Những giờ học sinh động

19/11/2009 15:15 GMT+7

(TNO) Nhằm nâng cao chất lượng dạy học và thực hiện tốt chương trình Tin học hóa giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, nhiều trường THPT, THCS trên địa bàn TP.HCM đã áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, tạo nên những giờ học sinh động, hứng thú cho học sinh, đồng thời hạn chế phương pháp đọc - chép tồn tại từ trước đến nay.


Các em học sinh trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) trong giờ học - Ảnh: Cẩm Thúy

Giáo án điện tử: hấp dẫn, dễ nhớ

Một trong những phương pháp tiên tiến nói trên là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Đến nay, phần lớn các trường THPT, THCS ở TP.HCM đã sử dụng giáo án điện tử. Đa số học sinh đều thích phương pháp này.

Phan Thị Kim Hoàng, học sinh lớp 12 chuyên Hóa trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5) cho biết giáo án điện tử dùng hình ảnh sinh động, lôi cuốn sự chú ý của học sinh. Ngoài việc nghe giảng, học sinh cũng phải chuẩn bị các bài thuyết trình theo nhóm và sau đó trình bày trước thầy cô và các bạn trong lớp bằng chương trình powerpoint.

Phương pháp học mới này làm tăng vốn kiến thức cho học sinh vì phải tìm hiểu các kiến thức ngoài sách vở, đồng thời giảm độ “nặng” của lý thuyết. “Vì chính tụi em tự tìm tòi tài liệu, đến lớp giáo viên chỉ tổng kết ý chính và mở rộng thêm kiến thức, nên rất dễ hiểu và nhớ lâu”, Nguyễn Thạc Hiếu, học sinh lớp 10A10, chuyên khối D, trường Bùi Thị Xuân nhận xét.

Học nhóm: hào hứng, thoải mái

Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) thành công với phương pháp học theo nhóm, được các em học sinh tỏ ra thích thú. Thay vì xếp học trò ngồi theo cách thông thường hướng lên bảng để nghe giáo viên giảng bài, toàn bộ học sinh của trường được chia thành từng nhóm nhỏ và tự do trao đổi, thảo luận trong mỗi giờ lên lớp.

Hiệu phó Nguyễn Đạt Sử cho biết, trong những năm trước, phương pháp dạy này mới chỉ được thí điểm ở một số môn, chưa áp dụng đại trà do cơ sở vật chất của trường không cho phép. Tuy nhiên trong năm học này, nhà trường đã mạnh dạn phổ biến phương pháp này đến tất cả các khối lớp và môn học.

"Nhu cầu giao tiếp ở trẻ rất lớn, nếu để cho các em được chủ động trao đổi, tìm kiếm kiến thức mới thì các em sẽ tự cuốn mình vào từng giờ học. Thảo luận góp phần rèn luyện cho các em sự mạnh dạn, tự tin trình bày ý kiến. Với cách học này, hai phần ba thời gian của một tiết học là do các em tự làm chủ chứ không phải là ngồi nghe thầy cô đọc và chép lại như trước kia", ông Sử nói.

Cẩm Thúy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.