Vẫn còn được sống - Kỳ 4: Mẹ và con dâu

13/11/2010 09:25 GMT+7

“Mẹ ơi, con bị nhiễm HIV rồi”. Ngày anh Toản điện từ Sài Gòn về báo tin đó, bà mẹ Nguyễn Thị Nghì buông điện thoại suýt ngất xỉu. Nuốt nước mắt vào trong, người mẹ ấy đã biến nỗi buồn thành tình yêu và nghị lực để động viên con vượt qua những ngày tháng khủng khiếp nhất.

>> Kỳ 1: Tổ ấm của hai mảnh hồn lạc
>> Kỳ 2: Trả ơn cuộc đời
>> Kỳ 3: “Diễn” kịch đời mình

Hạnh phúc con

Đến thăm nhà chị Đỗ Thị Ngần (xóm 7, thôn Đông Nhạn, xã Quốc Quốc, huyện An Lão, TP Hải Phòng), chúng tôi được bà Nghì hớn hở khoe: “Con dâu tôi được lọt vào tốp 18 cuộc thi hoa hậu HIV rồi đấy. Sắp tới sẽ được xuống Hà Nội dự thi”.

Khoảnh đất nhỏ trước nhà mới được bà xới tơi, đủ các loại hoa hồng, hoa ly đang vào vụ trổ bông. Bà Nghì dẫn chúng tôi ra khu vườn sau nhà. Mảnh vườn cây ăn trái đang vào vụ thu hoạch bị chặt đốn ngổn ngang. “Vườn cây ăn trái này đã có từ lâu lắm rồi nhưng tôi mới phá đi. Con dâu thích trồng hoa lắm, nói trồng cho vụ tết để kiếm thêm thu nhập” - bà Nghì vui vẻ nói vậy, chặt bỏ vườn cây ăn trái để trồng hoa theo lời con dâu.

Đầu năm 2010, bà hãnh diện đưa con trai Vũ Văn Toản đi rước dâu về nhà. Đám cưới của anh lớn đến 40 mâm. Như bao đám cưới khác ở miền quê, họ hàng và người thân đến đầy đủ để chúc mừng bà mẹ và vợ chồng trẻ.

Đám cưới của anh Toản làm thôn Đông Nhạn xôn xao cả một thời gian dài. Người làng biết anh Toản bị HIV, nay lại cưới thêm cô Đỗ Thị Ngần cũng nhiễm HIV về. Hạnh phúc của họ bắt đầu cả với sự mừng vui và âu lo của bà mẹ già nhiều đau khổ và dũng cảm. Nhắc đến chuyện cưới được vợ cho con trai là bà rưng rưng nước mắt.

Chị Ngần là người làng An Thái, đã có một con gái 8 tuổi. Cuộc đời chị xiêu đổ khi người chồng mất vì sốc ma túy bốn năm trước. Chị biết mình nhiễm HIV từ hệ quả nghiện ngập của chồng. Người làng Đông Nhạn và làng An Thái đều xì xào bàn tán: Hai đứa “siđa” lấy nhau,  sống chết không biết lúc nào mà cưới nhau làm gì cho khổ? Có người ủng hộ, người thương hại. Người nói bà Nghì to gan. Nhiều anh em họ hàng khuyên không được quay qua bỏ mặc và trách móc bà Nghì: “Ốc không mang nổi mình ốc mà còn đòi mang cọc cho rêu”.

Người đàn bà trải đời ấy trút bỏ tất cả gánh nặng của miệng thế gian sang một bên. Bà kiên quyết nói: “Con trai tôi cũng cần có gia đình, cần hạnh phúc. Chỉ cần con được hạnh phúc, dù một ngày thôi tôi cũng mãn nguyện lắm rồi”. Bà quyết thế. Và đám cưới của con trai bà được diễn ra. Người đời bắt đầu thôi bàn tán và nể phục sự sắt đá của bà mẹ quê này.

Hàng xóm xung quanh bảo thường ngày bà nhanh nhẹn lắm, làm đủ việc để chạy vạy lo cho đám cưới. Thế mà đến ngày làm lễ, bà cứ luống cuống ra vào nhìn mãi hai đứa con, miệng cười, nước mắt rưng rưng chực trào ra, lẫn lộn cả quá nhiều đau khổ và hạnh phúc. Đứa con mà hôm nào qua điện thoại bà tưởng đã mất đi thì nay lại hồi sinh.

Nước mắt mẹ

Chồng mất vì tai nạn năm 45 tuổi, một mình bà Nghì tần tảo nuôi ba đứa con và mẹ chồng già yếu. Toản lớn lên xin mẹ cho vào Sài Gòn làm ăn. Người mẹ quê nghèo như bà chỉ biết Sài Gòn là chốn kiếm được tiền, con trai có hi vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng chưa ở Sài Gòn bao lâu, Toản bị một cô gái trẻ lừa hết tiền bạc và để lại một mầm bệnh.

