Ngôn ngữ "bùn cừi"

30/10/2007 21:38 GMT+7

Sai bét về chính tả, méo mó về ngữ nghĩa nhưng mang đến cho chatter, blogger nhiều cảm xúc thú vị.

Ngôn ngữ... xả stress

Thử tưởng tượng, bạn đang mệt nhọc cả ngày trời do công việc, do học hành, do tiếp xúc với những văn bản quy phạm khô cứng, những bài văn chuẩn mực nhưng có phần nặng nề, thế mà rảnh rang một tí lên mạng, bạn lại phải tiếp tục... nghiêm túc và chuẩn mực, thì quả là "điên cái đầu". Và thế là bạn thích thú với việc "chơi chữ" khi ngồi trước máy tính.

Này nhé, xem họ viết và thử tưởng tượng bạn đọc gần xa khoái chí như thế nào khi đọc đoạn văn sau đây: "Đến tối, tớ đứng giữa bạn M. và bạn J. Lúc chơi trò sập lồng, bạn J. chạy trước lôi tớ đi còn bạn M. chạy sau ghị tớ lại thế là... tớ ngã cái rầm, bạn M. đang đà lao tới nhanh chưn phi qua người tớ. May là nhanh chưn phi qua chứ người bạn í mà rầm lên người tớ chắc con mắm tớ phăng teo mất. Chuyện nhảy bao bố, ngậm quả trứng trong miệng, nhảy về "khó" dzậy mà tớ cũng ham hố tham gia. Tiếng còi vang lên. Tớ nhắm mắt nhắm mũi nhảy, nhảy, nhảy, nhảy, nhảy tới nơi tớ ngoạm quả trứng roài lật đật nhảy, nhảy, nhảy, nhảy, nhảy về. Dzậy mà quả trứng ko sao, huhuhu tớ mừng quá, cuối cùng tớ cũng đã ko làm bể quả trứng thứ 2 của nhóm. Nhưng nhóm tớ dzẫn dzìa thứ 2/3…". Đó là một trong những đoạn tường thuật lại chuyến đi chơi với nhóm 7X Sài Gòn của blogger Phale. Nếu như Phale viết theo một thứ ngôn ngữ "đâu ra đấy"- "chưn" là "chân", "roài" là "rồi", "dzẫn dzìa" là "vẫn về"... thì chắc gì đọc đã thấy vui.

Lý giải về việc mình vẫn thường xuyên sử dụng những từ như: "bùn cừi" - buồn cười, "bi nhiu" - bao nhiêu, "pà kon" - bà con, "wé xé" - quá xá, "bùn như con chùn chùn" - buồn như con chuồn chuồn..., blogger này nói: "Tếu táo một chút ở trên mạng cho vui thôi chứ ở ngoài đời có ai nói như vậy đâu. Đôi khi gõ thế cũng đỡ tốn thời gian. Mình nghĩ mọi người đều được học chính tả, ngữ pháp tiếng Việt từ nhỏ và ai cũng biết phải sử dụng ngôn ngữ cho đúng nơi đúng lúc. Việc viết như vậy chỉ để xả stress và không gây ảnh hưởng gì đến sự trong sáng của tiếng Việt".

Hội chứng "ac ac, hic hic, he he"

Như là "máu thịt", hễ ngồi trên mạng là trong đầu những chatter, blogger lúc nào cũng sẵn sàng tuôn ra hàng loạt từ ngữ biểu hiện cho từng tâm trạng. Nghe xong một điều gì đó ngộ nghĩnh hoặc muốn khiêu khích ư? Hãy dùng "kakaka, hehe". Bất ngờ, choáng váng ư? Hãy xài "wow, oài, ặc ặc". Còn buồn bã, rơi lệ? Không gì khác là các từ "huhuhu, hic hic, oa oa" kèm theo những icon (biểu tượng) khóc, cười, mếu đủ cả. Đến nhà văn, nhà báo được coi là "kẻ gương mẫu về sử dụng tiếng Việt" thỉnh thoảng cũng thích "xài" những từ ngữ "hổng giống với văn chương" nữa là... Nhà văn trẻ Từ Nữ Triệu Vương đã "sáng chế" ra từ "hôk" thay cho từ "không" đầy ắp trong blog.

Tuy nhiên, cái gì quá thì không còn mang đến sự thú vị mà là... vô vị, phản cảm. Blogger Hoài Tâm chia sẻ: "Ngôn ngữ này quýnh lên đọc thì thấy vui vui nhưng vừa phải dể hiểu thì hổng seo. Nhiều người viết biến thái đến độ tui có thâm niên chat chit trên mạng gần 10 năm rùi mà cũng mún điên cái đầu khi đọc. Viết tắt, đổi âm... nhiều quá tui cũng mún tằng tằng theo lun á. Nhân viên của tui cũng chat chit quýnh kiểu ngôn ngữ này nhiều quá quen tay viết báo cáo cho tui cũng kiểu này luôn".

Ngôn ngữ mạng ra đời là một lẽ tất yếu khi cả thế giới giao lưu với nhau thông qua mạng và xả stress, bộc lộ bản thân cũng qua mạng.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.