Chất lượng đô thị

19/12/2009 00:14 GMT+7

“Chất lượng đô thị ngày càng tồi tệ, trước hết vì đất dành cho những công trình công cộng không được chú trọng từ nghiên cứu phát triển, từ quy hoạch đến thực thi và quản lý đô thị, kể cả các khu đô thị mới vừa hình thành trong hơn mười năm qua”, ông Trần Trung Chính - Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng - nhận định như vậy tại hội thảo khoa học “Quy hoạch và sử dụng đất công trong đô thị” sáng 18.12.

Lấy ví dụ từ Hà Nội, một trong hai đô thị đặc biệt của nước ta, ông Nguyễn Đức Truyến – Viện Xã hội học nói: “Năm 2008, Hà Nội chỉ có 17 rạp hát, 10 rạp chiếu phim, 10 bảo tàng và 15 thư viện. Các địa điểm văn hóa hay các không gian xã hội này rõ ràng là rất ít so với quy mô dân số Hà Nội”. Trong khi đó, đất dành cho giao thông của thành phố mới đạt 8% quỹ đất đô thị so với tiêu chuẩn là 40%. Bình quân đầu người chưa đạt 1m² công viên.

Theo ông Trần Trung Chính, đất công cộng, công trình công và công cộng đang đứng trước nguy cơ bị chuyển sang các hình thức sở hữu khác. Dùng trụ sở công cho tư nhân thuê, chuyển hàng loạt chợ thành siêu thị, cho phép xây dựng khách sạn trong công viên, lấp vô số ao hồ và biến thành đất thương mại… đang trở nên phổ biến ở nhiều đô thị. Người dân cũng không ngừng lấn chiếm các hệ thống hành lang sông, mương trong thành phố, khoảng không gian công cộng lưu không giữa các đơn nguyên nhà, mọi mảnh vỉa hè của đô thị.

Còn theo TS Nguyễn Ngọc Hiếu - Học viện Hành chính quốc gia, đất công cộng trong các khu chung cư là đối tượng bị xâm hại điển hình ở đô thị. Tình trạng lấn chiếm chủ yếu diễn ra tại khu vực không gian đệm giữa đường đô thị và nhà ở, lối vào hoặc đường nội bộ dùng riêng hay dùng chung giữa các cụm nhà... Việc lấn chiếm xảy ra phổ biến với mức độ khá nghiêm trọng như xây dựng đè lên trên các công trình hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở gây tắc nghẽn, ngập, hoặc chặn lối ra vào cho xe cơ giới, xe cứu hỏa...

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng các phường làng ngõ ngách phát triển không theo quy hoạch, hình thành các khu ổ chuột kiểu mới, nơi mà người dân không hề có được những công trình công cộng vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, theo ông Hùng, việc cấp phép ồ ạt các khu văn phòng, khách sạn, nhà ở, siêu thị… ở khu vực trung tâm đô thị cũ vốn đã quá tải cũng đã làm hẹp không gian công cộng.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thục - Đại học Kiến trúc - hiện chúng ta đang phải đương đầu với hiện tượng xây dựng các khu mới kiểu “đô thị - phòng ngủ” từ khắp các nơi có quỹ đất nông nghiệp. Trên 700 khu đô thị mới đang được đưa vào sử dụng, không nơi nào xây dựng hoàn chỉnh các công trình dịch vụ đời sống tối thiểu như: chợ, trường học, hành chính dân cư, công trình hạ tầng xã hội, thể thao, công viên cây xanh, giao tiếp, phòng khám... đã làm cho hoạt động của đô thị tại chỗ thực sự bế tắc. Các dự án mới kiểu “đô thị - phòng ngủ” với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các kiểu đầu tư nông cạn, chỉ đủ sức chia lô bán nền nhà ở. Sáng ra, toàn bộ dân cư lên đường làm việc; trường học, bệnh viện, chợ búa, công chứng, giao dịch... vẫn ở các trung tâm cũ. Và chiều tối là dòng người ngược lại, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm khói xe...

Căn bệnh đó càng trở nên trầm kha khi gần đây các đô thị ngày càng mở rộng, liên kết cả về không gian và hoạt động kinh tế, để trở thành Vùng đô thị: Vùng đô thị TP.HCM bao gồm 8 tỉnh và 10,5 triệu dân; thủ đô Hà Nội mở rộng từ 921 km2 lên 3.341 km2, gần gấp 4 lần - trở thành Vùng thủ đô với dự kiến 10 triệu dân... “Vấn đề an sinh xã hội, dịch vụ công cộng thiết yếu, tiện ích ở thành phố quá thiếu thốn ngày càng được nhắc đến và không khéo chúng lại trở thành các đô thị bế tắc trong tương lai”, ông Thục lo lắng.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.