Toản suy sụp hoàn toàn. Bạn bè xa lánh anh. Người quen xì xầm: “Không biết thằng Toản có qua khỏi giai đoạn này không”. Không cách gì gượng dậy được, Toản nhớ đến mẹ và chỉ còn biết gọi điện nói thật với mẹ tất cả. Bà Nghì nghe điện thoại cứ như ngất đi, rồi lại gượng dậy, mạnh mẽ vì biết con cần mình. Bà nằng nặc đòi vào Nam đưa con về quê. Mẹ muốn đi, con bảo đừng vào. Bà Nghì và Toản chỉ biết khóc qua điện thoại.

Bà mẹ nhà quê cả đời chưa bao giờ nghe thế nào là HIV. Bà Nghì nhớ lại: “Ban ngày tôi đi làm, đêm về khóc ướt hết cả gối. Người ta bảo HIV là căn bệnh thế kỷ ghê gớm lắm, mắc vào chỉ nằm chờ chết thôi”. Càng nghĩ như thế bà mẹ già lại càng gồng mình lên cười nói vui vẻ động viên con mỗi khi Toản điện thoại về. Bà im lặng với sự thật đau đớn chất chứa đầy trái tim mình.

Người mẹ già mới học hết lớp 3 ấy giờ ban ngày đi làm đồng, tối về tranh thủ tẩn mẩn đọc hết báo chí, tờ rơi, giấy giới thiệu, tivi hoặc bất cứ gì nói về HIV. Bà đọc được bao nhiêu lại nói cho con trai nghe, động viên Toản lấy lại niềm tin. Lúc nào cũng cười vui như thế, bà ngấm ngầm gồng gánh cả những lạc quan cho mình và cho con trai để tiếp tục sống. Nước mắt chát lòng bà nuốt ngược vào tim.

Khi anh Toản ngỏ lời với mẹ muốn cưới Ngần, bà đã làm tất cả để hai con hạnh phúc.

Cưới được vợ cho con rồi, bà lại làm tất cả việc nặng trong nhà vì biết sức khỏe hai con không tốt. Bà còng lưng sáng sớm đeo bình thuốc trừ sâu đi phun trên đồng. Gặp hàng xóm thắc mắc: “Con dâu đâu mà bà phải làm công việc nặng thế?”, bà đáp: “Con dâu hôm nay ốm!” và không cần giải thích điều gì nữa.

Chị Ngần xúc động kể về cái ơn của mẹ: “Hồi quyết định bước thêm bước nữa, tôi cứ phân vân sợ phải để con gái lại cho ngoại nuôi. Chính mẹ chồng đã qua tận nhà nói tôi cứ mang con gái về mẹ trông cho”.

Chị Ngần hằng ngày nhìn bà Nghì thương con gái Mai Anh như cháu ruột, miếng ngon nào bà cũng dành cho cháu, hai bà cháu quấn quýt nhau cả ngày. Có hôm chị Ngần đi mổ khối u chân phải ở bệnh viện, nhìn mẹ Nghì chạy tới chạy lui cực khổ chỉ biết khóc vì thương bà.

Đến lúc bà Nghì đòi ăn riêng, vợ chồng anh Toản vẫn không hiểu sao cho đến khi nhìn thấy bữa ăn kham khổ từng tí một của bà. Bà tiết kiệm để có thêm tiền lo bữa ăn đủ chất cho hai vợ chồng đứa con bị bệnh. Bao nhiêu buồn khổ, khó khăn bà để trôi qua thinh không, lặng lẽ chăm chút từng ngày cho hai con không may mắn với cuộc đời này. Bà thản nhiên nói: “Chúng nó bị bệnh chứ có ăn trộm ăn cắp gì đâu mà tôi phải sợ. Nếu tôi không dạy được con, để nó đi trộm cắp thì mới xấu hổ với dân làng”.

Anh Toản giờ đau yếu nhiều, không làm được việc nặng nữa, chỉ ở nhà chăm vườn hoa chờ vụ thu hoạch cho vợ. Những ngày khỏe, chị Ngần đi phụ hồ kiếm thêm chút ít. Một mình bà Nghì quán xuyến cả 3 sào ruộng và một bầy heo. Miếng ăn chật vật dần vì khó khăn, nhưng bà và các con lúc nào cũng hạnh phúc.

Hàng xóm ái ngại nhìn bà Nghì khi nghĩ tới ngày vợ chồng anh Toản đổ bệnh phải nằm một chỗ. Nhưng bà mẹ già ấy không thấy gì quan trọng ngoài việc có những ngày quấn quýt, vui vẻ với con cháu. Đôi mắt đục ngầu hỏng một bên của bà lấp lánh nụ cười.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.