Thư bạn đọc tuần qua

10/10/2005 16:41 GMT+7

Nạn tham nhũng - một ung nhọt của xã hội, đã và đang gây thiệt hại không kể xiết, không chỉ về kinh tế mà nguy hại hơn nữa là làm xói mòn lòng tin của người dân đặt nơi những người làm công tác lãnh đạo. Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI tới đây, là sự mong đợi của toàn xã hội. Người dân kỳ vọng rất nhiều vào đạo luật này.

Bạn Trường An ở 97A Vân Đồn, Nha Trang (Khánh Hòa) có thư bày tỏ sự phấn khởi và niềm tâm huyết trước thông tin này: “Bao nhiêu năm mong đợi, nay đã sắp có Luật Phòng, chống tham nhũng. Cảm ơn Đảng, cảm ơn Quốc hội và cảm ơn Báo Thanh Niên đã thông báo cho đông đảo nhân dân ta biết được tin vui này. Là người dân của một quốc gia có kỷ cương phép nước, việc phòng chống tham nhũng phải trên cơ sở có luật nên dù có bức xúc, thậm chí oan sai, thiệt thòi đến mấy, người dân cũng phải bình tĩnh, nén chờ. Nay thì tin vui sắp đến, chúng tôi vui mừng và có phần hồi hộp đón chờ tin vui này. Vì khi thông qua ở kỳ họp Quốc hội, sẽ có bao nhiêu phần trăm phiếu thuận, bao nhiêu phần trăm phiếu không thuận và sẽ có không những cánh tay không giám giơ lên dù đó là cánh tay của những người đã được nhân dân tin tưởng gửi gắm, đã được cử tri bầu họ vào Quốc hội. Trước kỳ họp này, một đại biểu Quốc hội đã bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội vì liên quan đến một vụ tham nhũng. Chừng đó cũng đã đủ cảnh báo trước cho những kẻ còn ẩn nấp ở đâu đó dưới bất kỳ vỏ bọc hay ô dù nào biết được sự sáng suốt của Quốc hội, sự xứng đáng của những người đại biểu cho nhân dân. Để nhận diện tham nhũng, trước hết chúng tôi nhìn vào những người đại diện cho mình”.

Nhân bài báo đưa những phản ánh của người dân về việc chỉ số trên đồng hồ chạy quá nhanh, bạn Châu Thành Trung cũng gửi thắc mắc về sự chênh lệch quá lớn trong giá nước giữa những hộ có và không có hộ khẩu tại thành phố. Thư bạn viết: “Tôi là người đang tạm trú ở Q.Tân Phú và đang dùng nước máy ở đó. Tôi phải trả tới 8.000 đ/m3 nước, trong khi những người có hộ khẩu ở đó chỉ trả 2.500 đ/m3. Một sự chênh lệch không thể nào hiểu nổi, trong khi mức bồi thường nếu có thể xảy ra đối với vụ nước bẩn   là như nhau theo giá tiền trên hóa đơn chứ không theo lượng nước sử dụng. Như vậy những người tạm trú như tôi phải chịu thiệt hại gấp 4 lần so với người có hộ khẩu. Dù biết rằng những người tạm trú như tôi sẽ không được ưu đãi như những người có hộ khẩu nhưng sự chênh lệch quá lớn như cách tính tiền nước ở trên là khó chấp nhận được. Xin xem xét lại để chúng tôi an tâm làm việc lâu dài”.
 
Đồng tình với những ý kiến về chương trình game show Vượt lên chính mình của Đài Truyền hình TP.HCM, bạn đọc ký tên Golden ở 72 Hai Bà Trưng, Q.1 (TP.HCM)
có thư:
“Khi xem chương trình Vượt lên chính mình tôi rất cảm động, hồi hộp với những người đang thực hiện các trò chơi chương trình và thầm cảm ơn những người có công tạo dựng ý tưởng để thực chương trình dành cho những mảnh đời đang gặp hoàn cảnh không may trong cuộc sống. Ngoài ý nghĩa nhân đạo, chương trình còn mang tính giáo dục rất cao đó là lòng tự trọng, đức tính kiên trì trong lao động. Tôi mong những tham gia chơi trong chương trình này có thể thực hiện tốt kịch bản để họ gặt hái được kết quả bằng sức lao động của mình và khích lệ tinh thần những con người đang gặp hoàn cảnh khó khăn tương tự cũng như nhắc nhở mọi người đừng nên có tư tưởng "ngồi mát ăn bát vàng".
 
