"Con kênh đen đen" bị "bức tử"

10/12/2010 08:31 GMT+7

(TNO) Con “kênh chết” có giá đầu tư trên 300 triệu USD chớm “hồi sinh” đang bị chính những quán nhậu "chặn đường sống" bởi những thứ rác rưởi đủ loại thải xuống lòng kênh hằng ngày.

Đổ ra kênh cho tiện

Trời vừa nhá nhem tối, những chủ quán nhậu dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) tất bật chuẩn bị cho một đêm kinh doanh bận rộn. Hàng dãy bàn ghế được bày biện trên vỉa hè, lề đường và sát bờ kênh - nơi vẫn có những bảng đỏ đề chữ “cấm vào” hoặc những băng rôn khuyến cáo sẽ bị phạt nặng nếu lấn chiếm hoặc xả rác ra kênh.

Chúng tôi chọn một quán nhậu nằm ngay ngã ba đường Trần Nhật Duật - Hoàng Sa, Q.1. Đã gần nửa đêm, nhưng quán vẫn nườm nượp khách. Một tốp nhân viên massage hành nghề trên đường Trần Quang Khải túa về làm cho quán thêm đông. Một nhóm nhậu vừa tính tiền xong đứng dậy ra về. Thức ăn thừa mứa đầy rẫy dưới chân bàn. Hỏi nhân viên rác này được đổ ở đâu, một nữ chạy bàn nhanh nhẩu: “Dồn vào thùng nhựa xanh ở góc kia rồi đổ ra kênh cho tiện”.


Đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành "thủ phú" của quán nhậu - Ảnh: Trần Duy (chụp lúc 19 giờ 30 ngày 9.12.2010)

Các quán nhậu dọc bờ kênh đã mọc lên như nấm. Chúng tôi làm cuộc khảo sát nhỏ: đếm quán nhậu dọc hai ven kênh thuộc địa bàn các quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Q.1, Q.3 và "thu" được con số trên 250! 

"Tình trạng tái lấn chiếm, “bức tử” kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được Ban quản lý dự án ghi nhận từ lâu. Nhưng một mình chúng tôi thì không thể làm được gì”

Ông Phan Châu Thuận

Không biết từ bao giờ, con đường ven theo kênh Nhiêu Lộc đã được “định danh” trong làng nhậu  là “nhậu bờ kè”. Càng về khuya, những quán nhậu ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè càng đông khách. Những thực khách ngà ngà say bước thấp bước cao tiến sát bờ kênh và nôn ra những gì đã được cho vào bụng. Không ít khách còn thản nhiên “trút bầu tâm sự” thẳng xuống dòng kênh đen trơ đáy, phô đầy những lớp bùn đen bốc mùi hôi thối.


Nơi đổ xà bần trên đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: Trần Duy (chụp  lúc 16 giờ 5 phút ngày 9.12.2010)

Ở quán nhậu nơi chúng tôi chọn ngồi, thỉnh thoảng cũng có xe của công an và lực lượng dân phòng phường Tân Định tuần tra. Xe chầm chậm chạy ngang qua. Chủ quán tắt bớt đèn, chỉnh vội hàng xe máy đậu lấn chiếm lòng lề đường và sau đó… đâu lại vào đấy.

Kẻ xây, người phá

Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè khởi động vào năm 2001 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 199,96 triệu USD. Nguồn vốn ODA do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Như tên gọi của nó, dự án này nhằm giảm ngập, nâng cao sức khỏe cho hơn 1,2 triệu dân sống dọc lưu vực kênh bởi nạn ô nhiễm. Đến nay, sau hơn 9 năm dự án được triển khai với tốc độ rùa bò, vốn đầu tư đã được điều chỉnh lên đến trên 300 triệu USD.


Những bảng cảnh báo như thế này được gắn dọc đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng vô tác dụng - Ảnh: Trần Duy

Để có thể thực hiện được dự án này, chính quyền thành phố và chủ đầu tư (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) đã tốn rất nhiều công sức và thời gian để giải tỏa những khu “ổ chuột” dọc hai bên kênh thuộc các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Q.1, Q.3… Dự án đang bước vào giai đoạn cuối để có thể hoàn thành, dự kiến vào khoảng cuối năm 2011. Người ta còn có kế hoạch “thanh lọc” màu nước đen ngòm của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành trong xanh để hình thành một tuyến du lịch trên con kênh này.

Nhưng giờ đây, không chỉ tai tiếng về tiến độ thi công rùa bò kéo dài nhiều năm nay, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn “nổi danh” là  "thủ phủ" của làng nhậu. Con “kênh chết” có giá đầu tư trên 300 triệu USD chớm “hồi sinh” đang bị chính những quán nhậu chặn hết mọi đường sống bởi những thứ rác rưởi đủ loại được vô tư thải xuống lòng kênh hằng ngày.

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo UBND các quận, nơi dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua giải tỏa tình trạng lấn chiếm hành lang dọc hai bên kênh. Tuy vậy, đến nay, tình hình vẫn không khả quan hơn.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè thừa nhận, chủ đầu tư không thể ngăn chặn được tình trạng này nếu không có sự chung tay của chính quyền địa phương. Ông Thuận cho biết, tình trạng tái lấn chiếm, “bức tử” kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được Ban Quản lý dự án ghi nhận từ lâu. “ Nhưng một mình chúng tôi thì không thể làm được gì” - ông Thuận nói.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.