Cái lạnh lùng của một bản tin

30/10/2007 14:04 GMT+7

(TNO) Nhiều bạn đọc mấy ngày qua đã ngạc nhiên và hết sức bất bình khi đọc bản tin: Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa quyết định giao cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh tiến hành các thủ tục thanh lý toàn bộ tài sản của Nhà máy đường Quảng Nam. Mức giá đưa ra là 68 tỉ đồng cho khối tài sản gồm nhà làm việc, máy móc thiết bị, hóa chất, vật tư thay thế...

Nhà máy đường Quảng Nam đặt tại thôn 5, xã Quế Cường, Huyện Quế Sơn từng có nhiều tai tiếng mà Thanh Niên cũng như nhiều báo khác đã phản ánh trong gần cả chục năm qua. Đây là công trình tiêu biểu nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại Quảng Nam, được công ty Lương thực và Công nghệ thực phẩm miền Trung (Foodinco) đầu tư hơn 200 tỉ đồng từ năm 1997. Từ năm 1998 đến 2004, do thiết bị nhập khẩu không đồng bộ, không nghiệm thu được nên nhà máy hoạt động không hết công suất, không đảm bảo chất lượng sản phẩm và giá thành cao đã dẫn đến lỗ lũy kế gần 200 tỉ đồng. Từ khi ngừng sản xuất đến nay (do thua lỗ, nợ ngân hàng, không có vốn kinh doanh), khối tài sản này nhanh chóng xuống cấp.

Sau khi chuyển đổi sở hữu từ Foodinco sang Tổng công ty Mía đường II, việc đánh giá tài sản vẫn không thực hiện được. Hàng trăm lá thư, đơn tố cáo và tài liệu đáng tin cậy của cán bộ, công nhân viên (trong đó có nhiều người là cán bộ lãnh đạo bị trù dập vì chống tiêu cực) đã gửi đến các báo, lãnh đạo địa phương, các đoàn đại biểu quốc hội, chính phủ... Công an tỉnh Quảng Nam đã kết luận có tiêu cực trong quá trình đầu tư, mua sắm thiết bị do Foodinco thực hiện và được chuyển cho Bộ Công An, rồi Thanh tra bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng kết quả vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Theo phản ảnh của những người chống tiêu cực (có tên tuổi, địa chỉ hẳn hoi), thì những người lãnh đạo của Foodinco có liên quan đến dự án và lãnh đạo nhà máy đường Quảng Nam vẫn bình chân như vại với khối tài sản riêng tăng lên lộ rõ ở Đà Nẵng.

Nhà máy không hoạt động hiệu quả dẫn đến tình cảnh điêu đứng của hàng chục hộ nông dân ở các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức (Quảng Nam) vì trồng mía nguyên liệu không hiệu quả (do không được đầu tư thỏa đáng hoặc không bán được sản phẩm mía cây như kế hoạch ban đầu khi ký hợp đồng trồng nguyên liệu cho dự án...). Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Quảng Nam gồm sắn, dứa và mía được tung hô trong một thời gian dài, coi như thất bại.

Đùng một cái, nhà máy đường Quảng Nam được tuyên bố phá sản. Những khuất tất trong quá trình mua sắm thiết bị để lâu nên đã “hóa bùn” và rơi vào quên lãng?

Quảng Nam là một tỉnh nghèo mới được tái lập 10 năm qua từ một nền tảng kinh tế -xã hội rất thấp. Các vị lãnh đạo tỉnh liên tục kêu gọi mọi người hiến hế “làm gì để nhanh chóng thoát nghèo”. Nhưng 80% trong số một triệu rưỡi dân sống ở nông thôn và làm nông nghiệp, thu nhập thấp và liên tiếp chịu đựng tai trời ách nước mỗi năm luôn là một gánh nặng. Con số hơn 500 tỉ đồng bỏ ra từ ngân sách (là thuế của dân) giờ chỉ được rao bán chỉ chưa bằng bằng 1/7 số tiền đã bỏ ra!

Một cán bộ hưu trí tại Đà Nẵng, nhiều năm gắn liền cuộc sống của anh với nông thôn Quảng Nam gọi điện thoại nói: “Sau khi đọc những dòng chữ lạnh lùng của bản tin mà tôi thấy đau từng đoạn ruột!”.

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.