Câu chuyện về chú Bảy - người 15 năm đưa đò miễn phí thực sự đã gây xúc động cho người đọc. Bạn Hoàng Hà ở Tổng công ty cổ phần Bảo Minh có thư bày tỏ sự khâm phục của mình: “Ở thời đại của chúng ta hiện nay, một người như chú Bảy thật là hiếm hoi. Chúng ta phải trân trọng những người như chú. Tôi rất đồng tình với phần kết luận của bài viết, đúng, các cấp lãnh đạo của Đồng Tháp phải xây dựng một cây cầu và nếu được thì cây cầu đó nên mang tên của chú Bảy. xin chân thành cảm ơn Báo Thanh Niên, cảm ơn PV Tấn Tú đã nêu được một tấm gương sáng cho xã hội chúng ta ngày nay”.

Phổ cập giáo dục như tỉnh Cà Mau, hy vọng ở Việt Nam chỉ có tại địa phương này” – câu nói bày tỏ sự bức xúc của bạn Võ Công Phúc ở 50 Trần Quý Cáp, Tam Kỳ (Quảng Nam). Bạn tiếp tục: “Tôi đề nghị ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau phải nghiêm túc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm những cá nhân đã “đạo diễn" màn kịch lố bịch này. Điều quan trọng là có ai đứng đằng sau chỉ đạo cần phải làm rõ. Nếu cần thiết thì Bộ Giáo dục Đào tạo và UBND tỉnh Cà Mau phải ra tay làm rõ trước khi công nhận tỉnh Cà Mau hoàn thành phổ cập PTCS”.

Cũng nói về việc làm sai trái này,  GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang có thư: “Tôi rất hoan nghênh sự can đảm của Thanh Niên dám đưa ra áng sáng những trường hợp chạy theo thành tích ảo trong ngành giáo dục VN, nhất là ở khu vực ĐBSCL. Hiện nay tỉnh nào cũng đang ở thế bí này, nên phải tiếp tục dựng lên cảnh tương tự, khiến cho chất lượng giáo dục của ta ngày càng xuống dốc, như đã thấy qua các kỳ tuyển sinh "ba chung". Tôi rất mong các cấp lãnh đạo sớm thức tỉnh trong giấc mơ thành tích "phổ cập giáo dục" quốc gia. Một tỉnh đã sáng suốt đi đầu là An giang, đã bắt đầu chấn chỉnh tình trạng này từ năm 2005, đã có chỉ thị cho các cán bộ ngành giáo dục không chạy theo thành tích ảo nữa”. Bạn đọc ký tên Lê Phương cũng đề nghị: “Chúng ta phải xem lại năng lực cán bộ và chính sách sử dụng cán bộ của Cà Mau, một khi cán bộ còn lo chức quyền, giữ ghế, còn mắc bệnh thành tích thì mọi việc họ còn dám làm”. Bạn Vu Thao gay gắt hơn: “Với cách lãnh đạo của các người làm giáo dục tại các tỉnh miền Tây như thế này, đã cho thấy lý do tại sao miền Tây Nam Bộ trù phú, nhưng thu nhập và trình độ học vấn của dân cư khu vực này lại thấp nhất Việt Nam. Thấp hơn cả khu vực Tây Nguyên”.

Rất đồng tình với các cơ quan chức năng trong quy định cấm học sinh phổ thông sử dụng xe gắn máy phân khối lớn, nhưng nhiều bạn đọc đã gửi thư về tòa soạn bày tỏ sự băn khoăn về cách giải quyết vấn đề liên quan: Học sinh đi học bằng gì? Bạn Lê Cát Lượng ở A34 Ql22 Kp4 P.Trung Mỹ Tây, Q.12 (TP.HCM) đưa ra một thực tế: “Em trai tôi và tôi phải đi học trên trung tâm thành phố nhưng nếu đi xe buýt đi học thì tối về phải đi xe ôm”. Bạn  và bạn Le Thanh Tai nêu những bất cập của các phương tiện khác: “Đi bằng xe buýt: thời gian chờ đợi lâu, nhà các em hoặc trường học cách xa trạm xe buýt. Nếu đi xe đạp, có những em nhà quá xa trường, không thể nào đạp xe ngày 2 buổi, chưa kể thời gian học thêm, học phụ khóa. Nếu đi xe máy: các loại xe máy hiện nay đều là xe phân khối lớn, những xe dưới 50cc hầu hết là xe cũ, không  bảo đảm an toàn”. Nếu cha mẹ đưa đón thì lại không tránh được tình trạng kẹt xe, tắc đường trước các cổng trường giờ học sinh tan học. Vậy học sinh sẽ đến trường bằng phượng tiện gì? Muốn có giải pháp cần phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơquan chức năng liên quan.

