Thuốc giả ngày càng "thật"

05/11/2006 22:25 GMT+7

Thay vì được sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, thuốc giả đã được sản xuất ở quy mô công ty, có đầu tư "chất xám" cả về bao gói và hệ thống phân phối.

Cơ quan điều tra Công an Hà Nội vừa phát hiện vụ làm thuốc giả tại một công ty TNHH đóng trên địa bàn Hà Nội. Giám đốc công ty này là một nữ bác sĩ, trước khi thành lập công ty đã từng làm việc trong một bệnh viện lớn tại Hải Phòng, sau đó chuyển sang làm tại một công ty dược lớn của Nhà nước. Kinh nghiệm công tác và mối quan hệ vững chắc đã giúp bà ta tổ chức một chiến lược làm hàng giả tinh vi. Sản phẩm làm giả không chỉ là loại thuốc đang được tiêu thụ mạnh, uy tín trên thị trường mà người chịu hậu quả do sử dụng thuốc này cũng rất khó khiếu nại vì lý do "tế nhị". Đó là... thuốc tránh thai khẩn cấp Postinor. Thuốc giả này rất khó phân biệt về hình thức, vì bao gói bên ngoài rất giống với thuốc thật: in đẹp, sắc nét, hình thức y chang cả  về hộp bao bên ngoài đến tờ  hướng dẫn sử dụng. Vị nữ giám đốc này đã thuê hẳn một công ty in và thiết kế quảng cáo thực hiện phần bao bì.

Thượng tá Trần Trọng Bình, Phó trưởng phòng PC15 - Công an Hà Nội nhận xét: "Thuốc giả đang được làm ngày càng tinh vi, nhiều loại rất khó phân biệt với thuốc thật. Không chỉ tổ chức làm giả trong nước, các đối tượng sau khi nghiên cứu thị trường sẽ lựa chọn loại thuốc uy tín, đem mẫu mã ra nước ngoài đặt hàng. Thuốc giả sản xuất từ nước ngoài được đưa vào thị trường VN trên cơ sở đường dây đã được thiết lập sẵn".

Tiến sĩ Cao Minh Quang, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, từ 2005 đến nay đã phát hiện 15 vụ sản xuất thuốc giả, trong đó 4 vụ với số lượng lớn. Hầu hết thuốc làm giả theo các loại biệt dược nhập khẩu, giá trị cao. Một trong những giải pháp kiểm soát thuốc giả là tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, thành lập nhóm chuyên trách phòng chống thuốc giả (Bộ Y tế, Bộ Công an, Hải quan, Cục Quản lý thị trường) làm đầu mối tiếp nhận, xử lý các thông tin về thuốc giả và tiến hành điều tra các vụ việc.

Cơ quan chức năng đã từng thu giữ hơn 19.000 gói Clamoxyl giả 100% không có hoạt chất, làm hoàn toàn bằng bột mì nhưng bao bì lại rất "xịn". Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng từng thông báo về thuốc Opedroxyl giả có bao gói rất sắc nét, gần như không thể phân biệt được nếu chỉ căn cứ vào vỏ hộp.

Bà Nguyễn Thanh Phương, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm dược - mỹ phẩm Hà Nội cho biết, thuốc làm giả với nhiều hình thức khác nhau khiến cho việc phát hiện rất khó khăn. Qua kiểm nghiệm đã từng phát hiện khá nhiều thuốc giả không có hoạt chất. Thuốc giả còn bị giả về hàm lượng: thuốc có hàm lượng thấp mang nhãn hàm lượng cao. Những hình thức làm thuốc giả ngày càng tinh vi cho thấy,  hàm lượng "chất xám" đầu tư cho thuốc giả đã tăng đáng kể. Trong số các đối tượng làm thuốc giả bị  phát hiện trong 3 năm gần đây, có những người trình độ chuyên môn cao hoặc là sinh viên tốt nghiệp đại học. Thuốc giả được tổ chức sản xuất và phân phối rất "chuyên nghiệp". Chính vì vậy, đã có thuốc giả xuất hiện trong hai bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội và Hải Phòng, với giấy tờ hóa đơn đầy đủ.

Bà Phương cảnh báo rằng, bao bì thuốc giả cũng được nâng cấp hơn: trên nhãn thuốc giả có đủ số visa, tem nhập khẩu, hình thức "đẹp", chỉ phân biệt được khi có mẫu đối chứng hoặc phân tích chất lượng.

Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.