưởng ban tổ chức cuộc thi, nhấn mạnh khi nói về thông điệp của chương trình - Cuộc thi dành cho cả người chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư miễn là yêu phim. Chúng tôi mong muốn các bạn đến đây và làm những gì chúng ta có thể trong 48 giờ để tạo ra một bộ phim”. Dự án cũng mong muốn cổ vũ những nhà làm phim độc lập tại Việt Nam mạnh dạn lao vào thực tế và hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo của riêng mình.

Không chỉ các bạn sinh viên, mà ngay cả các em thiếu nhi cũng rất hào hứng với cuộc chơi này. Có không ít những nhà làm phim là những cô cậu học sinh trung học cơ sở, thậm chí là tiểu học. Đối với các em, chiến thắng dường như không phải là điều quan trọng nhất. Trịnh Cao Sơn - học sinh lớp 7 Trường quốc tế ACG, trưởng nhóm Feel The Heat - nói ngắn gọn: “Tất cả các thành viên nhóm em đều đang học lớp 7. Chúng em làm phim cho vui thôi!”. Với nhóm Red Rocket Studios (Trường British International) đây không phải lần đầu tiên làm quen với máy quay, các em từng tự làm phim rồi tải lên trang You Tube.

Kết quả cuộc thi sẽ được công bố vào giữa tháng 11 này. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn - người theo dõi cuộc thi ngay từ đầu - chia sẻ rằng tiêu chí chấm giải dựa trên ý tưởng mà các đội thể hiện trong bộ phim, nên chưa chắc một nhà làm phim chuyên nghiệp sẽ chiến thắng một cậu bé 15, 16 tuổi. Thời gian 48 giờ là áp lực đồng thời cũng là yếu tố làm cuộc thi trở nên công bằng với tất cả những người tham dự. Mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau về cuộc sống. Tuy nhiên, việc cuộc thi chỉ mới tổ chức tại TP.HCM và lệ phí dự thi khá cao (1,5 triệu đồng/đội) nên một số bạn trẻ yêu thích làm phim đã không có điều kiện dự thi. Ông Ross Stewart cho biết những năm sau, ban tổ chức sẽ cố gắng hỗ trợ để mọi người có thể tham gia đông hơn và sẽ tiến hành dự án ở cả TP.HCM và Hà Nội, nếu điều kiện cho phép sẽ đưa dự án tới các tỉnh thành lớn như Đà Nẵng, Cần Thơ...

Dự án Làm phim trong 48 giờ kêu gọi sự tham gia của tất cả các nhà làm phim, bất kể chuyên nghiệp hoặc tay ngang, nhưng tất cả các thành viên tham gia phải là các tình nguyện viên không được trả công.

Các phim đoạt giải đã từng được trình chiếu tại các LHP như South by Southwest tại Austin, Filmapalooza tại Albuquerque, Cinequest ở San Jose, Miami và một số được chọn công chiếu tại LHP Cannes. Các bộ phim đoạt giải cao nhất ở các vòng thành phố được tập hợp trong tuyển tập DVD “Best of 48 hour film”. Một số tên tuổi lớn trong nghệ thuật thứ bảy đã bước ra từ sân chơi này: Penn của Hãng Penn and Teller, Dennis Farina và Nick Clooney.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.