“Mặc dù thành phố đã có quy định cấm xe chở rác hoạt động từ 6h sáng đến 6h tối nhưng thời gian qua, trên đoạn đường Trường Chinh - đường Xuyên Á (là đường dẫn đến khu vệ sinh liên hợp Gò Cát và Tam Tân), người lưu thông vẫn chịu chung cảnh chung đường với xe rác từ lúc 3h chiều, khổ nhất là vào giờ cao điểm. Điều đáng nói là sự làm ngơ của CSGT trước tình trạng này. Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, chấn chỉnh tình trạng trên” là đề nghị của bạn Nguyen Van Tam ở 47A cư xá Tự Do, P.7, Q.Tân Bình (TP.HCM).

Loạt bài Tuyên chiến với lãng phí nhận được rất nhiều sự đồng tình ủng hộ của bạn đọc. Bạn Trần Xuân Cảnh ở 64 Tân Quý, P.Tân Quý, Q.Tân Phú (TP.HCM) đề nghị: “Chống lãng phí là việc cần thiết, nên làm. Thiết nghĩ Đảng và nhà nước nên mạnh tay hơn nữa đối với những kẻ thích gây lãng phí!”. Bạn Nguyễn Văn Cự ở số điện thoại 0912291918 xót xa: “Hàng ngày tôi vẫn đi qua con đường Lê Duẩn đẹp nhất thành phố và cũng là con đường có tòa nhà xấu nhất. Nó xấu không phải về kiến trúc mà nó xấu từ những con người xấu có trách nhiệm với nó. Tôi không thể hiểu nổi một sự lãng phí "kinh khủng" đến vậy mà suốt bao nhiêu năm không một cơ quan, cá nhân nào đứng ra giải quyết”. Bạn Le Thong Nhat nêu ý kiến: “Đúng là những công trình kiểu vậy thật là lãng phí tiền của của Nhà nước, của dân. Tôi nhớ, cách đây mấy năm VTV có đưa tin Chính phủ có yêu cầu Tổng công ty Than chuyển về Quảng Ninh, thì dầu khí cũng phải chuyển vào Nam là đúng. Trụ sở ở Hà Nội nếu không dùng hiệu quả thì để lại cho doanh nghiệp khác, VNPT chẳng hạn, vì VNPT chưa có trụ sở, đang phải đi thuê. Trụ sở của Bộ KHCN xây ở đường Trần Duy Hưng, mấy năm rồi mà vẫn chưa đâu đến đâu, nay làm ít, mai làm it, kiểu lai rại. Chẳng biết rồi có ai chịu trách nhiệm không?”. Bạn Anh Sơn ở số điện thoại 8984506 đề nghị: “Vấn đề này phải làm căng như vụ Đồi Hoa Mai may ra mới có chuyển biến”. Đề xuất một biện pháp quản lý công sản hiệu quả, bạn đọc ký tên Thái Bình có thư: “Tôi nghĩ giải pháp cho việc này không khó, mà khó ở chỗ có quyết tâm thực hiện hay không. Trong việc mua công sản nói chung và xe công nói riêng. Cần tách thẩm quyền quyết định và việc thực hiện mua xe. Chẳng hạn, UBND tỉnh/thành phố có thẩm quyền quyết định việc mua xe cho các cơ quan trực thuộc của mình căn cứ theo qui định của Chính phủ (về điều kiện được hưởng). Nhưng việc mua xe như thế nào, giá bao nhiêu sẽ do một cơ quan quản lý công sản thực hiện căn cứ theo các qui định liên quan. Nếu cơ quan công sản làm sai các qui định phải chịu trách nhiệm với Nhà nước.  Ngoài ra, tôi nghĩ Nhà nước là một bên mua có danh tiếng, uy tín, số lượng hàng hóa mua nhiều. Nhà cung cấp nào cũng muốn bán hàng cho một người mua như thế, cho nên cần biết lợi thế này. Vì vậy, hàng năm cơ quan quản lý công sản trung ương (thuộc Bộ Tài chính) nên tổ chức đấu thầu công khai chọn nhà cung cấp xe cho toàn hệ thống Nhà nước nhằm đạt được những điều kiện mua bán ưu đãi (vd, giảm giá, ổn định giá trong suốt năm, chất lượng...). Nếu như mỗi tỉnh, mỗi bộ, mỗi cơ quan tự đứng ra mua xe thì không có lợi thế này”.

