Rơi vào thế "nhảy việc bị động"

11/12/2008 10:26 GMT+7

Thông thường vào dịp cuối năm, người lao động (LĐ) chỉ muốn "yên thân, ấm chỗ" để dành tâm lý nhảy việc vào đầu năm sau, bởi đây là thời điểm tổng kết lương thưởng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn đã khiến không ít doanh nghiệp phải giải thể hoặc cắt giảm LĐ, điều này đẩy người LĐ vào thế phải "nhảy việc bị động".

Cả chủ lẫn thợ đều vào cửa khó

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc TTGTVL các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (Hepza) đầy vẻ lo lắng khi nói về thị trường LĐ tại các KCN: "Năm nay khó khăn quá. Theo thống kê chúng tôi có được, một số DN đã phải cắt giảm gần 3.000 LĐ. Số lượng LĐ tuyển dụng được cũng giảm hơn 20% so với năm trước".

Do khủng hoảng kinh tế trên diện rộng, nhiều DN không kịp trở tay khi đơn hàng bị cắt đột ngột. Người LĐ mới tuyển vào hồi tháng 9, tháng 10 lại phải xách túi ra đi vì Cty không đủ việc để làm. Theo ông Tùng, những DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử, cơ khí... đang gặp nhiều khó khăn nhất do biến động từ "thị trường mẹ".

Thị trường LĐ tại các KCN tỉnh Bình Dương cũng ở trong tình trạng "ế ẩm" cả cung lẫn cầu. Trong vai LĐ phổ thông đi tìm việc tại KCN Việt Nam - Singapore, KCN Sóng Thần, chúng tôi nhận thấy số lượng băngrôn tuyển dụng tại cổng Cty ít hơn hẳn mọi năm. Nhất là các DN thuộc lĩnh vực điện tử, cơ khí, hỏi xin việc chỉ nhận được cái lắc đầu dứt khoát từ phía bảo vệ.

 

Trong lúc khó khăn, vẫn có DN tuyển hàng nghìn LĐ

Chị Nguyễn Thị Thu (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đang làm việc tại Cty Hanson Vina (KCN Sóng Thần) cho biết: "Trước kia, Cty tăng ca một tuần ba buổi, còn hiện nay, chỉ còn tăng ca một buổi/tuần, có tuần không tăng ca buổi nào". Những công nhân có việc để làm như chị Thu được coi là may mắn, ở những Cty đơn hàng ít, công nhân thấy không có việc, xin nghỉ một tháng cũng được cho phép.

Tại Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM, một số DN ít việc đã phải sử dụng chính sách xoay vòng, người LĐ được nghỉ việc và hưởng 70% lương. Đây là cách để giữ chân LĐ, bởi các DN không muốn khi đơn hàng về lại vất vả tuyển dụng rồi lại mất công đào tạo. Ông Tùng nhận định: "Tình hình xấu có thể kéo sang quý I năm 2009, vì vậy tập trung giữ được lượng LĐ hiện hữu là ưu tiên hàng đầu của DN, nhất là LĐ có tay nghề".

Cần tạo kênh kết nối hiệu quả

Trong lúc khó khăn, vẫn có những DN trụ được và biết tận dụng cơ hội để vươn lên. Đây có thể coi là thời cơ vàng cho họ để thu hút LĐ từ những DN ít việc làm hoặc giải thể. Tại TPHCM, hàng chục DN đã đứng ra nhận công nhân từ những nơi bị giải thể hay chủ bỏ trốn do làm ăn thua lỗ. Nếu làm đúng ngành nghề, DN sẽ có ngay một lực lượng LĐ có kinh nghiệm và trình độ tay nghề nhất định.

Về thị trường chung, nhu cầu tuyển dụng giảm sút, nhưng vẫn xuất hiện những "anh tài" hiếm hoi đưa ra chỉ tiêu tuyển dụng hàng nghìn công nhân. Như tại TPHCM, một DN về da giày đang thông qua Hepza để tuyển dụng trên 1.000 LĐ. Ở Bình Dương, một số DN trong lĩnh vực giày da, chế biến thực phẩm và may mặc vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao.

 

Cuối năm, giữ chân được người LĐ có tay nghề là ưu tiên hàng đầu của DN

Chính vì vậy, ngoài việc lo đảm bảo các chế độ cho người LĐ trong dịp cuối năm, Công đoàn các KCN của TPHCM và Bình Dương còn tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan tại địa phương mình để tạo kênh kết nối LĐ ở những DN cắt giảm đến nơi có nhu cầu.

Như tại TPHCM, TTGTVL Hepza liên tục cập nhật thông tin từ các DN cắt giảm LĐ và các DN có nhu cầu tuyển dụng để tìm cơ hội cho người LĐ. Vấn đề khó khăn là dung hòa được trình độ giữa các ngành nghề khác nhau và tìm nơi làm việc có khoảng cách phù hợp để công nhân không mất thời gian đi tìm chỗ trọ mới.

Ông Nguyễn Thanh Tùng đưa ra lời khuyên: "Để không nằm trong danh sách bị cắt giảm LĐ, công nhân cần phải vững tay nghề và thích ứng nhanh khi Cty có những thay đổi về công nghệ".

Theo Vinh Hải - Tất Thảo (Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.