Tuyển sinh ĐH, CĐ: 2 mức điểm sàn là bước thụt lùi !

04/04/2013 03:42 GMT+7

Ý kiến của các chuyên gia và đại diện nhiều trường ĐH, CĐ đều tỏ ra không đồng tình với phương án 2 mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT dự kiến áp dụng từ mùa tuyển sinh năm nay.

Các chuyên gia cũng chứng minh rằng nguyên nhân thiếu hụt nguồn tuyển không phải là do điểm sàn.

 

Nếu có thêm một mức sàn thấp hơn 2 điểm, sau khi trừ điểm ưu tiên tối đa 1,5 điểm và các loại ưu tiên khác, trung bình mỗi môn thi chỉ trên 3 điểm là quá yếu kém

PGS-TS ĐẶNG VĂN TỊNH
Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM

Bản chất là hạ điểm

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH nhận định: “Việc có thêm mức điểm sàn dưới dù thế nào cũng là một bước lùi”. Ông lý giải: “Thi 3 chung, cái được nhất mà Bộ đề ra đó là điểm sàn, đó là ngưỡng tối thiểu để xác định học sinh đó có thể theo học ĐH, CĐ hay không”. Ông Thi cho rằng đã là ngưỡng tối thiểu thì chỉ có một mức điểm sàn như hiện nay, còn nếu có 2 mức điểm sàn như Bộ dự kiến thì nó sẽ không thể gọi là điểm sàn nữa mà là “cái gì đó” không còn ý nghĩa nữa.

Còn PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), bức xúc: “Có thể hạ điểm sàn xuống một chút để tạo điều kiện cho những trường đảm bảo điều kiện nhưng thiếu hụt nguồn tuyển do những nguyên nhân khách quan. Nhưng phải nói thẳng với nhau là hạ điểm sàn chứ không có chuyện điểm sàn mà lại có 2 mức”.

Chưa “bắt trúng bệnh”

Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhằm vào điểm sàn để cải thiện nguồn tuyển cho các trường khó tuyển sinh là chưa trúng.

Theo GS Đào Trọng Thi, tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu năm vừa qua là do các trường ngoài công lập tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớn quá. “Có những trường mới mở, cơ sở vật chất tạm bợ, năng lực đào tạo yếu, vậy mà chỉ tiêu tuyển sinh cứ hàng nghìn”, ông Thi nói. 
Bởi vậy, theo ông Thi, nếu Bộ kiểm soát tốt về chỉ tiêu thì vẫn đảm bảo nguồn tuyển của khối các trường ngoài công lập chứ không đến nỗi thiếu. “Rất tiếc là cách đánh giá của Bộ không biết đã cân nhắc kỹ chưa nhưng giải pháp vẫn nhằm vào điểm sàn”, ông Thi nhận định.

Về vấn đề này, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, phân tích, trường công lập chiếm 86% trên tổng số sinh viên trong khi hơn 80 trường ngoài công lập chỉ đào tạo 14% sinh viên. Nếu các trường công lập tăng 10% chỉ tiêu mỗi năm thì trường ngoài công lập sẽ mất đi 50% nguồn tuyển. Vì vậy, chỉ cần Bộ cân đối chỉ tiêu hợp lý, quản lý chặt chẽ tổng chỉ tiêu các hệ tại chức, văn bằng 2 theo lộ trình cụ thể thì trường ngoài công lập sẽ “có đất dụng võ”.

Tuyển sinh ĐH, CĐ: 2 mức điểm sàn là bước thụt lùi !
Kiểm tra hồ sơ học sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2013 tại Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) vào ngày 3.4 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chỉ 3 điểm/môn là đỗ đại học

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng: “Việc Bộ đưa ra 2 mức điểm sàn như vậy thực ra đang ưu tiên cho các trường ngoài công lập, hay nói cách khác là ưu tiên theo tiêu chí loại hình trường. Cách làm này không đúng với mục tiêu mà Bộ đặt ra là ưu tiên các ngành khó tuyển. Hai tiêu chí này hoàn toàn khác nhau. Vả lại, điểm sàn ĐH nếu ở mức 11 - 12 là quá thấp. Đầu vào sẽ ảnh hưởng đến quá trình đào tạo, cũng như chất lượng sinh viên ra trường”.

PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng nói: “Phương án này của Bộ chưa thể hiện tính tối ưu, mà chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết vấn đề cấp bách. Thay vì áp dụng cách này, việc giữ lại cách xác định điểm sàn theo phương án cũ các năm vẫn tốt hơn”. Ông Tịnh phân tích: “Một kỳ thi quốc gia chỉ nên có một điểm sàn duy nhất đáp ứng đủ chỉ tiêu tuyển sinh các trường cũng như chất lượng đầu vào. Nếu đặt chất lượng tuyển sinh lên hàng đầu thì nên giữ một mức điểm sàn. Vì đâu phải chúng ta mong muốn tất cả học sinh phổ thông khi tốt nghiệp đều phải vào trường ĐH. Một xã hội phát triển cần có cả người thầy và người thợ, bậc ĐH và những bậc thấp hơn như CĐ, TCCN, dạy nghề”. Tiến sĩ Tịnh nhấn mạnh: “Mức điểm sàn cũ mọi năm (13 - 14 bậc ĐH) đã được xem là dưới trung bình. Nay nếu có thêm một mức sàn thấp hơn mức trên 2 điểm, sau khi trừ điểm ưu tiên tối đa 1,5 điểm và các loại ưu tiên khác, trung bình mỗi môn thi chỉ trên 3 điểm là quá yếu kém”.

Đã là tối thiểu rồi !

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, có ý kiến: “Các trường công lập hầu như không quan tâm tới thay đổi này, vì thực sự mức điểm sàn thứ hai sẽ chỉ ảnh hưởng đến các trường ngoài công lập”. Tiến sĩ Hùng thẳng thắn: “Trường hợp nếu không tuyển đủ chỉ tiêu, mức điểm sàn 13 - 14 như hiện nay đã là tối thiểu rồi. Nếu tuyển thí sinh mức điểm thấp hơn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Và quan trọng nhất, theo tôi, dù có hạ điểm sàn và điểm xét tuyển xuống thấp thêm nữa nhưng nếu thí sinh không thích vẫn sẽ không nộp hồ sơ vào. Tôi có biết những thí sinh dù đủ điểm vào ĐH ở một số ngành, nhưng vẫn nộp hồ sơ vào CĐ ở ngành mình yêu thích. Do vậy, chưa chắc việc hạ điểm sàn có thể thu hút thí sinh đầu vào hay không”.

Phát sinh nhiều rắc rối

Ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, băn khoăn: “Điểm sàn hiện nay đã là kịch trần, nếu quy định mức điểm sàn dưới thì tiêu chí thế nào là trường khó khăn về nguồn tuyển. Hơn nữa, phân biệt đầu vào như vậy thì đầu ra chúng ta quản lý thế nào, giá trị bằng cấp của những trường có hai mức điểm sàn có phân biệt hay không?”.

Về việc xét thêm điểm tốt nghiệp THPT với những thí sinh có điểm sàn dưới, GS Đào Trọng Thi cho rằng: “Điểm tốt nghiệp hiện nay cũng không có một mặt bằng chung, học sinh ở 2 vùng miền khác nhau về điều kiện kinh tế, xã hội, chất lượng giáo dục thì khác nhau. Đó là chưa kể coi lỏng, coi chặt, chấm lỏng chấm chặt ở từng nơi, từng người thầy. Nếu cho rằng đây là một biện pháp công bằng thì tôi lại cho rằng không lấy gì làm đảm bảo”. Đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương cho rằng việc xét thêm điểm thi tốt nghiệp sẽ nảy sinh rất nhiều rắc rối về mặt kỹ thuật. “Sở dĩ chúng ta chưa thể coi kết quả tốt nghiệp THPT chính là điểm sàn để vào ĐH vì chưa tin vào chất lượng của kỳ thi đó. Nay lại lấy kết quả đó coi như yếu tố điều kiện thì khó yên tâm”, ông Cương lo lắng.

Theo thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, có thêm một mức điểm sàn thì rất phức tạp. Cụ thể là điểm trúng tuyển của một số thí sinh sẽ rất thấp, mỗi môn chỉ cần 3 điểm. Ông Tuấn cũng cho biết nên giữ nguyên mức điểm sàn như hiện nay, có thể áp dụng đề án tuyển sinh riêng của từng trường. Hiện nay rất nhiều trường muốn công bằng với các trường khác nhưng chất lượng đầu vào lại muốn dễ dàng là điều rất mâu thuẫn.

Tuệ Nguyễn - Đăng Nguyên

Tư vấn trực tuyến: Chọn ngành kỹ thuật, công nghệ và kiến trúc

Hôm nay, lúc 14 giờ 30 ngày 4.4, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục tổ chức buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề “Chọn trường thích hợp”, tập trung vào nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ và kiến trúc. Chuyên gia tư vấn đến từ các trường ĐH gồm: tiến sĩ Lê Thanh Hưng (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM); tiến sĩ Nguyễn Kim Quang (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM); tiến sĩ Đồng Văn Hướng (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM); tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), thạc sĩ Trần Minh Tuấn (chuyên viên phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM). Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi đến chương trình ngay từ bây giờ, tại địa chỉ: www.thanhnien.com.vn.

Thanh Niên

Tuệ Nguyễn - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.