Góp một ý kiến cho đề án Thay thế bóng đèn sợi đốt của EVN, bạn Phuong Nguyen đề nghị: “Theo tôi nghĩ, ngoài việc chuẩn bị chu đáo nguồn hàng (có chất lượng), nếu có thể nên thực hiện “bán trước trả sau” cho những hộ dân nghèo (nếu có yêu cầu), cho trả góp vào các đợt thu tiền điện định kỳ. Sau vài tháng sử dụng, người dân sẽ thấy lợi ích của việc thay bóng đèn này. Mặt khác đây cũng là hình thức động viên và giúp khách hàng giải quyết việc phải chi phí nhiều trong một tháng”. 

Sau khi đọc bài Người Việt ở Kharkov, bạn Nguyễn Văn Bảo ở 204 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) - một người đã từng sống ở nơi đây, xúc động bày tỏ: “Tôi rất vui mừng và khâm phục những kết quả đạt được trong kinh doanh, trong quan hệ với người dân sở tại, trong việc xây dựng cộng đồng đoàn kết yêu thương nhau của cộng đồng người Việt ta ở thành phố Kharkov. Đó là một điều khá đặc biệt so với cộng đồng người Việt ở các nơi khác. Đọc bài báo tôi lại thấy sống lại những kỷ niệm cách đây hơn 30 năm nơi tôi đã sống và học tập trong suốt 6 năm trời. Thành phố hiền hòa, người dân thật tốt và thân thiện với Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ. Tất nhiên ngày nay nhiều thứ đã đổi thay, nhưng những điều cộng đồng người Việt ở Kharkov làm được thật đáng trân trọng và khâm phục. Chúc cộng đồng người Việt ta ở khắp mọi nơi trên thế giới thu được nhiều thắng lợi, thành công hơn nữa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống”.

Bộ phim 1735 km đang chiếu ở các rạp hát tại TP.HCM đã nhận được thiện cảm từ phía người xem. Bạn đọc ở số điện thoại 0908876072 có thư: “Tôi đã xem bộ phim 1735 km một cách hết sức tình cờ, không chủ động đi tìm phim hay cũng chưa nghe giới thiệu. Tuy nhiên, khi xem xong, bộ phim đã để lại cho tôi cảm xúc thật khó tả. Lâu lắm mới có một phim VN có hình đẹp không thua gì phim nước ngoài, âm thanh tuyệt vời, nội dung trong sáng và lành mạnh, diễn viên tuy lần đầu diễn xuất nhưng cũng khá ổn so với những bộ phim VN trước đây mà tôi đã xem. Cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý về mặt chuyển biến tâm lý nhân vật, nhưng đây là một bộ phim hoàn toàn có thể làm cho các bậc phụ huynh yên tâm. Tiếc rằng khâu tiếp thị chưa được tốt lắm nên còn vắng khách đến rạp. Có thể xem đây là một điểm son cho phim VN: không chạy theo thị hiếu tầm thường, nâng cao trình độ thưởng thức của khán giả”. Bạn đọc ở số điện thoại 0918306465 cũng có những nhận xét tương tự: “Bộ phim thật sự gây ấn tượng từ đầu đến cuối với những khung cảnh tuyệt đẹp của quê hương Việt Nam, từ Hà Nội - Huế - Hội An đến Nha Trang và TP Hồ Chí Minh. Nếu được quảng bá ra nước ngoài, bộ phim sẽ đảm nhận được vai trò tiếp thị một cách gián tiếp cho du lịch Việt Nam.  Nội dung phim lành mạnh, lôi cuốn người xem vì những tình tiết bất ngờ. Dàn diễn viên trẻ đẹp, diễn xuất khá tốt. Tuy nhiên giọng nói của nhân vật nữ trong phim nghe hơi gay gắt, diễn biến tâm lý của nhân vật chưa ổn lắm. Nhận xét cuối cùng của tôi về bộ phim này là đã có nhiều chuyển biến trong cách làm phim ở Việt Nam, không chạy theo thị hiếu tầm thường hay đưa vào sự nổi tiếng của một vài cá nhân nào đó.  Nếu được tiếp thị nhiều hơn, quảng cáo nhiều hơn thì chắc chắn bộ phim sẽ có nhiều khán giả”.

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.